Bức tranh gốm Việt trên đất Pháp

17/07/2012 03:18 GMT+7

Một bức tranh gốm do các họa sĩ và thợ Việt Nam thực hiện sẽ được dựng ngay trong Tòa thị chính thành phố Choisy-le-Roi (Pháp).

40 năm trước, trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán Paris (1968 - 1973) về lập lại hòa bình ở Việt Nam, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã chọn thành phố Choisy-le-Roi (nằm gần kề Paris) làm nơi lưu trú. Một phần lý do là để tiết kiệm chi phí, nhưng phần khác là vì tại đây có sự bao bọc của người bạn trong đảng Cộng sản Pháp.

Nhân chứng lịch sử ở Việt Nam và Pháp, nay người còn người mất. Ở Choisy-le-Roi, may mắn là còn có thể gặp lại phu nhân của Thị trưởng Louis Luc - bà Hélène Luc, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt tại Pháp, cũng như những Việt kiều yêu nước đã hết lòng ủng hộ giúp đỡ phái đoàn. Những ngôi nhà lịch sử ở đây vẫn còn được giữ cho tới nay, những câu chuyện lịch sử tiếp tục được kể. Tại thành phố này, ngay bên bờ sông Seine còn có quảng trường mang tên Hiệp định Paris, một khu phố mới được dựng lên mang tên Đống Đa.

Bức tranh gốm Việt trên đất Pháp
Phác thảo bức tranh gốm kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris - Ảnh do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cung cấp

Tháng 9.2011, ông Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi đã đề xuất ý tưởng thực hiện bức tranh gốm kỷ niệm dấu ấn Việt Nam ở thành phố này với họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Đây sẽ là món quà UBND TP.Hà Nội dành tặng Choisy-le-Roi nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris được ký kết (1973  - 2013). Một tháng ở Choisy-le-Roi, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã có những phác thảo ban đầu cho bức tranh. Bên cạnh trung tâm là những hình ảnh của lịch sử, chị đặt hình ảnh của ba thành phố - ba người bạn kết nghĩa đứng bên cạnh nhau: Hà Nội (Việt Nam), Choisy-le-Roi (Pháp) và Lugo (Ý). “Thật bất ngờ là Choisy-le-Roi rất nổi tiếng với gốm sứ Boulenger. Xưởng gốm này nay đã không còn, nghề làm gốm đã thất truyền, nhưng đây được coi là di sản của thành phố. Còn thành phố Lugo lại được biết đến với kỹ thuật gắn gốm mosaic, có thể nhìn thấy trong rất nhiều nhà thờ được xây dựng từ thời Trung cổ. Vì vậy tôi đã nảy ra ý tưởng đưa hình ảnh về gốm của ba thành phố vào tranh: bình gốm thời Lý - Trần (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội), xưởng gốm Boulenger (Choisy-le-Roi) và bức tranh được gắn gốm theo kỹ thuật mosaic (Lugo). Bức tranh thể hiện tình bạn giữa ba thành phố có cùng những nét tương đồng: đều có dòng sông chảy qua và đều có nghề làm gốm truyền thống, đặc biệt là sự gắn bó trong lịch sử giữa Choisy-le-Roi và Hà Nội”, họa sĩ Thu Thủy cho biết.

Bức tranh cao 5 m, bề ngang rộng 4 m, thể hiện hình ảnh chân dung Bác Hồ, lễ ký kết Hiệp định Paris năm 1973, phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán trước ngôi nhà tại thành phố Choisy-le-Roi, và bức ảnh phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ của Marc Riboud. Những mảnh gốm nung tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội sẽ được vận chuyển tới Choisy-le-Roi vào tháng 9 tới. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và những người thợ Việt Nam sẽ hoàn thành bức tranh trước dịp kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy là tác giả Con đường gốm sứ tại Hà Nội, được Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới vào năm 2010. Vừa qua, họa sĩ Thu Thủy và các đồng nghiệp đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc gắn gốm tại đảo Trường Sa lớn (ảnh). Lá cờ được ghép từ 310.000 viên gốm, nặng 3,5 tấn, có diện tích 310 m2 (12,4 m x 25 m), được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận là cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Công trình được thực hiện với ý tưởng: từ trên không trung, vệ tinh, máy bay, Google Earth, có thể thấy rõ quốc kỳ Việt Nam, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bức tranh gốm Việt trên đất Pháp
Ảnh do họa sĩ Thu Thủy cung cấp

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.