Sau một năm, mẹ chị dỗ:
- Con phải đưa cháu về nhà đi. Phải ổn định cho cháu có nền nếp, rồi cũng còn phải xây dựng lại. Còn trẻ quá mà, tội nghiệp...
Chị về nhà cũ và sợ tất cả những gì nhắc đến anh. Bức tường chỗ cửa ra vào còn những vết khắc mức lớn của bé Quang mỗi tháng do anh tỉ mỉ đo vào đúng ngày mồng 1. Những khung ảnh chụp hai vợ chồng hôm cưới. Rồi ảnh anh và con, anh và chị đi tắm biển, đi chơi ngày chủ nhật... Chị quét vôi lại căn phòng, cất hết ảnh trên tường và mang tất cả quần áo của anh về bên bà nội của bé Quang, nằn nì chú em anh mặc giúp.
Làm sao quên được anh đây? Hồi hai vợ chồng mới ra ở riêng, chị tập muối dưa. Cả buổi chiều chốc chốc chị lại mở liễn dưa và hồi hộp gọi chồng:
- Anh ạ, hỏng rồi. Nó vẫn xanh lè, chẳng vàng chút nào.
Đến tối, trước khi đi ngủ, chị nếm thử, thất vọng:
- Ôi đắng quá anh ạ. Chẳng biết bao giờ nó mới thơm một chút đây!
Gần sáng, chị uể oải không chịu dậy. Anh đã gọi mấy lần mà vợ vẫn lười biếng trùm chăn. Rang cơm xong anh mở liễn dưa và nói rất nhỏ:
- Ái chà, thơm ghê!
Thế là chị vùng dậy chạy ngay ra. Anh đút một cọng dưa vào miệng vợ:
- Thế nào? Ngon không?
Hóa ra dưa hỏng, vẫn đắng và xanh vì chị quên không cho đường. Và cô bé hai mươi tuổi tức quá đấm chồng thùm thụp.
Hôm khác, hai vợ chồng đã đi ngủ. Anh cười:
- Bây giờ em muốn gì nào? Cam đoan không có ông xã nào chiều vợ bằng anh đâu nhá. Em muốn gì, một là anh chiều ngay, hai là sáng mai sẽ chiều. Nhất quyết chiều bằng được.
Chị tinh nghịch:
- Em muốn anh dậy đi đánh răng!
- Anh vừa đánh răng rồi mà!
- Xạo! Miệng hôi xì. Chiều em, dậy xuống nhà đánh răng đi.
Mùa đông. Họ đang đắp chăn bông. Trời rất lạnh và muốn đánh răng phải qua sân, xuống nhà dưới, ra bể nước giữa trời. Anh cù chị và hai người cười phá lên.
Một lần, anh không đùa mà nghiêm túc hỏi chị muốn gì. Chị rụt rè:
- Em đang có bầu mà tấm ván cơ quan cho mượn thì khấp kha khấp khểnh. Em chỉ mơ được nằm đệm thôi.
Hồi đó còn bao cấp, chắc nửa tháng lương của cả hai vợ chồng mới đủ mua một tấm nệm. Nhưng anh không băn khoăn vì tiền mà băn khoăn vì một điều khiến chị thêm kính trọng chồng. Anh đặt tay lên bụng vợ, do dự:
- Khoan một chút được không em, bố mẹ ở quê vẫn còn chưa có...
Thế là thôi, từ đó chị không còn bao giờ dám nhắc đến chuyện mua đệm nữa. Và cho đến khi anh mất, bé Quang đã lên năm, họ vẫn nằm trên tấm ván ghép của cơ quan cho mượn.
Chị còn thương anh biết bao, vì sau khi chồng chị bị tai nạn ô tô phải vào viện, chị thay quần áo cho anh thấy chẳng túi nào có nổi một đồng. Bao nhiêu lương anh đã đưa hết cho chị hoặc đã biếu mẹ cả.
Chồng chị, một người con hiếu thảo, một người chồng tỉ mỉ, chu đáo và hóm hỉnh. Một người cha tuyệt vời. Ngày nào anh cũng tranh việc đưa đón con đi mẫu giáo. Tối nào cũng ngồi chơi xếp hình với con. Tháng nào cũng đo xem nó cao được bao nhiêu...
Ấy vậy mà bây giờ, tất cả mọi người đều muốn chị quên anh. Mẹ chị không ngừng dỗ dành:
- Mày mới gần ba mươi, bây giờ không phải như ngày xưa; còn thằng Quang nữa, nó cũng phải có người đàn ông dạy dỗ...
