Mới đây, tại một hội thảo được tổ chức ở TP.Cần Thơ, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, thực trạng rừng ngập mặn ven biển ở ĐBSCL đang diễn biến theo chiều hướng giảm cả diện tích và chất lượng; hiện trạng rừng ngập mặn manh mún, không liền vùng, liền khoảnh mà phân bố rải rác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế.
Rừng ngập mặn vùng ven biển được xem là một tấm lá chắn hữu hiệu để bảo vệ con người trước những hiện tượng thời tiết bất thường. Tuy nhiên nếu đi dọc bờ biển theo tuyến đường Nam sông Hậu ta có thể dễ dàng nhận thấy rừng đang mỏng dần, có nơi chỉ còn vài chục mét. Đất rừng phải nhường chỗ cho các vuông tôm, ao cá, tuyến đê… Có thể nói, con người đang tự bào mòn “lá phổi” của mình cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân là việc hoàn toàn chính đáng. Song nếu việc phát triển đó đẩy người dân đến gần hơn với các nguy cơ của thiên tai thì cần phải cân nhắc thận trọng. Vì chúng ta biết rằng, thiên nhiên có quy luật tự cân bằng riêng của nó. Nếu tác động vào một yếu tố nào đó quá mức sẽ làm mất khả năng tự cân bằng đó. Và câu hỏi đặt ra là “liệu chúng ta có thể lặp lại sự cân bằng đó bằng các giải pháp công trình?”. Câu trả lời của các nhà khoa học là không.
Sự phát triển của ĐBSCL là nhờ vào các lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có. Chính vì vậy, để ĐBSCL phát triển bền vững rất cần phải tôn trọng và dựa vào các quy luật của tự nhiên. Trong đó, bảo vệ rừng để giữ đất trước nguy cơ nước biển dâng, để tạo một lá chắn che chở cho con người trước thiên tai là một trong những việc làm quan trọng.
Bảo Nguyên
>> Bình Thuận: Chưa có giải pháp căn cơ chống sạt lở bờ biển
>> Phát hiện thêm 9 loài lưỡng cư – bò sát mới tại rừng ngập mặn Cần Giờ
>> Trồng rừng ngập mặn tại Thái Bình
Bình luận (0)