Thách thức cho sự ra đời của COC

13/07/2012 03:20 GMT+7

Triển vọng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) dường như đang theo chiều hướng thuận lợi nhưng liệu gió có đổi chiều?

Thách thức cho sự ra đời của COC
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đại diện Bắc Kinh đến tham dự các cuộc họp ASEAN lần này - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định sự cần kíp thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC. ASEAN đã rục rịch chuyển động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử này. Trung Quốc sau lúc đầu ỡm ờ chỉ tham gia hoàn thiện COC “khi điều kiện chín muồi” nay đã cụ thể hơn rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu tiến trình trên vào tháng 9 năm nay, theo Reuters. Tất cả những tín hiệu trên hoàn toàn có đủ cơ sở để hy vọng về sự ra đời của một COC hoàn chỉnh trong thời gian tới.

Thế nhưng, giới quan sát quốc tế không hoàn toàn lạc quan như vậy.

Trao đổi với Thanh Niên, TS Euan Graham (Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore) cho rằng tất nhiên Mỹ và các bên liên quan luôn trông chờ sự ra đời của một COC đủ mạnh và hiệu quả. “Tuy vậy, vai trò của Mỹ chỉ dừng ở việc ủng hộ tiến trình soạn thảo COC và quyền quyết định vẫn nằm trong tay ASEAN. Không khó để nhận ra ASEAN chưa bao giờ hết chia rẽ về định dạng và phương thức tiếp cận COC”, TS Graham nói. Ông cho biết thêm: “Trong khi Philippines luôn hối thúc đưa vào dự thảo COC những điều khoản cứng rắn hơn thì các nước thành viên khác lại lo ngại điều này sẽ làm phật lòng Bắc Kinh, vốn có rất nhiều ảnh hưởng kinh tế đối một số nước trong khối”.

Theo AFP, các nước thành viên ASEAN hôm qua vẫn chật vật để đưa ra thông cáo cuối cùng sau cuộc họp tại Campuchia do những bất đồng căng thẳng sâu sắc trong nội dung liên quan đến thông cáo này. Tựu trung lại, những bất đồng trên xoay quanh việc Philippines cương quyết đưa vào nội dung bản thông cáo những sự kiện gần đây ở biển Đông mà cụ thể là vụ đụng độ với Trung Quốc ở đảo đá ngầm Scarborough. Tuy nhiên nước chủ nhà Campuchia cương quyết khước từ yêu cầu này.

Trung Quốc đang là nhà đầu tư và tài trợ lớn nhất của Campuchia với các dự án trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Trao đổi với Thanh Niên, nghiên cứu sinh người Campuchia Phou Sambath tại ĐH Thành Công (Đài Loan) khẳng định: “Trong tình hình Campuchia đang “khát” viện trợ nước ngoài như hiện nay, Trung Quốc là lựa chọn số 1 cho chúng tôi”. Theo ông Benjamin Ho (Trường S.Rajaratnam), Trung Quốc đang không ngừng gầy dựng ảnh hưởng của mình như một nhà tài trợ hào phóng trong khu vực Đông Nam Á và “sẵn sàng chi tiền bất cứ nơi nào cần”. Ông Ho nói thêm: “Hãy nhìn vào đội hình Chủ tịch luân phiên ASEAN trong những năm tới (Brunei, Myanmar và Lào), sẽ không khó để hiểu vì sao Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán song phương đối với các vấn đề liên quan đến biển Đông”. Đó là chưa kể đến việc nếu COC được ra đời, tính khả thi của nó vẫn còn là một dấu hỏi lớn. TS Graham nói: “Tôi chưa thấy thiện ý của Trung Quốc muốn đi xa hơn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cách đây 10 năm. Cho nên, cho dù COC có ra đời, người ta vẫn có quyền nghi ngờ về tính khả thi và sức nặng của nó”.

Ông Iskander Rehman, một chuyên gia hàng hải khác ở Washington, kết luận: “Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục với giọng điệu ỡm ờ, mơ hồ đối với tiến trình đàm phán COC, hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi Bắc Kinh có muốn tiến tới việc cho ra đời COC hay không, hay chỉ muốn trì hoãn vô thời hạn?”.

Nhu thắng cương ?

 

Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục với giọng điệu ỡm ờ, mơ hồ đối với tiến trình đàm phán COC, hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi Bắc Kinh có muốn tiến tới việc cho ra đời COC hay không, hay chỉ muốn trì hoãn vô thời hạn?

Chuyên gia Iskander Rehman

Theo các hãng thông tấn quốc tế, trong cuộc gặp với người đồng cấp Dương Khiết Trì tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Phnom Penh hôm qua, Ngoại trưởng Clinton được cho là đã mềm mỏng hơn nhằm tránh những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2010, bà Clinton từng khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” tại biển Đông, một động thái mà giới quan sát quốc tế cho là làm “nóng mặt” Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, diễn biến mới này có thể là triển vọng lạc quan. TS Mark Valencia từ Hawaii (Mỹ) nói với Thanh Niên: “Trong mọi hoàn cảnh, cần luôn tránh để thế đối đầu Mỹ - Trung rơi vào tình cảnh tồi tệ nhất. Khi đó, thế đối đầu này sẽ làm tình hình biển Đông càng trầm trọng hơn và phân hóa ASEAN nhiều hơn. Lúc đó chẳng những viễn cảnh COC ngày càng xa vời mà các công ty dầu khí quốc tế sẽ càng e ngại nên mọi hoạt động khai thác ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng. Viễn cảnh đó thực sự không bao giờ sáng sủa cho an ninh và ổn định trong khu vực”. Theo TS Valencia, “Trung Quốc luôn có những động thái khó lường và quan điểm kỳ quặc mang danh bảo vệ chủ quyền, ảnh hưởng đến tự do hàng hải trong khu vực. Thế nhưng, Bắc Kinh có thể cũng đã nhận ra mình đã đi hơi xa trong những động thái vừa qua”.

Do vậy, để gắn kết nội bộ ASEAN, các chuyên gia cho rằng nên chăng khối này mà cụ thể là Philippines nên nhượng bộ một chút. TS Valencia nói: “Trung Quốc tự cô lập chính mình bằng những quan điểm bảo vệ chủ quyền  “kỳ quặc” là một lẽ; nhưng ASEAN cũng không nên và cũng không cần thiết làm bẽ mặt Bắc Kinh bằng những câu chữ trong bản thông cáo nhắc về những sự kiện đã qua. Đây là lúc hướng tới, mà cụ thể là bộ COC hoàn chỉnh và đủ mạnh. Nên nhớ rằng, một khi Bắc Kinh bảo lưu quan điểm và tiếp tục không nhượng bộ bằng những quan điểm trên, sẽ chẳng có một COC nào ra đời”.

An Điền

>> Trông đợi bước tiến COC
>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN
>> Cần kíp cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông
>> ASEAN quyết lập quy tắc ứng xử ở biển Đông
>> Áp đặt quy tắc ứng xử
>> Tiến tới quy tắc ứng xử cho vấn đề biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.