>> Kỳ 12: Những người làm trang phục tuồng
Họa sĩ khiêm nhường
Ông cười nói rõ nếu lấy nghệ danh Thiên Tài sợ người ta nói mình “lối” nên phải thêm vào họ Trịnh như tên trong khai sinh luôn. “Sau này đi vẽ pa nô, bảng hiệu sân khấu, tôi chỉ lấy biệt danh T3, tức Trịnh Thiên Tài và chỉ những người trong giới biết thôi”.
Cha của họa sĩ Thiên Tài là soạn giả, nhà giáo nổi tiếng của Nam kỳ: Trịnh Thiên Tư, người từng viết sách Cổ nhạc Nam phần, Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu từ những năm đầu thập niên 1960.
|
“Ngày nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua đời, cha tôi kêu gọi anh em nghệ sĩ ở Sài Gòn giúp đỡ cho gia đình nhạc sĩ. Ông gặp ký giả Bảy Cao, nói báo phải có một bài rất xúc động về cuộc đời người đã đặt nền móng cho vọng cổ miền Nam với bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng. Ký giả Bảy Cao sau đó đã viết bài rồi mang tiền của nghệ sĩ đến gia đình nhạc sĩ tận Bạc Liêu - cũng là quê tôi. Hậu tổ - nhạc sư Hai Khị (thầy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) là anh ruột của bà nội tôi, cũng là người góp phần làm nên khúc vọng cổ xưa. Nhà sư Thích Thường Chiếu rất am tường nhạc lễ, ông có công hỗ trợ lời ca, tiếng hát cho ca cổ Bạc Liêu nói riêng và miền Nam nói chung. Năm 1935, cha tôi đặt tên bài Dạ cổ hoài lang thuộc thể loại “vọng cổ” với ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”. Bài vọng cổ xuất phát từ Bạc Liêu là như thế”, họa sĩ Thiên Tài cho biết. Ông nói thêm, giờ đây tên hậu tổ Hai Khị, sư Thích Thường Chiếu, ông Trịnh Thiên Tư đều được đặt tên đường ở thị xã Bạc Liêu để tưởng nhớ công ơn những người hợp cùng nhạc sĩ Cao Văn Lầu tạo ra bài vọng cổ ban đầu chỉ 2 nhịp. Sau này, bài vọng cổ được nhiều nhạc sĩ miền Nam chuyển thành 4, 8 nhịp, rồi 16 nhịp để bây giờ đến 32, 64 nhịp.
Năm 1960, họa sĩ Trịnh Thiên Tài lên Sài Gòn học tại Trường Sư Vạn Hạnh và nộp đơn thi vào Trường Mỹ thuật Gia Định. Ông đậu ngành điêu khắc rồi làm nghề vẽ tranh, vẽ pa nô, nặn tượng sau khi tốt nghiệp. Trước 1975, ông từng đoạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Đến năm 1981, ông chính thức gắn bó với sân khấu, phim ảnh bằng nghề họa sĩ trang trí mỹ thuật.
Thủy chung với nghề nghiệp
Ngày hòa bình, Trịnh Thiên Tài đưa vợ con đi kinh tế mới tận Tân Hòa Tây, Cai Lậy, Tiền Giang. “Chịu không nổi, được 5 năm tôi phải mò về Sài Gòn kiếm sống. Tôi chỉ biết cầm cọ mà lúc đó phải cầm cuốc, cầm cày làm sao nuôi vợ con được. Về thành phố, không nhà, tiền mua chiếc xe đạp đi làm còn không có, tôi phải cuốc bộ”, ông nhớ lại.
Vậy mà ông vẫn kiên trì nhận từng tấm pa nô quảng cáo về nhà trọ ngồi vẽ. Lâu dần, thấy biệt tài của ông, nhiều ông bầu gánh cải lương bắt đầu tìm đến. “Tôi vẽ quảng cáo cho các đoàn huyện đến tỉnh, rồi Sài Gòn như Kim Giác, Bảo Long, đoàn của bầu Tấn, Thanh Tú - Trang Bích Liễu, Trọng Nhân, bà bầu Thắm… rồi đoàn cải lương Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Trần Hữu Trang. Nhờ thế mà đời sống đỡ dần lên, con cái có tiền đi học. Tôi ra tận Q.Tân Phú bây giờ mua miếng đất, lúc đó xung quanh chỉ là ruộng lúa, ao rau muống, dựng tạm cái nhà lá để ở. Bây giờ vùng này sầm uất, nhà cửa san sát, đường sá chằng chịt”.
