Ngày trở về
Dọc dài theo gần suốt chiều dài đất mẹ hình chữ S năm nay có khoảng 180 thanh niên sinh viên kiều bào đến từ 25 quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên các bạn được hòa mình vào những vùng đất, những sắc màu văn hóa Việt mà hầu hết chỉ được biết qua chuyện kể của cha mẹ, sách báo và internet.
Nguyễn Ngọc Hoàng Trân (16 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Liên Bang Nga, số lần Trân về nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Quê em ở TPHCM. Đây là lần đầu tiên em ra Bắc và được gặp nhiều đồng bào dân tộc”, Trân cho hay.
Luôn muốn biết nhiều hơn về nơi bố mẹ mình sinh ra và lớn lên, Trân tự đăng kí tham dự trại hè. Thêm một lần về nước với nhiều điều “đầu tiên”, cô sinh viên năm thứ nhất khoa Tài chính Tín dụng của ĐH Tài Chính ở Matxcơva, Nga này đã rất háo hức.
|
Trân cho biết, đây là chuyến đi ấn tượng, đáng nhớ nhất của mình.
Trần Vũ (22 tuổi, Cộng hòa Séc) háo hức chẳng kém. Sinh ra ở Bắc Giang, Vũ xa quê từ lúc lên 3 tuổi, đây là lần thứ tư bạn về nước. Vũ cho biết, khi được chọn tham dự trại hè, Vũ về nước trước lịch tập trung nửa tháng để chuẩn bị cho hành trình. Vũ tự tin giới thiệu, hướng dẫn xử lý các tình huống cho các bạn khác khi phải thay đổi môi trường sống.
Trên hành trình tìm về những nguồn cội, Lê Anh Thư (Anh) được xem là có kinh nghiệm khi lần thứ hai tham gia hành trình. Lần về này, Thư trở thành hướng dẫn viên cho hai cô em Phương Vi (17 tuổi) và Y Phương (16 tuổi).
Cho tròn tiếng, rõ chữ
Trong niềm yêu thích được trở về Việt Nam thanh niên kiều bào mong hiểu, biết nhiều hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc. “Ở Belarus, biết tôi là người Việt Nam nên cô giáo thường giao viết nhiều đề tài về Việt Nam. Tôi đã viết hai bài giới thiệu về đất nước mình” - Hoàng Linh chia sẻ.
Ngồi trên ô tô, nhiều câu hỏi về Trường Sa, Ngã ba Đồng Lộc, Nhà tù Côn Đảo… được các bạn trẻ đặt ra trao đổi sôi nổi.
Tham dự ba tuần Trại hè, các bạn hy vọng sẽ nâng cao được khả năng nói tiếng Việt. Những ngày đầu về nước, nhiều thành viên còn bỡ ngỡ. Từ những câu chuyện phần nhiều bằng tiếng Anh, các bạn đã trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Trong ngày thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều thành viên đã đồng thanh “Tôi yêu Việt Nam” trong niềm phấn chấn.
“Mình sang Séc từ nhỏ, tiếng Việt sử dụng chưa được thuần thục. Ở Trại hè 2012 này, mình nâng cao vốn tiếng Việt nhờ giao lưu với các bạn”. Trần Vũ chia sẻ.
|
Nói tiếng Việt thành thạo, truyền cảm, Hoàng Trân bật mí: “Từ nhỏ, bố mẹ thường dạy em nói, viết tiếng Việt. Lớn lên, em thường đọc sách báo, tập viết văn. Cộng đồng người Việt ở Nga đông nên em có điều kiện, sử dụng tiếng Việt nhiều”.
Sinh ra ở Anh, Y Phương bộc bạch, tiếng Việt của em chưa thực sự tốt lắm. “Có lần về quê, em không hát được tiếng Việt với mọi người trong gia đình. Sau đó, em học tiếng Việt bằng cách tập hát karaoke”. Ba tuần tham gia trại hè, vốn tiếng Việt của Phương tăng lên đáng kể.
Hoàng Trân tâm sự: “Là phần máu thịt của Việt Nam, em nghĩ mỗi bạn trẻ Việt dù sinh sống ở đâu cũng nên biết tiếng Việt, nhớ về quê hương mình”.
Theo Mai Xuân Tùng \ Tiền Phong
Bình luận (0)