Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 9): Nhà “chợ học”

13/07/2012 03:10 GMT+7

Là người duy nhất ở VN chụp gần hết các ngôi chợ trên mảnh đất hình chữ S, ông Hồ Đại Phước nói chẳng biết tự bao giờ bỗng thấy mê chợ quê nhà.

Là người duy nhất ở VN chụp gần hết các ngôi chợ trên mảnh đất hình chữ S, ông Hồ Đại Phước nói chẳng biết tự bao giờ bỗng thấy mê chợ quê nhà.

Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: Nhà “chợ học”
Ông Hồ Đại Phước và 5 bức ảnh chụp 5 ngôi chợ tiêu biểu của đất nước: Lũng Cú, Đồng Xuân, Đông Ba, Bến Thành và Đất Mũi  - Ảnh: Đ.T

20 năm trước, trong một lần chở vợ con đi chợ Bến Thành, ông chợt muốn lưu giữ lại hình ảnh của ngôi chợ là biểu tượng của TP. Nói là làm, ông sắm ngay chiếc máy ảnh cơ, mua ít cuộn phim về tự học chụp ảnh và bắt đầu rong ruổi khắp Sài Gòn từ nội đô ra tận ngoại thành chỉ để chụp ảnh… chợ. Trên chiếc Dream cũ, ông đèo vợ đến tận hang cùng ngõ hẻm, nghe ai chỉ có chợ là tìm đến.

Chỉ còn thiếu… 5 cái chợ

“Tôi chụp gần như toàn bộ chợ ở Sài thành. Một tài liệu ghi TP.HCM có khoảng 210 cái chợ, đến hôm nay tôi đã chụp được tổng cộng 205 cái, còn 5 cái nữa mà tìm hoài hổng ra! Nhưng con số 210 chợ chính xác đến đâu thì không thấy cơ quan nào thống kê hết”, ông nói bằng giọng nuối tiếc.

“Đến năm 2012, tôi chụp được 1.863 chợ trên toàn cõi Việt Nam. Có nhiều cái giờ đã mất, bị phá bỏ như chợ Bình Đăng ở P.6, Q.8 tôi chụp năm 2003, năm 2007 chợ bị thay bằng dãy nhà mới. Tôi quý những bức ảnh chụp chợ bị mất lắm vì đã giữ được chút gì đó của quá khứ”. Ông thổ lộ mình còn nhiều bức ảnh chụp chợ đã biến mất ở Sài Gòn như: Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh (Q.1), Xóm Củi (Q.8), Mai Xuân Thưởng (Q.6), Cây Quéo (Bình Thạnh), Cây Thị (Gò Vấp)...

Không chỉ chụp ảnh, ông Phước còn am hiểu về những ngôi chợ mình đã đến, đã chụp. Ông có thể ngồi say sưa kể lại lịch sử, năm xây dựng, hàng hóa bán ở chợ, rồi phân loại chợ đầu mối, bán lẻ bán sỉ rất chi tiết. Chưa hết, ông còn đưa tôi xem cả tập sách phân loại chợ theo vần abc. “Nhờ đó tôi mới biết được ở nước ta có bao nhiêu chợ trùng tên. Đơn cử chợ An Hòa có 5 cái ở Huế, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ. Chợ Hòa Bình có 4 cái ở TP.HCM, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu”, ông khẳng định. Rồi ông nói thêm, tên chợ cũng rất thú vị. Chợ mang tên Ông có chợ Ông Hưng (Tiền Giang), Ông Tạo (Bến Tre), Ông Trang (Cà Mau), Ông Trịnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), Ông Văn (Tiền Giang), Ông Nhơn (Quảng Nam). Còn chợ tên Bà thì không ít: chợ Bà Lát, Bà Điểm, Bà Chiểu, Bà Hom, Bà Bầu (TP.HCM), Bà Rén (Quảng Nam), Bà Rịa (Vũng Tàu), Bà Tồn (Tiền Giang), Bà Vệ (An Giang)... Chợ Chàng và Nàng cũng có như chợ Chàng Riệc (Tây Ninh), chợ Nàng Mau (Hậu Giang).

