(TNO) Lần đầu tiên bức tranh nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được đưa ra ánh sánh khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố con số nợ xấu hiện tại chiếm 8,6% tổng dư nợ, tương đương hơn 202.000 tỉ đồng chứ không phải 117.000 tỉ đồng như các TCTD báo cáo.
>> Nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội gia tăng
>> Chính phủ yêu cầu quyết liệt xử lý nợ xấu
>> Không lấy tiền của dân để xử lý nợ xấu ngân hàng
>> Nợ xấu ngân hàng khoảng 108,6 nghìn tỉ đồng
>> 500 tỉ USD để giải quyết nợ xấu
Con số trên được Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN công bố tại cuộc họp báo chiều nay (11.7).
Sở dĩ nợ xấu theo kết quả giám sát cao hơn nợ báo cáo của các TCTD, theo cơ quan này, là do một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, do các tiêu chí xác định nợ xấu theo quy định hiện hành như: thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ… và tiêu chí chấm điểm, xếp hạng khách hàng.
“Kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số NH cổ phần yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế của các TCTD này cao hơn nhiều so với số báo cáo”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, giám sát NHNN nói.
Nợ xấu tăng nhanh sau khi bị thanh tra, giám sát - Ảnh: Ngọc Thắng
Nguyên nhân dẫn tới con số nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua, theo ông Nghĩa, do hầu hết các TCTD theo đuổi chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện. Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng và nhiều TCTD tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn như bất động sản. Khi các lĩnh vực này đóng băng, giá giảm sâu kéo theo nợ xấu tăng nhanh.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng thừa nhận công tác thanh tra, giám sát chưa phát huy hiệu quả trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng, nhất là các vi phạm quy định hạn chế cấp tín dụng và đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực rủi ro cao.
Anh Vũ
Bình luận (0)