Rạng sáng ngày 5.7, gia đình anh Nguyễn Bá Dũng (tổ 38, P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên) đang say giấc thì bị đánh thức bởi một loạt tiếng động lớn ngay phía sau nhà mình. Anh Dũng cầm đèn pin ra ngoài soi thì phát hiện toàn bộ khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình đã bị trôi tuột xuống sát mép sông, để lại một hố sâu lớn, kéo dài hàng chục mét.
Anh Dũng cho biết, ngoài khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh, sông Hồng còn “nuốt” hàng trăm mét vuông đất của nhiều hộ lân cận khác.
Điển hình như hộ chị Lương Thị Hồng Lê, vết sạt lở “ăn” sát vào đến gần mép nhà chính, toàn bộ khu bếp và công trình phụ đã bị sạt lở hoàn toàn. Vết sạt kéo dài đến gần 100 mét, chiều sâu gần 4 mét. Thậm chí, có chỗ bị khoét sâu đến gần 6 mét.
Cũng theo anh Dũng, sau lần sạt lở sáng sớm ngày 5.7, những hôm sau tại khu vực này xuất hiện thêm các vết nứt mới. Để bảo vệ phần đất và tài sản của mình, các hộ dân ở đây phải huy động anh em, họ hàng đến chặt tre đóng cọc và dùng bao tải cát đắp thành kè dọc theo các vết nứt để chống sạt lở tiếp. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp ứng phó tạm thời.
Qua khảo sát, những điểm sạt lở thuộc tổ 38, P.Ngọc Thụy đều nằm ở khu ngã ba sông, có lưu lượng nước và tốc độ dòng chảy lớn nên nguy cơ nước sông ăn sâu vào đất liền gây ra sạt lở rất cao. Thêm vào đó, nạn hút cát trái phép hoành hành liên tục đã khiến cho dòng chảy thay đổi, tạo ra những hố nước sâu sát bờ sông càng khiến cho nguy cơ sạt lở tăng cao.
Chị Lương Thị Hồng Lê phản ánh: hàng ngày, từ 3 giờ sáng cho đến tận 5 giờ chiều hàng chục tàu hút cát tập trung tại khu vực ngã ba sông, thò vòi xuống lòng sông và ngang nhiên hút cát. Hiện tượng này xảy ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư chi bộ tổ 38 P.Ngọc Thụy cho biết, hiện có hộ gia đình nhà anh Dũng là bị sạt lở nặng nhất. Nhiều hộ khác trong tổ 38 mới chỉ bị mất đất, chưa ảnh hưởng tới các công trình. Tuy nhiên ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, UBND P.Ngọc Thụy đã có mặt tại hiện trường yêu cầu các gia đình bị sạt lở nhanh chóng sơ tán tài sản và con người ra khỏi khu vực trên để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Hiện các gia đình đã cơ bản làm xong phần kè gia cố tại các điểm sạt, tình hình tạm thời đã được kiểm soát.
Cũng theo ông Thành, nạn “cát tặc” chính là một trong những nguyên nhân cơ bản gián tiếp gây ra tình trạng sạt lở tại địa phương. Ngoài ra, nước sinh hoạt của bà con thường được thải trực tiếp ra môi trường, không có cống rãnh dẫn nước ra sông khiến cho nước ngấm thẳng xuống lòng đất. Địa tầng khu vực vốn yếu, cộng thêm tình trạng thẩm thấu của nước lâu ngày tạo ra các vết đứt gãy trên bề mặt đất, phía dưới bờ sông thì bị nhiều lỗ hổng do dòng chảy thúc thẳng vào bờ. Hai nguyên nhân đó cộng lại, việc sạt lở xảy ra là điều tất yếu.
Ông Thẩm Bá Phước, Chủ tịch UBND P.Ngọc Thụy cho biết, để giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở đất trên chỉ có một phương án tối ưu là xây dựng kè bê tông kiên cố dọc bờ sông. Trên thực tế tuyến sông Hồng và sông Đuống thuộc địa phận P.Ngọc Thụy đã có dự án làm kè nhưng chẳng hiểu vì lý do gì tuyến kè chỉ làm đến tổ 36 thì dừng lại và sau thời gian dài tới nay vẫn chưa thi công tiếp.
Hà An - Quý Nguyễn
>> Sạt lở khu nhà trọ, 6 người thoát chết
>> Sạt lở sông Tiền đe dọa nhà dân
>> Lấp hố xoáy đe dọa sạt lở bờ sông Hậu
>> Thả cát lấp hố xoáy đe dọa sạt lở ở An Giang
>> Sạt lở sông Tiền, 14 hộ dân mất nhà
>> Di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở
>> Sông Hậu tiếp tục sạt lở, đe dọa hàng trăm người dân
>> Nguy cơ tiếp tục sạt lở ở TP.Long Xuyên
>> Sạt lở, bốn căn nhà sụp xuống sông
>> Sạt lở bờ sông, 3 căn nhà bị cuốn trôi
Bình luận (0)