Cô em gái thì thầm:
- Chị biết anh Tâm con bà Cả béo không? Anh ấy nghe tin vợ đi Tây đã lấy người khác bên đó rồi. Hôm nào em dẫn anh ấy đến nhá.
Và hầu như tất cả bọn đàn ông mà chị quen. Đầu tiên là ông anh rể. Mới đầu thấy anh đến một mình, chị hỏi:
- Chị Mơ đâu anh?
- Chị bảo anh đến đóng lại cho em cái chuồng gà.
Hôm sau ông lại đến một mình:
- Để anh sửa lại cho em cái bếp điện.
Đã thấy lạ, song chị không nói gì. Đến trưa, ông không về mà đề nghị:
- Em nấu canh cua cho anh ăn với. Chị Mơ không biết ăn cua, anh thèm quá.
Đúng. Chị Mơ không biết ăn bất cứ thứ gì mà chị cho là tanh: tôm, cua, cá. Hễ cứ ăn vào là người chị đỏ dựng lên, ngứa ran. Bởi vậy ông anh rể chẳng bao giờ được ăn canh cá nấu chua, tôm kho hay cua nấu mướp. Thì ra vị ấy thèm chất tanh, chị thở phào và mua cua về nấu. Nhưng lúc ngồi vào ăn ông ấy khóc:
- Thơm ơi, anh muốn nói với em từ lâu là anh không hợp với chị Mơ. Em... em...
Ông quỳ xuống, cầm bàn tay chị đưa lên miệng. Một cảm giác buồn nôn làm chị muốn ọe. Và sự ghê tởm khiến chị không ngần ngại cầm bát canh cua hắt vào mặt ông anh rể:
- Đồ khốn nạn. Cút ngay.
Ông anh rể về rồi, Thơm nằm khóc cay đắng. Thương chị Mơ xót xa. Trời ơi, sao họ có thể coi khinh chị và Thơm đến thế? Sao Thơm lại có một ông anh rể đốn mạt đến như vậy? Từ nay làm sao có thể bình thường với ông ta để cả mẹ, cả chị Mơ và các con chị không ai biết được bộ mặt ấy đáng tởm như thế nào. Thơm nức nở mãi không thôi.
Nhưng mà đâu chỉ có ông anh rể. Bạn gái thân của chị đưa chồng đến nhà chị chơi rồi dắt con ra phố. Ông bạn chữa hộ chị cái đài hỏng, bảo chị đưa cho cái kìm, rồi bỗng nắm luôn cả bàn tay chị, ỡm ờ:
- Ôi, tay Thơm mềm và ấm quá!...
Lão giật bắn mình vì bỗng xơi gọn một cái tát. Từ lúc ấy đến lúc vợ con ra ngoài đã trở về, lão ngồi im re sửa đài, không dám ngẩng đầu lên.
Rồi người yêu thuở học trò cũng đến. Song chị không thể nào tìm lại được những cảm xúc ngày xưa. Anh thường đến chơi, cho cu Quang cái bút chì, hòn tẩy, đến khuya, anh vẫn ngồi chuyện trên trời dưới bể. Chị nhắc:
- Anh không sợ bà xã mong à?
- Ôi giời, bà ấy... Thôi anh chẳng nói xấu vợ đâu... ừ thì anh về vậy.
Trước khi anh ra khỏi nhà, chị mở cửa tiễn đưa, anh dịu dàng kéo chị lại gần, định hôn, có lẽ là một cái hôn rất nhẹ thôi. Nhưng chị lắc đầu:
- Em không thích.
- Sao thế em?
Chị nhẹ nhàng:
- Anh về, có bà xã đang chờ được như vậy đấy.
Từ hôm ấy, gặp chị ngoài đường là anh tránh sang lối khác. Ôi, những người đàn ông đang có vợ. Chị đã có không ít hơn ba cô bạn bỏ chồng vì họ. Các cô nghe họ tỉ tê hứa hẹn đủ điều. Những tưởng đối với họ chỉ có các cô là nhất. Và sau khi các cô bỏ chồng, sau rất nhiều lần lữa, rất nhiều hứa hẹn, hóa ra cuối cùng vẫn chỉ là các cô với các con và một mối thù hận ngượng ngùng. Từ khi chồng mất, trừ người yêu thuở học trò là anh, chị không thể chịu nổi bất kỳ người đàn ông nào đang có vợ mà đến ngồi chơi lâu. Nhưng bây giờ, ngay cả anh cũng không còn để chị có một chút thân tình trong trẻo nữa.
