Nhà máy xử lý ô nhiễm gây ô nhiễm

21/07/2012 03:10 GMT+7

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (ấp 5, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) xử lý nước thải cho một phần quận 1, 3, 5 và 10 nhưng lại đang gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đời sống hàng ngàn hộ dân.

Anh Trần Văn Thắng (21 đường số 1, KDC Bình Hưng - Văn Lang, Bình Hưng, Bình Chánh) nói với chúng tôi trong tuyệt vọng: “Tôi về đây sống hơn 1 năm qua. Những tưởng mua đất ở khu dự án, cơ sở hạ tầng sạch đẹp là đã “an cư”, nào ngờ, mùi hôi từ Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng khiến gia đình ăn không ngon, ngủ không yên. Mỗi ngày, mùi hôi liên tục “tấn công”, không thể nào chịu được. Nhưng bây giờ ở thì không được, đi cũng không xong vì chẳng ai mua lại nhà, có ai bỏ tiền tỉ để mua... mùi hôi?”.

Bác Nguyễn Văn Trung, ngụ tại khu dân cư rạch Bà Tánh - gần nhà máy, cho biết thêm: “Không chỉ mùi hôi, ruồi nhặng cũng phát sinh. Mấy tháng trước, ruồi đen đặc, ăn cơm phải giăng mùng...”.

Chủ các dự án nhà ở T30, khu nhà ở Bình Hưng - Văn Lang, 6B - Intresco, rạch Bà Tánh…cũng đồng loạt kêu cứu. Ông Huỳnh Lê Thanh Phú - Trưởng phòng đầu tư kinh doanh Công ty TNHH XD và KD nhà Văn Lang nói: “Người dân sống trong khu vực dự án phản ảnh vấn đề ô nhiễm rất nhiều, họ còn khiếu nại công ty vì bán đất ở khu ô nhiễm. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh cũng như uy tín của công ty.”

Trước khiếu nại từ người dân, UBND H.Bình Chánh đã nhiều lần kiểm tra nhà máy và kiến nghị với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND thành phố về việc khắc phục. Mới đây nhất, UBND huyện đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) tiến hành kiểm tra đột xuất, kết quả cho thấy, chất lượng không khí tại cổng nhà máy có chỉ tiêu H2S (hydro sunfua - là chất khí không màu, có mùi trứng thối) vượt quy định, chỉ tiêu Cr+6 (crom hóa trị 6) trong bùn cũng vượt.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM (chủ sở hữu nhà máy) cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm bắt nguồn từ công nghệ. Nhà máy hiện sử dụng công nghệ bùn hoạt tính cải tiến với kho chứa bùn thứ cấp là kho hở nên phát sinh mùi hôi, côn trùng là khó tránh khỏi.

Ông Lưu Văn Tấn - Trưởng phòng quản lý nước thải, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM - cho biết ngoài nguyên nhân trên, thời gian gần đây lượng nước thải về nhà máy có hàm lượng ô nhiễm tăng, bùn phát sinh nhiều, thiếu bãi đổ bùn tập trung, dẫn đến lượng bùn tồn đọng tại nhà máy quá lớn, lên đến hơn 4.000 tấn, chưa kể mỗi ngày phát sinh thêm hơn 30 tấn. Trong khi đó, hành lang cách ly giữa nhà máy với khu dân cư không đạt yêu cầu, chỉ từ 100 - 150 m thay vì 300 - 500 m.

Để giải quyết ô nhiễm, ông Tấn cho hay sẽ tăng cường phun xịt chế phẩm vi sinh khử mùi hôi; che chắn các khu vực chứa bùn; tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp nhà xưởng và khuôn viên, bổ sung thêm các chất độn phục vụ quá trình lên men hiếu khí, đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường hỗ trợ, giải quyết gấp bãi đổ cho hơn 4.000 tấn bùn đang tồn…

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, còn giải pháp lâu dài, căn cơ thì sao, liệu mùi hôi sẽ chấm dứt? Ông Lưu Văn Tấn nói:  “Chúng tôi không thể khẳng định được. Chúng tôi đã kiến nghị UBND thành phố cần phải rà soát, thay đổi phương pháp xử lý bùn (ủ kín thay vì ủ hở), tăng cường mảng xanh cách ly giữa nhà máy và khu dân cư, đồng thời kiến nghị việc xem xét lại quy hoạch khu dân cư phải cách xa nhà máy xử lý nước thải, xử lý chất thải và ngược lại…”

Những giải pháp như thế vẫn đang trên giấy, vì vậy người dân ở khu vực gần nhà máy sẽ vẫn còn bị hành hạ, chưa biết bao giờ chấm dứt.

Thanh Đông

>> Phạt 100 triệu đồng doanh nghiệp nhập rác thải
>> Rác thải bủa vây đảo Lý Sơn
>> Dân bức bối vì rác thải y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.