ETHIOPIA - cội nguồn cà phê

12/07/2012 08:00 GMT+7

Ngoài khí trời và nước, loài người chúng ta như đứa con nằm trong lòng mẹ và trao đổi chất với tự nhiên qua thực phẩm. Trong đại thể, chu kỳ của dây chuyền thực phẩm là thực vật ăn (hấp thụ) khoáng chất, và động vật ăn thực vật và lẫn nhau, trong khi con người ăn cả cây và con.

Loài người từ cổ sơ đã biết cái cuống rốn với bà mẹ là thiết yếu cho sự sống còn nên tín ngưỡng đầu tiên, cũng như mối liên kết bộ tộc được xây dựng trên sự thờ vật tổ (totem) và những cấm kỵ (taboo). Vật tổ nguyên thủy cũng như phổ quát của các tộc người là một chủng loại thảo mộc hoặc động vật nào hết sức thân thiết với đời sống hoặc sự sống còn của bộ tộc.

Một điều rất lạ mà ngành nhân loại học (anthropology) chưa giải thích được một cách khoa học là tại sao loài người chỉ đam mê những thứ thực phẩm kiêm dược phẩm có nguồn gốc từ thảo mộc chứ không phải là động vật, từ những thức uống đến thuốc hút đều có cơ sở là các loại lá, bông, trái, rễ, mủ… như trà, cà phê, thuốc lá,...

Với cảnh quan và môi trường sống bản địa vô cùng phức biệt, mỗi bộ tộc, sắc tộc, và sau đó dân tộc đều có những món ăn thức uống gọi là món quê hương, quốc hồn quốc túy chẳng khác nào mỗi gia đình đều có bếp lửa và cách chế biến sử dụng riêng biệt từ bàn tay người mẹ, người chị… “Xa quê hương nhớ mẹ hiền” là câu xăm trên tay của những lãng tử tha phương phổ biến nhất, chính vì nỗi nhớ nhung đó.

 

Tuy nhiên, nếu mỗi tộc người chỉ bảo thủ gốc rễ của riêng mình thì khó có thể giao lưu và chung sống với người khác, tộc khác, và sẽ không có nếp sống chung hòa bình.

Sống chung là ăn uống chung, ở ngủ chung, làm việc chung, và mộng ước lý tưởng chung. Ăn là việc quan trọng để sống. Tục ngữ có câu: “dĩ thực vi tiên” hoặc “dân dĩ thực vi thiên” tức là lấy cái ăn làm đầu, hoặc coi trọng như trời. Người ăn cùng (commensal) là bạn ngồi cùng bàn. Bồ bịch tiếng Pháp là copain tức là cùng san sẻ bánh mì với nhau. Đồng chí tức comrade, gốc là camarade vốn là người ở cùng buồng do chữ camera trong tiếng La tinh là buồng hay phòng.

Uống thì nhẹ nhàng, tiện lợi, và phổ thông hơn ăn lại ít bị cấm kỵ. Những cấm kỵ nổi tiếng nhất đa số đều có gốc gác từ giới luật của các tín ngưỡng. Chẳng hạn Ấn giáo (Hindu) thờ bò, nhất là bò cái, như bà mẹ tự nhiên, giúp việc canh tác, cho sữa, bơ,…  Do Thái giáo và đạo Islam cấm ăn thịt heo và mọi sản phẩm làm từ con vật này, vì cho đó là dơ dáy. Ngoài ra còn vô số những cấm kỵ khác, nhất là với những con vật thuần hóa hoặc sống gần người như chó, mèo, ngựa… Hải sản và côn trùng gặp nhiều sự cấm kỵ và ghê tởm nhất.

Trong gặp gỡ giao lưu và kết bạn, thức uống là ưu tiên số một. Có một cấm kỵ quan trọng là nồng độ cồn/rượu dễ làm say, mất đi kiểm soát của cả ba phương diện thân thể, ngôn ngữ, và ý thức (thân, khẩu, ý) nên rượu thường bị liệt vào giới cấm trong nhiều tín ngưỡng trong khi cà phê và trà là hai loại thức uống phổ biến nhất trong giao lưu, chiêu đãi - với địa vị số một là của cà phê, cả về số người tiêu thụ và giá trị kinh tế thương mại. Quê hương nguyên thủy của cà phê là xứ Ethiopia nằm ở dải đất được coi là Sừng châu Phi (the Horn of Africa).

Ethiopia là một địa điểm cổ sơ nhất mà các nhà khoa học biết được về sự sinh tồn của loài người thông minh (homo sapiens), cũng là một trong những vương quốc cổ kính nhất. Homer đã nhắc tới Ethiopia hai lần trong sử thi Iliad và ba lần trong Odyssey. Đây là xứ nằm trên đường giao lưu của châu Phi, châu Á, và châu u. Có thể nói, với nền văn hóa đặc sắc đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ, Ethiopia là một trong những thử nghiệm giao lưu toàn cầu hóa lý thú nhất cho châu Phi và toàn thế giới. (Còn tiếp)

Bình Nguyên

>> Quán cà phê nhỏ nhất
>> Uống cà phê giúp tránh xa "thần chết
>> Độc đáo cà phê kỷ vật chiến tranh
>> Hiểu về cà phê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.