Cầu Thuận An cũ được đưa vào sử dụng đầu những năm 1990. Đây là cây cầu bắc qua phá Tam Giang, tạo điều kiện lưu thông của người dân vùng biển ở nhiều xã và thị trấn ven biển. Cuối tháng 8.2007, cầu Thuận An mới (thuộc QL49A) nằm song song với cầu cũ chính thức đưa vào sử dụng. Đầu năm 2010, do cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng nên việc lưu thông qua cây cầu này bị nghiêm cấm.
Ngày 18.7, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, Hoàng Phước cho biết vào năm 2011, UBND tỉnh đã có quyết định về việc tháo bỏ cây cầu này để khơi thông luồng lạch cho bà con ngư dân vùng biển, đảm bảo lưu thông và tạo mỹ quan đô thị, phát triển du lịch vùng biển và đầm phá. Tổng kinh phí tháo bỏ cây cầu dự kiến trên 2,4 tỉ đồng. “Tôi cũng được biết UBND tỉnh có chủ trương sẽ xây dựng mới lại cây cầu này để đảm bảo giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch vùng biển nhưng không hiểu sao đến nay các công việc vẫn chưa được tiến hành” - ông Phước nói.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Vinh Thanh (H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), đa số các tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, thường tập trung ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh. Tuy nhiên lâu nay việc hoạt động của những tàu này gặp rất nhiều khó khăn do cửa biển Thuận An thường thay đổi luồng lạch vào mùa đông. Không chỉ thế vào mùa mưa bão, nếu không vào cửa biển Thuận An được, bà con ngư dân phải cho tàu vào vịnh Đà Nẵng để trú ẩn, vừa tốn chi phí vừa nguy hiểm do đi đường xa.
“Nhiều ngư dân chúng tôi có tàu thuyền lớn (công suất 150 mã lực), tàu đánh bắt xa bờ này nằm phía trong cầu Thuận An cũ vốn có gầm thấp nên việc ra vào cũng rất khó. Để đối phó, chúng tôi phải tháo các trục tời (nặng trên 1 tấn) mới cho tàu qua được cầu” - ông Phát nói.
Theo ông Hoàng Phước, đã rất nhiều lần bà con ngư dân và cử tri kiến nghị tháo bỏ cầu Thuận An. Một trong những lý do người dân mong mỏi việc này là họ đã và đang có nhu cầu đóng tàu lớn để ra biển Đông làm ăn, nhưng nếu có thì không ra vào được bờ bến do vướng cầu Thuận An cũ. “Chúng tôi mong cấp trên sớm có hướng xử lý, đồng thời sớm xây dựng cầu mới tại vị trí cây cầu cũ để đảm bảo mỹ quan và thúc đẩy việc phát triển kinh tế, du lịch địa phương” - ông Phước nói.
Gia Tân
>> Thừa Thiên - Huế: Người đi tắm biển gây kẹt xe trên cầu Thuận An
Bình luận (0)