Thông tin được công bố nhỏ giọt, cho nên lời hứa từ năm ngoái của Chính phủ về việc “công khai toàn bộ cơ cấu giá thành điện” đến nay vẫn hầu như chưa thực hiện được. Với người tiêu dùng, việc lỗ, lãi, cấu thành giá điện vẫn là ẩn số. Lỗ nặng, lương cao và tăng giá là những gì mà người dùng có thể hình dung về điện lực VN (EVN).
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2010, EVN lỗ hơn 10.100 tỉ đồng chỉ riêng từ sản xuất điện (nếu tính cả lỗ do biến động tỷ giá thì khoảng trên 25.000 tỉ đồng). Còn Kiểm toán Nhà nước công bố hôm 18.7, con số lỗ của EVN là 8.416 tỉ đồng. Dù là con số nào, kết luận lại cũng là “lỗ nặng”. Thế nhưng EVN vẫn trả lương cho nhân viên cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung. Thu nhập bình quân chung của công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó khối cơ quan văn phòng 27,4 triệu đồng/người/tháng. Tăng giá điện thì khỏi nói. Bình quân cứ 3 tháng tăng một lần!
Một lãnh đạo Bộ Công thương, cơ quan chủ quản của EVN từng lý giải về việc tăng giá điện rằng: EVN là DN kinh doanh nên khoản lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng nếu không hạch toán vào giá điện thì cũng không biết tính vào đâu. Điều này không sai về mặt nguyên tắc nhưng sai nghiêm trọng ở chỗ, Bộ Công thương mới chỉ lý giải ở góc độ một ông bố muốn bảo vệ cho đứa con do mình sinh ra mà hoàn toàn bỏ quên vai trò quản lý nhà nước, điều tiết thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Câu hỏi tại sao lỗ dường như chưa bao giờ được Bộ trả lời thỏa đáng ở EVN.
Cũng theo thông tin tuy còn khá khiêm tốn từ ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, hôm 18.7 thì EVN quả là đứa con hư. Hàng loạt các khoản thu từ thuê cột điện, nhượng bán vật tư hàng hóa… lên đến hơn 400 tỉ không được EVN tính vào cơ cấu giá điện. Gần 3.000 tỉ đồng lãi khác từ hoạt động tài chính, hoạt động liên doanh liên kết và lãi sản xuất khác cũng không được hạch toán. Theo kiến nghị của Kiểm toán, nếu tính đủ những khoản đó, giá điện sẽ giảm được tới 34 đồng/kWh.
Với giá điện EVN mua từ thủy điện, nhiệt điện trung bình chỉ khoảng 800 đồng/kWh, bán ra trên 1.400 đồng/kWh (đã tính VAT), các chuyên gia khẳng định: đối với sản xuất điện EVN không hề lỗ. Nếu hạch toán cả các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành, do quản lý yếu kém, do tham nhũng, tiêu cực vào giá thành điện, bắt người tiêu dùng phải chịu thì EVN không còn là “đứa con hư” mà phải gọi là bất nhẫn. Bộ Công thương, với tư cách là cơ quan chủ quản, đã không hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ phân công, người dân ủy quyền.
Điện cũng giống như xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác, DN bán bao nhiêu thì người dân phải chấp nhận mua bấy nhiêu, không có quyền mặc cả. Việc kiểm soát để cân đối hiệu quả của DN với quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của quản lý nhà nước. Giải quyết vấn đề của ngành điện không còn là chuyện bức xúc của người tiêu dùng với hóa đơn điện hằng tháng mà là đòi hỏi chính đáng về một cơ chế cạnh tranh công khai, minh bạch và vận hành hiệu quả tiền đầu tư của nhà nước, vốn là tiền đóng thuế của dân.
An Nguyên
>> Phát hiện vi phạm trong việc mua bán điện của EVN
>> EVN được điều chỉnh giá điện tối đa 5%
>> Đề xuất chuyển nợ EVN thành trái phiếu
>> EVN tiêu cả tiền quỹ bảo vệ rừng
Bình luận (0)