Cứ khoảng từ 9 giờ sáng, khu vực Suthipon-Khwan Wattana lại sôi động hẳn lên. Đó là thời gian bắt đầu giờ làm việc của các cơ sở gia công hàng may mặc. Những chiếc xe máy, xe tải liên tục chạy ra, chạy vào chở trên đó là những cây vải, quần áo thành phẩm. Hàng may mặc ở đây được đưa đi tiêu thụ ở các trung tâm đầu mối của Thái Lan, trong đó có chợ quần áo nổi tiếng Pratunam cách đó vài ki lô mét.
Người Việt chăm chỉ
Chị Wan, 32 tuổi, mở cơ sở gia công khoảng 1 năm nay. Cơ sở của chị rộng khoảng 100 m2, nằm cuối con đường Suthipon. Ngày trước chị làm công cho người khác, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên chị có cơ hội mở được cơ sở của riêng mình. Chị Wan tuyển 8 nhân công đều là người Việt. Chị bảo ở Thái Lan rất khó tìm người chịu làm nghề may vì vất vả và thu nhập lại không cao. “Người Thái chúng tôi thường nhận xét người Việt khéo léo trong nghề may, lại chăm chỉ nữa nên cứ thấy người Việt là tôi tuyển. Tôi hài lòng về cách làm việc của họ và chúng tôi cư xử với họ như những người Thái”, chị Wan tâm sự.
|
Huy qua Thái Lan được hơn 1 năm và làm việc cho cơ sở của chị Wan được mấy tháng nay. Ngày trước anh làm cho cơ sở khác gần đó, khi cơ sở chị Wan mở, thấy có điều kiện tốt hơn nên anh chuyển qua. Huy bảo công việc ở Thái Lan khá nhiều và thu nhập cũng tốt hơn ở quê nhà. Công việc của anh là ráp quần tây. Mọi người làm việc từ 10 giờ sáng đến tận 12 giờ đêm và hưởng lương theo sản phẩm. Mỗi chiếc quần được chủ trả 17 baht (12.000 - 13.000 đồng). Trung bình mỗi người làm 30-40 quần/ngày. Huy bảo ngày mới qua chưa biết nghề may (ở quê mọi người chỉ quen làm ruộng) nên liên tục làm hỏng sản phẩm của chủ. “Chủ bắt phải mua những chiếc quần hỏng để đền. Tháng nào cũng đền cho chủ 1 cái, phải mất đến 6 tháng mới quen nghề”, Huy kể.
Luân, 25 tuổi, quê ở Nghệ An, làm cho một cơ sở khác ở gần đó được hơn 1 năm cùng 3 anh chị em của mình. Luân bảo ở quê anh khó kiếm việc làm, nên anh vào Vũng Tàu phụ hồ. Thu nhập ít ỏi trong khi chi phí ăn ở đắt đỏ nên làm 2 năm chẳng dư được đồng nào. Thế là anh theo mấy anh chị em qua Thái Lan làm may. “Ngày mới qua khó khăn lắm vì quen làm công việc nặng, còn đối với công việc tỉ mỉ chi tiết như nghề may thấy không ổn, nhiều lần chán nản muốn về. Giờ thì đã quen, công việc tương đối ổn”, Luân tâm sự. Bốn anh chị em Luân mỗi ngày cũng làm được 300 sản phẩm, mỗi sản phẩm được 7 - 8 baht (5.000 - 6.000 đồng) nên thu nhập của họ khá hơn hẳn so với khi còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, để làm ra số lượng đó họ phải bắt đầu làm việc từ 10 giờ và kéo dài đến tận 5 giờ sáng hôm sau.
|
Mong ước bình dị
Phần đông các cơ sở ở khu vực Suthipon-Khwan Wattana đều có người Việt Nam làm việc. Có cơ sở chỉ 1-2 người nhưng có nơi thuê đến 5-6 thậm chí 8 người như cơ sở của chị Wan. Chủ lo chỗ ăn ở cho họ ngay tại cơ sở, phía dưới làm việc, phía trên gác gỗ là nơi ngủ nghỉ của các công nhân. Người Việt qua Thái Lan làm việc với mong muốn kiếm ít vốn để sau này về nước mở cơ sở làm ăn, chứ không ai có ý định lập nghiệp lâu dài tại đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được mong ước này.
Chị Ly cho biết chị mới quay lại Thái Lan vài tháng nay, sau khi chị đã ở đây 4 năm. Chị từng làm nhiều việc và may là công việc sau cùng. Với ngần ấy thời gian, chị kiếm được một số vốn, quay về Việt Nam mở cửa hàng ăn uống. Mục đích là để gần gũi và chăm sóc 2 con (năm nay được 12 và 6 tuổi). Tuy nhiên, điều kiện làm ăn ở Việt Nam khó khăn nên buộc chị phải đóng cửa sau 1 năm cầm cự. Giờ chị quay lại Thái Lan và bắt đầu lại từ đầu với nghề may.
“Là người Việt Nam không ai muốn bỏ quê để đi làm ăn xa, bỏ con cái không người chăm sóc, bảo ban. Nhưng vì cuộc sống mà phải qua đây làm thuê cho người ta. Nhớ con lắm, xót lắm anh ơi!”, chị Ly rơm rớm nước mắt. Trò chuyện với chúng tôi mà tay chị vẫn không ngưng làm, thỉnh thoảng chị ngước lên nhìn với ánh mắt đỏ hoe. Chị Ly bảo ở Việt Nam làm một nhưng bên này phải làm gấp đôi, cực khổ và vất vả chỉ mong kiếm tiền gửi về nuôi con. Chồng chị cũng phải tha phương kiếm sống tận bên Nga, nên 2 đứa con gửi ông bà chăm nom. Thỉnh thoảng được chủ cho nghỉ phép chị đi xe qua Lào để về Việt Nam thăm con. “Chỉ mong sao làm có tiền lo cho gia đình, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Đó là mong ước của những người Việt chúng tôi”, chị chia sẻ.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Người Việt trên đất Thái - Nem nướng Việt vào Hoàng cung Thái
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 2: Thợ ảnh ở Wat Phra That Phanom
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 3: Phố chả Việt trên đất Ubon
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 4: Làng Việt ở Nakhon Phanom
>> Người Việt trên đất Thái - Kỳ 5: Thống lĩnh “nghề dynamo”
Bình luận (0)