|
Mùa cá cơm bắt đầu từ giêng hai và thường “lai rai” đến giữa hè. Có năm rộ lên, thuyền ra cửa biển vài tiếng đồng hồ đã vội quay vào vì lưới đầy cá nặng. Đã có những ngư dân nhờ trời cho “lộc biển”, chỉ sau... nửa mùa bỗng trở thành tỉ phú cá cơm.
Khá nhiều lò hấp cá cơm mọc lên, lửa bập bùng cả đêm. Cá hấp được phơi khoảng vài nắng rồi bán cho thương lái. Từ những đầu mối này, chúng được xuất đi các nước trong khu vực. Một lượng lớn cá cơm được muối, cho vào những thùng gỗ để mùa sau “ra đời” loại nước mắm vàng óng, thơm đến mức muốn... húp mà không sợ mặn. Cá cơm phơi tươi cũng thành một loại “khô” hảo hạng, xuôi nam ngược bắc cho người mua làm quà.
Mẹ nói cá cơm “hiền” lắm, người đau ốm, đắng miệng, chán ăn, chỉ cần một vốc cá cơm nấu canh với lá me đất thì đang yếu cũng lòm khòm ngồi dậy. Ông anh hay nhậu thì rất khoái món gỏi. Lúi húi một lát với cá cơm cùng chanh, hành hoa, bột nêm, ớt, rau sống, bánh tráng giã nhỏ, nước chấm..., anh “a lô”. Tiếng bạn bè xôn xao ngoài ngõ.
Chị thì không ưa món gỏi vì theo chị, nó “sống sít và lỉnh kỉnh”. Chị luộc cá cơm, nêm vừa miệng, cho hành ngò và cà chua vào. Mấy chị em bẻ bánh tráng, xúc cá ăn ngon lành. Một lát hết cá thì đổi kiểu: bóp bánh tráng vào chén, chan nước và xì xụp đến khi thấy “rắn ráo” trong nồi. Nhớ thằng cu út, nó bỏ cả chục con cá lên miếng bánh tráng rồi chạy ra sau hè vừa ăn vừa chơi với đám nhóc. Lát sau vào thấy mâm bát sạch sẽ, nó ngồi phịch xuống đất khóc òa, cặp chân bé xíu duỗi co lia lịa, nước mắt nước mũi lòng thòng. Chị phải cho một cục đường đen to “bà cố” nó mới thôi.
Nhớ nhất là món cá cơm kho rim của mẹ. Mẹ nói kho kiểu này gia vị cô lại, con cá săn cứng, ném trúng chắc... u đầu. Nhớ những xế chiều thuở nhỏ, đang chơi nghe bụng cồn cào, chạy về lục cơm nguội ăn với cá cơm kho rim. Xong, ra lu nước dưới gốc cau “chơi” một gáo dừa nước lạnh, quệt ngang miệng rồi tiếp tục nhảy chân sáo ra đường. Có vậy thôi mà giờ xa quê, nghe ai nhắc “mùa cá cơm” lại thấy lao xao tuổi thơ ngày ấy...
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)