Cà Mau: Tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước

14/07/2012 10:45 GMT+7

Đến nay, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở ở Cà Mau đều biết sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nghiệp vụ, sử dụng thư điện tử và khai thác thông tin trong xử lý công việc.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền

Hiện nay, ở Cà Mau, phần mềm hồ sơ công việc liên thông đã được nối thông suốt đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn. Hầu hết CB-CC-VC chuyên môn đều biết sử dụng thư điện tử và ứng dụng CNTT với tần suất khá cao trong xử lý công việc như: tiếp nhận, xử lý văn bản, gửi thông tin, báo cáo thay cho văn bản giấy... Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện đã có mạng LAN, được kết nối với mạng chuyên dụng của Chính phủ. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 27.605 thuê bao internet, trong đó có hơn 27.000 thuê bao internet tốc độ cao và 598 thuê bao FTTH, đạt 9,62% tỷ lệ hộ dân của tỉnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính được cung cấp trên mạng 100%.

CNTT Cà Mau 
Những cán bộ trẻ ở Sở TT-TT đã góp phần quan trọng trong việc phát triển CNTT ở tỉnh Cà Mau - Ảnh: Kim Oanh

Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã đưa lên website của sở 18 bộ thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Nhiều ngành kinh tế trọng yếu, đòi hỏi hội nhập kinh tế quốc tế cao, như thương mại, du lịch, viễn thông đã ứng dụng CNTT vào quản lý tài chính, quản lý cán bộ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kê khai thuế... Ông Võ Quốc Việt, Giám đốc Sở TT-TT Cà Mau, cho rằng việc ứng dụng CNTT vào xử lý các công việc trong công tác quản lý nhà nước địa phương của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền các cấp, đặc biệt là giảm đáng kể chi phí cho ngân sách Nhà nước. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng CNTT, phần mềm quản lý văn bản và điều hành (hồ sơ công việc liên thông); đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công việc triển khai, nâng cấp và duy trì các hệ thống phần mềm ứng dụng, phần mềm quản lý. Qua đó phát huy hơn nữa hiệu quả Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử ngành và các địa phương; đưa các dịch vụ công trực tuyến, một cửa, một cửa liên thông để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, ông Việt nhấn mạnh.

Từng bước hoàn chỉnh hạ tầng mạng

Theo Sở TT-TT Cà Mau, sở dĩ thời gian qua CNTT phát triển mạnh trên địa bàn là do tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị; đồng thời thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT. Chỉ tính riêng năm 2011, toàn tỉnh đã tổ chức 18 lớp tập huấn về CNTT cho 347 CB-CC-VC từ tỉnh đến cơ sở, với các chuyên đề: chuyển giao phần mềm quản lý văn bản cho cấp xã; đào tạo quản trị mạng; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng CNTT bộ môn “Lập và quản lý dự án”... Thông qua các lớp tập huấn, học viên nắm bắt được nhiều kiến thức mới và áp dụng vào xử lý công việc có hiệu quả hơn. Cũng trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, UBND tỉnh đã tổ chức tốt nhiều cuộc hội nghị truyền hình trực tuyến với UBND các huyện, TP.Cà Mau vừa nhanh chóng, tiện dụng; vừa hiệu quả, tiết kiệm về thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và website các đơn vị đã phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, huyện. Phát triển CNTT ở tỉnh Cà Mau còn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trong hoạt động các cơ quan nhà nước. “Tới đây, tỉnh Cà Mau sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng mạng và thiết lập các dịch vụ cơ bản để bảo đảm khả năng kết nối với các hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của

CB-CC-VC, đảm bảo hạ tầng mạng ổn định; đồng thời kết nối thông suốt với hệ thống thông tin quốc gia, ứng dụng chữ ký điện tử, từng bước ứng dụng chữ ký số trong giao dịch trên mạng, tạo thuận lợi cho người dân khi giao tiếp với Chính phủ điện tử và xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực”, ông Võ Quốc Việt cho biết thêm.

Kim Oanh

>> Bàn giao nhà máy đạm Cà Mau
>> Đánh thức tiềm năng du lịch Cà Mau
>> Hàng ngàn người đổ về "cày" nát bãi nghêu ở Cà Mau
>> Tìm thương hiệu cho đặc sản Cà Mau

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.