Nhiều buổi chiều đi làm về, chị đạp xe loanh quanh các phố, có khi ra tận ngoại ô để tha hồ buồn tủi. Hôm nay, cu Quang đã về bà nội, chị đi chán, vào quán ăn một bát phở rồi lại đi. Không muốn về nhà. Trời ơi, bao nhiêu là người xuôi ngược nườm nượp, sao không có ai dành cho tôi? Chị biết mình không thể nhớ anh mãi. Chị cần một người. Người ấy không cần phải tằn tiện chắt chiu như anh. Không cần uyên bác như mấy ông giáo sư trường chị. Cũng không cần giàu có để nuôi chị và con. Không, chị không cần một chỗ dựa về vật chất. Cũng không cần một người hoàn hảo như anh. Chị chỉ cần một người đàn ông mà chị có thể yêu. Người ấy dứt khoát phải là người không có vợ. Người ấy phải ly dị rồi, hoặc đã một lần như chị, có chồng rồi lại mất vì số phận trớ trêu... Vậy mà sao không thể nào có được...
Chị đã hơn hai năm một mình. Có lúc dường như chị đã không chịu đựng nổi nữa. Những thằng đến với mình đều là đồ khốn. Kể cả nhà thơ X. đã tặng chị cả một tập thơ tình chép tay. Suýt nữa thì chị đã ngã vào vòng tay hắn. May mà chị lại biết mấy cô bé đã “chết” vì chính tập thơ đó rồi.
Chị đạp xe lòng vòng. Trời đã nhập nhoạng và chị cứ mặc cho nước mắt tủi hờn và cô đơn trôi dài trên mặt. Nhìn những người đàn ông nườm nượp ngược xuôi trên đường, chị bỗng thèm được có một người là của mình. Chị đã lựa chọn, đã khinh bỉ, đã cô độc quá lâu rồi.
- Thơm, cô Thơm.
Chị giật mình quay theo phía tiếng gọi. Ôi, giáo sư hiệu trưởng trường chị. Ông già sáu mươi, vợ bị tâm thần đã mấy năm ở bên Châu Quỳ. Như người mộng du, chị dắt xe vào nhà ông, không nói được gì.
- Em làm sao thế? Có chuyện gì vậy em?
Ông ân cần rót cho chị một tách trà nóng và lấy chiếc khăn mặt đã giặt xà phòng thơm, nhẹ nhàng lau nước mắt đang nhòe nhoẹt trên má chị. Chị gục đầu vào vai ông, khóc nấc.
Bác Quí. Ít nhất hôm nay chị đã gặp được một người đáng để chị trao tặng nỗi đơn côi. Giáo sư hiệu trưởng hơn chị gần 30 tuổi và chị quá biết là thầy vẫn ngưỡng mộ mình, một chủ nhiệm khoa xuất sắc. Tuy thầy nghiêm túc, rất nghiêm túc và đứng đắn.
Lúc này, vẻ đạo mạo của thầy hiệu trưởng biến đâu mất sạch. Thầy lật đật ra khép cửa, lật đật tắt đèn, lật đật cởi áo. Thầy hiểu chị, hiểu chị và thương chị quá. Có thể nói thầy đã âm thầm yêu chị từ lâu.
Chị chờ đợi, chờ đợi và thầy khóc:
- Em tha thứ cho anh. Phải đến khoảng ba giờ sáng cơ em ạ. Bây giờ sau một ngày vất vả, anh mệt quá. Em ngủ đi, ngủ đi...
Chị vùng dậy bật đèn. Không thể nào chịu nổi khuôn mặt già nua đầm đìa nước mắt. Uất ức nghẹn ngào tủi nhục xấu hổ vì tất cả sự chua chát của nỗi thất vọng cay đắng, của niềm dâng hiến bị lừa gạt, chị nuốt nghẹn sự dằn nén, lặng lẽ ra về.
Đêm mông lung, nhạt nhòa. Cảm giác sôi sục nóng bỏng đã tan biến. Chị mệt rã rời, trống rỗng và vô cảm như không còn là một con người.
Từ hôm ấy chị thấy mình lạnh tanh. Khinh bỉ và ghê sợ. Chị rùng mình khi nghĩ đến chuyện gối chăn.
Nhưng rồi ngày bốc mộ chồng cũng đến. Và khi anh đã mồ yên mả đẹp rồi, cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ, cả chị em trong nhà đến bè bạn gần xa đều nhắc chị lập gia đình.
