Đây là lần đầu tiên những nông dân này được nhận tiền bảo hiểm từ khi triển khai thí điểm chính sách BHNN. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với bà con nông dân nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay.
Trong vài ba năm gần đây, nông dân miền Tây mà nhất là bà con nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải phải đối mặt thường trực với nguy cơ phá sản, lâm cảnh nợ nần vì tôm nuôi bị chết hàng loạt. Nay những hộ nuôi có tham gia bảo hiểm được chi trả một phần thiệt hại cũng coi như là có thêm một tia hy vọng, một cơ hội để tái đầu tư khôi phục sản xuất.
Khi nông nghiệp gặp rủi ro, nông dân được doanh nghiệp chi trả tiền bảo hiểm thì có thể tạm coi là thành công của một hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, dù gì thì đây cũng mới là một mô hình thí điểm nên cần được tổng hợp đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh nội dung, quy định giữa các bên tham gia để triển khai sâu rộng trên nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi với sự tham gia của nhiều hộ nông dân.
BHNN thật ra đã được đề cập đến từ rất lâu và triển khai thí điểm ở một số nơi nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn vì gặp phải nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính như: nông dân không mặn mà do phải bỏ ra thêm một khoản chi phí đầu tư, còn doanh nghiệp bảo hiểm thì chẳng hào hứng vì mức độ rủi ro cao, thủ tục rườm rà, thời gian chi trả bảo hiểm kéo dài… Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều người cho rằng nông nghiệp cần được bảo hiểm để kéo giảm nguy cơ thiệt hại cho nông dân khi mà điều kiện tự nhiên ngày càng bất lợi hơn. Để BHNN trở thành hiện thực rất cần sự vào cuộc của chính phủ và các bộ ngành có liên quan tạo ra những cơ chế thực sự hiệu quả hỗ trợ nông dân và cả doanh nghiệp tham gia bảo hiểm.
Chí Nhân
Bình luận (0)