ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông

09/07/2012 03:00 GMT+7

Quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc ngày 8.7 họp không chính thức tại Phnom Penh (Campuchia), nhằm tìm kiếm tiếng nói chung cho vấn đề biển Đông.

Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM 45), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 19 (ARF 19) và Hội nghị Bộ trưởng trong Thượng đỉnh Đông Á lần thứ hai (EAS FMM 2) diễn ra từ 6-13.7.

Đây là lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc tiến hành tham vấn không chính thức về vấn đề biển Đông với mục tiêu đạt được đồng thuận để Bộ quy tắc ứng xử (COC) có thể ra đời. Chủ trì cuộc họp là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh và người đồng cấp Trung Quốc Phó Oánh. Việt Nam đang giữ chức điều phối viên luân phiên của ASEAN trong vấn đề này.

 ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông
 Vấn đề biển Đông được cho là sẽ bao trùm đợt hội nghị tại Phnom Penh - Ảnh: AFP

“Tại đây, mỗi quốc gia trong ASEAN và Trung Quốc đưa ra quan điểm của mình về vấn đề biển Đông cũng như đề xuất ý kiến trong việc xây dựng COC”, một nguồn thạo tin nói với Thanh Niên. Kết quả sẽ được trình cho các ngoại trưởng để quyết định hoạt động tiếp theo, nguồn tin cho biết thêm.

Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp quan chức 2 phía nhấn mạnh cam kết tiếp tục thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) “một cách toàn diện và hiệu quả” để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng như cách thức phối hợp soạn thảo COC.

Cũng trong hôm qua, các ngoại trưởng đã họp với đại diện Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền nhằm hoàn thiện bản thảo Tuyên bố nhân quyền, dự kiến sẽ thông qua cuối năm nay, làm khung pháp lý hợp tác về vấn đề này. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Houn cho biết trong cuộc họp báo rằng việc soạn thảo tuyên bố này khá thuận lợi trong khi có chỉ trích từ một số nhóm nhân quyền bên ngoài.

Hôm nay, AMM 45 sẽ chính thức khai mạc với sự có mặt của Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng họp trù bị với các nước Tiểu vùng Mê Kông gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar để chuẩn bị cho các kế hoạch hợp tác tiếp theo.

Lại nói một đàng, làm một nẻo

Vài ngày trước khi diễn ra đợt hội nghị ASEAN và các đối tác, Nhân Dân nhật báo lại đăng bài cho rằng đây “không phải là nơi phù hợp để bàn về tranh chấp biển Đông”. Tờ báo lên giọng viết ASEAN bàn về biển Đông là “không khôn ngoan” và tranh chấp chỉ là “vấn đề song phương giữa Trung Quốc với một số nước”. Điều này một lần nữa thể hiện ý đồ của Trung Quốc muốn “nói chuyện tay đôi” với các bên tranh chấp nhằm tận dụng “lợi thế nước lớn”. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vấn đề biển Đông sẽ bao trùm các hội nghị lần này. Ngay trước khi lên đường đến Phnom Penh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba nhất trí tiếp tục hợp tác về các vấn đề hàng hải và bày tỏ hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sớm được thông qua, theo Kyodo News.

Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc gọi hành động đưa 4 tàu hải giám tuần tra trên biển Đông là nhằm “thu thập chứng cứ xâm phạm chủ quyền”. Báo South China Morning Post dẫn lời giới phân tích cho rằng việc xuất hiện cụm từ “thu thập chứng cứ” cho thấy có thể Bắc Kinh sẽ có thêm hành động cứng rắn và sai trái, chẳng hạn như uy hiếp tàu của các bên khác.

Thái độ nói trên rõ ràng đi ngược lại tuyên bố của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn Hòa bình thế giới ở Bắc Kinh ngày 7-8.7. “Trung Quốc sẽ tiếp tục đeo đuổi con đường phát triển hòa bình và sẽ không mưu cầu bá chủ”, China Daily trích lời ông Tập nói.

Văn Khoa

Thục Minh
(từ Phnom Penh, Campuchia)

>> Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm biển Đông
>> Đội tàu hải giám Trung Quốc diễn tập ở biển Đông
>> ASEAN sẽ không bị đe dọa hạt nhân
>> Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC
>> Trao đổi thông tin trong khối ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.