Nguồn tin gần gũi với cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng bổ sung rằng, chính phủ CHDCND Triều Tiên đã thành lập một “cục đặc biệt” để tiếp quản nền kinh tế suy sụp từ tay quân đội, giới nắm nhiều quyền hành dưới chính sách ưu tiên quân sự của cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un.
Cú ngã ngựa bất ngờ của phó nguyên soái Ri Yong-ho và các đồng minh của ông này cho phép ông Kim Jong-un và người dượng Jang Song-thaek, thử nghiệm cải cách nền kinh tế.
|
Theo Reuters, nguồn tin độc quyền của họ từng dự báo chính xác các sự kiện trong quá khứ, bao gồm vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng vào năm 2006, cũng như bước thăng tiến của ông Jang Song-thaek.
Các thay đổi này có thể báo trước những cải cách đáng kể nhất của CHDCND Triều Tiên trong nhiều thập niên.
“Ri Yong-ho là người ủng hộ nhiệt thành nhất với chính sách ưu tiên quân sự của ông Kim Jong-il”, nguồn tin của Reuters tiết lộ.
Vấn đề lớn nhất là ông này chống đối việc chính phủ kiểm soát nền kinh tế từ tay quân đội, theo nguồn tin giấu tên.
Vào đầu tuần, hãng thông tấn nhà nước CHDCND Triều Tiên KCNA đã bất ngờ thông báo quyết định miễn nhiệm toàn bộ chức vụ của ông Ri vì lý do “đau yếu”, bao gồm chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đầy quyền lực của đảng Lao động Triều Tiên.
Theo Reuters, tiết lộ của nguồn tin ám chỉ về một cuộc đấu đá quyền lực tại đất nước bí ẩn, trong đó ông Kim Jong-un và ông Jang tiếp tục củng cố quyền lực chính trị và quân đội.
Ông Kim Jong-un đã trở thành nguyên soái của quân đội Triều Tiên trong tuần này sau khi ông Ri bị "miễn nhiệm". Trước đó, ông đã nắm giữ các chức vụ Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Quốc phòng.
CHDCND Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng về các tiết lộ trên và tòa đại sứ nước này tại Bắc Kinh đã từ chối bình luận khi được Reuters liên hệ qua điện thoại.
Các cải cách kinh tế
Theo nguồn tin của Reuters, chính phủ CHDCND Triều Tiên đã thành lập một “cục chính trị” để giành lại quyền điều hành nền kinh tế từ quân đội.
“Trong quá khứ, chính phủ không có tiếng nói về kinh tế. Quân đội kiểm soát nền kinh tế song điều này sẽ thay đổi”, nguồn tin tiết lộ.
Song song đó, ông Kim Jong-un cũng thành lập một “nhóm cải cách kinh tế” trong đảng Lao động để cai quản các cải cách kinh tế và nông nghiệp.
Theo nguồn tin, CHDCND Triều Tiên sẽ học tập kinh nghiệm cải cách từ nước láng giềng Trung Quốc.
Bắc Kinh được cho là từng gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phải nỗ lực hơn để cải cách kinh tế, lo ngại sự sụp đổ của CHDCND Triều Tiên sẽ đẩy làn sóng người tị nạn tràn sang biên giới và làm mất vùng đệm chiến lược với Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đóng tại nước này.
Hiện không rõ ai sẽ đứng đầu “cục chính trị” của chính phủ và “nhóm cải cách kinh tế” của đảng Lao động song thay đổi là không thể tránh khỏi, theo nguồn tin.
Trái ngược với hình ảnh bí hiểm và khắc khổ của người cha, truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đã chiếu cảnh ông Kim Jong-un đến thăm các lễ hội, phát biểu trước công chúng và vỗ tay tại một buổi hòa nhạc vào cuối tuần trước.
Phụ nữ nước này dường như cũng được hưởng nhiều quyền tự do hơn, bao gồm mặc váy ngắn.
Nguồn tin bác bỏ đồn đoán về bất kỳ hậu quả chính trị nào từ vụ thanh trừng, nói rằng: “Kim Jong-un và Jang Song-thaek hiện nắm quyền kiểm soát quân đội”.
Theo Reuters, ông Jang lâu nay đã được xem là một nhân vật chủ chương cải cách kinh tế. Nỗ lực cải cách kinh tế của ông được cho là nguyên nhân khiến ông bị “đày” ra nước ngoài trong một thời gian song sau đó đã được phục hồi và giao vai trò hàng đầu trong việc phò tá ông Kim Jong-un khi ông này được chuẩn bị để kế nhiệm người cha.
Sơn Duân
>> Kim Jong-un được phong nguyên soái
>> Thế giới xôn xao về bóng hồng bên cạnh Kim Jong-un
>> Em gái ông Kim Jong-un lộ diện?
>> Ông Kim Jong-un kêu gọi dùng internet
>> CHDCND Triều Tiên có Phó nguyên soái mới
>> Cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên đã chết?
>> Triều Tiên có tổng tham mưu trưởng mới
>> Bí ẩn vụ miễn nhiệm tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên
>> Triều Tiên miễn nhiệm tổng tham mưu trưởng quân đội
Bình luận (0)