Chị đã ba mươi hai tuổi và cu Quang đã lên mười. Đành phải nghiêm túc kiếm một ông chồng. Người ta giới thiệu cho chị một ông tiến sĩ. Ông này thật là uyên bác. Nhưng suốt ngày ông thích tỏ ra tài giỏi và quan trọng. Hôm nào gặp chị, trong câu chuyện, nhất định ông phải nói là vừa gặp hoặc đang được một bộ trưởng, một đồng chí trung ương hoặc một người nước ngoài xin ý kiến. Một hôm chị đùa:
- Em thấy một người anh cần xin ý kiến nhất mà chẳng bao giờ anh nhắc tới.
- Ai vậy?
- Cu Quang nhà em.
Ông ngượng ngùng im lặng. Song chỉ được mấy hôm lại đâu vào đó: “Em biết không, ông bí thư tỉnh vừa điện thoại cho anh hỏi về việc đặt tên phố”, “Tối nay đồng chí X. chánh văn phòng Trung ương hẹn gặp anh để bố trí cuộc họp với ban bí thư...”. Chị rất biết là nhiều lần anh bốc phét cho oai. Và trong lòng chị cũng dần nhóm lên sự coi thường, nó có tác dụng giết chết một chút cảm tình cùng niềm kính trọng.
Chị thắp hương cho chồng: “Anh ơi, hãy tìm giúp em một người giản dị và chân thành”.
Thế rồi, chị cũng tìm được một người giản dị và chân thành. Anh là trưởng phòng nông nghiệp tỉnh, chỉ có điều hai lần anh đã bị vợ bỏ. Mỗi bà đều đã có với anh một đứa con. Chị nghĩ, có lẽ vì anh giản dị quá, chân thành quá. Tứ thời anh chỉ mặc bộ quần áo lính ngày chiến tranh. “Nó cũ rồi nhưng còn bền lắm”. Anh giải thích như vậy.
Một hôm chị đòi về căn hộ tập thể của anh. Chị muốn đến bất ngờ để biết được cuộc sống thực của anh ở nhà. Và chị đã thấy: màn còn buông sùm sụp trên giường, chăn chưa gấp. Bàn ghế đầy bụi. Bộ ấm chén cáu bẩn. Anh ngượng ngùng:
- Sống một mình, thiếu bàn tay phụ nữ mà em...
Ừ, có thể như vậy. Có mình rồi, anh sẽ đổi khác. Chị độ lượng mỉm cười:
- Tuần sau em sẽ lại đến bất ngờ xem anh có tiến bộ không.
Anh có tiến bộ thật. Nhà cửa gọn gàng. Ấm chén sạch sẽ. Chăn gối thơm tho. Chị cảm động để yên bàn tay mình trong tay anh. Thế rồi, rất rụt rè, trong bóng tối mờ ảo của căn phòng đã khép cửa, anh thận trọng nhẹ nhàng ôm vai chị.
Khi bàn tay chị đặt vào tấm lưng vạm vỡ của anh, một cảm giác nhầy nhụa bẩn thỉu làm chị rụt ngay tay lại và ngồi phắt lên:
- Lưng anh làm sao thế?
Anh cúi mặt:
- Anh... anh bị lạnh. Cứ... thế này là nó đổ mồ hôi như tắm ấy.
Một lần nữa, chị lại muốn nhổ vào mặt người đàn ông của mình. Song chị lặng lẽ rửa thật kỹ bàn tay nhơm nhớp mồ hôi, không một lời, lặng lẽ đi về. Vĩnh biệt.
Là giảng viên trường đại học của tỉnh, vậy mà chị theo cô em gái đi xem bói. Nửa tin nửa ngờ, chị nghe bà thầy bói nói rằng vì chồng chị rất yêu vợ nên anh không muốn cho chị lấy chồng. Chị sẽ gặp toàn người tốt, người tài giỏi, song dù thế nào vẫn cứ không hợp. Cô em gái hiến kế:
- Có phải làm hình nhân thế mạng không ạ?
Bà thầy bói gật đầu song chị gạt đi, kéo em đứng dậy:
- Thôi, chị đã hơn mười năm một mình. Chị đã mấy lần yêu, mấy lần định lấy chồng chứ có ít đâu. Nhưng mà em biết không, đúng là anh không cho phép chị được gần ai. Bây giờ hiểu như thế, chị không thất vọng nữa, mà lại thấy yên tâm.