Gắn bó với đất Sài Gòn

 

Ông Hồ Đại Phước được Trung tâm sách kỷ lục VN trao danh hiệu Người chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất VN năm 2005. Ông sở hữu bộ sưu tập ảnh hơn 100 album chứa trên 18.000 bức ảnh chụp chợ và những nơi ông đã đi qua từ nam chí bắc trong 20 năm qua.

Ở tuổi 67, ông Hồ Đại Phước vẫn còn rất khỏe. Tự tay ông lái chiếc xe hơi Matiz bé tí đi hàng mấy ngàn cây số lên tận Hà Giang, rồi Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, về miền Trung và xuôi tận đất mũi Cà Mau để đến từng cái chợ.

Gia đình hai bên nội ngoại của ông đều là dân Sài Gòn. “Nhà nội thuộc khu chợ Nancy, nay ở góc đường Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo. Còn bên ngoại ngay Bến xe Lê Hồng Phong (cũ) gần chợ An Đông. Lúc nhỏ tôi ở đường Thành Thái giờ là An Dương Vương. Con đường này thời đó còn đất đỏ, hai bên có những hàng me tây cao vút, xanh rì”. Năm lên 6 tuổi, ông theo gia đình về sống tại Xóm Giá, Q.6, học Trường tiểu học Phú Lâm. “Năm 1948, cha bị Pháp bắt vì gia nhập tổ chức hoạt động cách mạng trong nội thành. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ông thêm một lần nữa. Sau vài tháng giam cầm thì ông qua đời. Tôi là anh cả. Em trai thứ hai Hồ Đại Đức đi du kích, hy sinh tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) năm 1966. Nghe tin em mất, tôi nằng nặc xin má vào chiến khu nhưng bà già không cho đi vì sợ mất thêm đứa con trai nữa. Tôi đành về đất dòng tộc ở ấp Phú Trung 2, xã Phú Thọ Hòa, tỉnh Gia Định nay là P.10, Q.Tân Bình mở lớp dạy học”, ông Phước nhớ lại.

Ngày hòa bình, ông làm việc tại Ban văn hóa - thông tin P.10, Q.Tân Bình. Năm 1985, ông lập gia đình có hai con, một trai một gái giờ đã nên vợ nên chồng. “Có lẽ do nét văn hóa về chợ ăn sâu vào máu nên nói đến nơi này, tôi thích lắm. Sài Gòn là đất có số lượng chợ nhiều nhất VN, đa sắc văn hóa nhất từ kiến trúc Pháp đến truyền thống Việt rồi hiện đại như ngày nay đều đủ cả. TP ngày càng văn minh, chắc rằng siêu thị sẽ thay thế dần một số chợ nhỏ nhưng tôi tin những ngôi chợ đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn sẽ mãi trường tồn như chợ Bến Thành, chợ Lớn Mới, chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu”, ông nhận định.

“Đi nhiều, ông thấy điều gì cần thay đổi ở các ngôi chợ?”, tôi hỏi. “Rất nhiều chợ ở Việt Nam không có bảng tên. Tôi chẳng hiểu do ban quản lý không để ý hay chợ không có tên nhưng như vậy sẽ mất đi nét văn hóa của vùng đó”.

Ông Phước cho biết không bao giờ chụp những chợ tự phát, chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, bởi: “Nơi đó làm xấu đi nét văn hóa của Sài Gòn. Với tôi, chợ không còn là điểm trao đổi, mua bán hàng hóa, mà hơn thế, nó thể hiện bề dày lịch sử, ghi đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình với nền văn minh lúa nước tồn tại hàng ngàn năm qua. Chợ là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm của mỗi con người. Ai mà không nhớ ngày còn bé theo mẹ, theo bà đi chợ, mua từng cái bánh, món đồ chơi. Chợ mãi sống trong lòng người Việt mình là vì thế”.

Đỗ Tuấn

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên
>> Sài Gòn kỳ nhân – kỳ sự - Kỳ 3: Người sửa giày sau lưng chợ Bến Thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 5): Cây đại thụ của nhiếp ảnh Sài thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (kỳ 6): Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 7): Họa sĩ có trái tim bên phải 
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 8): Nghệ sĩ khẩu cầm cuối cùng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.