Tính đến nay, họa sĩ Trịnh Thiên Tài đã thiết kế mỹ thuật cho hơn 200 phim cải lương tuồng cổ. Ông là người đầu tiên vẽ hình nghệ sĩ cải lương lên băng rôn treo trước rạp hát và dọc các con đường ở Sài Gòn. “Trước tôi, nhiều họa sĩ vẽ quảng cáo bảng hiệu chỉ viết tên vở diễn kèm tên nghệ sĩ thôi. Tôi mạnh dạn vẽ gương mặt Bạch Tuyết, Kim Thoa, Ngọc Huyền… lên băng rôn. Ai nhìn cũng khen đẹp và thích lắm. Từ đó, ở Sài Gòn mới có phong trào vẽ hình nghệ sĩ lên bảng quảng cáo. Ban đầu tôi vẽ bột màu pha a dao trên vải bố. Sau đến sơn nước, rồi sơn dầu phủ dạ quang, dùng vải may quần tây loại dày để vẽ, chống ánh sáng xuyên qua”, họa sĩ say sưa nói.
|
Nổi tiếng trong giới sân khấu, họa sĩ Thiên Tài được nhiều đoàn phim mời về cộng tác. Ông làm thiết kế mỹ thuật phim truyền hình đầu tay là Công tử Bạc Liêu, rồi Cuộc phiêu lưu kỳ thú, Trái tim mùa đông, Kính vạn hoa, Cha dượng, Hương cỏ dại... Chưa hết, ông còn vào vai phụ trong một số phim như Kính vạn hoa, Hương cỏ dại, Cổ tích VN… Vì có tài điêu khắc nên họa sĩ Thiên Tài được giới tổ chức chương trình đặt cho biệt danh là “vua mốp” bởi ông có thể cắt gọt ra đủ thứ từ cái bàn, cái ghế đến ô tô, thậm chí máy bay trực thăng. “Live show Đan Trường cách đây hơn 10 năm tôi đã làm một chiếc trực thằng bằng mốp có chong chóng quay hẳn hoi, bay trên Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, khán giả thích lắm. Tôi còn thiết kế sân khấu, đạo cụ nhiều live show cho Kim Tử Long và nhiều nghệ sĩ khác nữa”, ông cười.
Tài hoa nhưng không vì thế mà làm ra vẻ ngôi sao để nâng giá, họa sĩ Thiên Tài được nhiều người trong giới quý mến là vì thế. Ông làm việc rất có trách nhiệm. “Không bao giờ tôi nhận hợp đồng rồi giao cho đệ tử làm. Chính tay tôi vẽ từng tấm bảng hiệu, chế tác từng món đạo cụ. Mình làm việc ngoài chuyện kiếm tiền còn uy tín, danh dự nữa”.
Tuổi 71 đến với ông giữa bộn bề công việc. “Tôi đang làm thiết kế mỹ thuật cho phim Khúc Nam Ai, dài 30 tập, do Hồ Ngọc Xum đạo diễn. Tuổi này còn bận rộn như thế là vui rồi, tôi không mong gì hơn”.
Họa sĩ Thiên Tài có 6 người con cả trai lẫn gái. Tất cả đều theo nghề của cha, người là họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho phim, người theo con đường hội họa và một con gái theo đoàn phim, trang điểm, hóa trang cho diễn viên. “Tôi chỉ mong nước mình có được một phim trường đúng nghĩa với cây cối, sông suối, ao hồ… để họa sĩ thiết kế mỹ thuật làm việc, chứ không phải dùng nhà kho cũ chứa đạo cụ gọi là phim trường như hiện nay. Sài Gòn là vùng đất lành. Người Sài Gòn tốt bụng lắm, lấy nghĩa tình mà sống với nhau. Dù cải lương xuất phát từ miền Tây Nam bộ nhưng Sài Gòn mới là nơi làm cho nó thăng hoa. Mong sao cải lương vẫn còn mãi trong lòng người Việt và người Sài Gòn”.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)