Nhìn Thơm thanh thản mỉm cười, cô em gái lắc đầu:
- Không được đâu, em sẽ lo hết cho chị. Còn chị muốn nghĩ gì thì nghĩ. Thôi không nói chuyện này nữa.
***
Thơm từ bỏ hẳn ý định lấy chồng. Chị lao vào công việc và lo cho cu Quang thi đại học. Bây giờ cu cậu đã là sinh viên Đại học Bách khoa trên Hà Nội. Chị đã xấp xỉ bốn mươi, không còn muốn soi gương, trang điểm gì nữa. Mình đã già rồi. Con trai sắp sửa yêu đương.
Cuối năm nay, trường cho chị đi an dưỡng một tháng trong Vũng Tàu vì chị vừa hoàn thành luận án phó tiến sĩ lại bảo vệ rất xuất sắc, được các giáo sư tiến sĩ rất khen.
Đã lâu lắm Thơm mới ghé qua Sài Gòn. Chị định ở đây một tuần trước khi ra Vũng Tàu. Bao nhiêu bạn bè. Rồi họ hàng, đồng nghiệp. Thăm được hết thì có mà cả tháng. Thơm đến nhà Yến, cô bạn thân từ thuở học cấp một trường làng. Yến bây giờ cùng chồng đứng đầu một công ty liên doanh về xây dựng, giàu đến nỗi Thơm nghe vợ chồng nó nói chỉ biết ngồi im sững sờ. Yến có khách sạn mi ni trên Đà Lạt, đang sửa chữa một restaurant ngoài Vũng Tàu và mới tậu mảnh đất 150 cây ở gần Bến Nhà Rồng. Vợ chồng Yến bận suốt ngày, vẫn hẹn sẽ đưa Thơm đi chơi, nhưng Thơm gạt đi: “Mình còn bé bỏng gì đâu. Cứ để mình tự do”. Và Thơm cũng không lấy xe máy của Yến đi chơi, mà toàn đi bộ, nói là sẽ đi xích lô.
Thơm đang đứng ngắm những cây thông Noel trang trí rực rỡ trên hè đường Hai Bà Trưng, bỗng có ai đập vào vai:
- Có phải cô Thơm không?
- Ôi, anh Thành. Anh biến đi đâu bao nhiêu năm nay?
Thơm ríu rít nhận ra người yêu đầu tiên của chị Mơ. Hồi anh đến với chị Mơ, Thơm chỉ trạc 12, 13 tuổi. Chị Mơ đi chơi với anh, thường dắt Thơm theo. Khi hai người đã ngồi xuống một chiếc ghế đá trong công viên, anh dỗ Thơm:
- Em lấy xe đạp của anh đi đến nhà cái Mai bạn em nghe. Nó mới có cái gì ấy hay lắm đó. Anh biết mà. Nó chờ em đấy.
Thế là Thơm háo hức đi liền. Đúng là cái Mai ở cạnh nhà anh Thành, đang chờ Thơm đến để mở một chiếc hộp mà anh Thành đưa nó từ chiều, hẹn đợi Thơm đến mới được mở. Ô, một cuốn truyện tuyệt hay; có khi hai chiếc vé đi xem phim. Hai cô bé nhảy cẫng lên vui thích. Khuya khuya, anh Thành, chị Mơ mới đến đón Thơm về. Và bố mẹ cứ yên trí là Thơm đi với anh chị suốt từ chập tối.
Thơm ôm cánh tay anh Thành, hệt như một cô em gái bỗng gặp lại ông anh trai mất tích:
- Chị Mơ em khổ ơi là khổ. Tại anh đấy. Anh đi là mất tiêu luôn. Chị em lấy phải một thằng anh rể vô cùng là...
- Thôi, thôi. Lên xe với anh đã. Dạo ấy anh đi bộ đội về nhà thì chị Mơ đã lấy chồng. Có phải lỗi tại anh đâu?
Chú lái xe của anh Thành đưa một cây thông xinh xắn vào cốp, lễ phép chào Thơm rồi hỏi:
- Thủ trưởng đi đâu ạ?
- Đi theo lệnh của cô em vợ hụt của anh nè.
Thơm cười:
- Đi chợ Bến Thành nghe anh.
Đến chợ, Thành cho chú lái xe về trước. Anh dắt tay Thơm:
- Khéo kẻo lạc đó. Bám chắc vào anh. Muốn mua gì nào?
Thơm nũng nịu đu vào tay anh, tưởng như mình vẫn là cô bé thuở nào:
- Ăn chè. Anh ăn chè thập cẩm chợ Bến Thành chưa? Ngon tuyệt.
- Ôi, mấy cái thứ của đàn bà đó, anh chưa bao giờ nếm qua.
Thơm kéo anh đến quán chè, kêu:
- Cho hai ly nghe dì.
Cô thích thú ăn chậm chạp từng muỗng nhỏ, nghe thấm vào lòng vị ngọt ngào trong trẻo sâu đậm của tuổi nhỏ xa xưa. Anh Thành ăn lơ đãng, xong hỏi bà bán hàng:
- Bao nhiêu dì?
- Tám ngàn.
Thơm kêu nhỏ:
- Trời!
Anh Thành lườm Thơm, lấy 10.000 đồng trả và không nhận tiền thối lại. Ra khỏi quán anh la:
- Quê quá hà. Ăn uống là không có được than đắt rẻ.
- Nhưng mà chiều nào em với cái Yến cũng ăn chè Lý Chính Thắng, có một ngàn một ly mà cũng ngon dữ hà.
- Bây giờ muốn mua gì, để anh trả tiền. Cấm eo xèo đắt rẻ đó!
Anh dắt Thơm vào siêu thị phố Lê Lợi. Đi qua các quầy bán áo quần, váy, anh hỏi bộ nào Thơm cũng lắc đầu. Lại đi qua các tiệm kim hoàn, rồi đồng hồ, anh định mua thứ gì Thơm cũng không chịu.
- Nè, bộ đi chơi không sao? Không muốn mua cái gì “kỷ niệm” buổi gặp mặt bất ngờ sau hơn hai mươi năm bặt tin sao?
- Ồ, có chứ. Em thích mấy cái chặn giấy đẹp vô chừng.
Ra quầy mỹ nghệ. Thơm đã mấy lần đến đây và đã hỏi thử giá của các loại chặn giấy, song cô đâu có mua, cũng chưa hề mặc cả. Chỉ biết Yến dặn là họ có thể nói thách gấp ba lần. Chặn giấy xinh xinh bằng quả trứng chim câu, đá bảy màu, giá trăm ngàn. Chặn giấy bằng quả trứng gà có vẽ cô tiên, ông Phật, giá năm chục ngàn, bét nhất là đá sơn mài vẽ con cá, bông hoa, giá mười lăm ngàn. Song nếu họ nói thách, chắc chỉ 5 hoặc 10 ngàn là cùng. Thơm chỉ loại bét nhất. Anh Thành bảo cô bán hàng:
- Gói cho cả chục đi.
Thơm lắc đầu:
- Nửa chục thôi. Mà bao nhiêu?
Cô bán hàng nhìn Thành cười. Anh bỗng cốc nhẹ lên đầu Thơm:
- Đã dặn rồi mà. Ai lại mặc cả với cô bé bán hàng xinh đẹp thế này. Bao nhiêu em?
Anh hỏi cô bán hàng. Cô tươi cười:
- Dạ, anh dễ thương quá hà. Cho em xin một trăm năm chục ngàn.
Ra khỏi siêu thị, Thơm cấu nhẹ vào cánh tay anh:
- Công tử Bạc Liêu hả? Em sợ là vợ con anh mất nhờ đó.
- Đâu có. Vợ anh mất đã hơn 5 năm nay rồi. Cô ấy bị tai nạn xe máy. Hai nhóc nhà anh ngoan lắm. Bây giờ anh với hai con ở Vũng Tàu. Dầu khí mà em. Tiền thì chẳng thiếu, chỉ thiếu tình thôi. Anh cũng kiếm hoài mà không gặp được ai bằng mẹ sắp nhỏ nên hơi ngán. Đôi khi cũng xả láng cho đỡ buồn. Tiền có thì giải quyết được gì đâu em.
Thơm im lặng. Hôm ấy cô đi chơi với Thành tới khuya. Đưa Thơm về tới cửa nhà Yến, Thành hơi say, bỗng bất ngờ ôm cô, hôn lên hai má. Anh thầm thì:
- Cô bé nhà quê yêu quý của anh.
Thành đi rồi, Thơm bàng hoàng đưa tay ôm mặt. Đã lâu, lâu lắm rồi cô mới gặp lại cảm giác nhột nhột do những chân râu nơi cằm một người đàn ông áp vào má mình. Anh Thành. Cô khẽ gọi và nhìn quanh.
Thành phố vẫn đang tấp nập vui tươi, rộn rã. Mọi người đang đi sắm tết.
Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
Bình luận (0)