Lãi suất sẽ “ổn định” ở... mức cao ?

23/07/2012 03:00 GMT+7

Lãi suất tối đa 15% sẽ giữ ổn định trong vòng 1 năm", tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong cuộc gặp gỡ giữa cơ quan này với hơn 100 doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội cuối tuần qua, thoạt nghe như một tín hiệu tốt nhưng thực chất tiềm ẩn quá nhiều điều bất hợp lý.

"Lãi suất tối đa 15% sẽ giữ ổn định trong vòng 1 năm", tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong cuộc gặp gỡ giữa cơ quan này với hơn 100 doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội cuối tuần qua, thoạt nghe như một tín hiệu tốt nhưng thực chất tiềm ẩn quá nhiều điều bất hợp lý.

Chúng ta đều biết, mức lãi vay ưu đãi phổ biến ở hầu hết NH hiện nay khoảng 12 - 13%/năm. Tại một số NH thanh khoản dồi dào, thậm chí đã cho khách hàng VIP vay với lãi suất 10,5 - 11%/năm. Những mức lãi vay này được áp dụng công khai thời gian gần đây. Còn mốc 15% nói trên, chỉ là "ngưỡng" mà các NH phải áp dụng trong việc hạ lãi vay quá cao ở các hợp đồng cũ của DN. Nên việc Thống đốc tuyên bố mức lãi vay sẽ giữ tối đa ở 15% có thể được hiểu là nâng lãi suất đầu ra lên cao hơn mức hiện hành trên thị trường. Điều này đi ngược lại với kỳ vọng của DN, người dân và Chính phủ trong việc hạ lãi suất, cứu kinh tế đang suy giảm. Sẽ bất hợp lý khi "neo" mức lãi cao này trong thời gian cả năm tới trong khi mọi yếu tố cơ bản nhất là chỉ số lạm phát (CPI) và thanh khoản của các NH đang hỗ trợ tối đa việc giảm lãi vay xuống mức thấp hơn. Cụ thể, CPI tháng 7 của Hà Nội, TP.HCM và hầu hết các TP lớn trên cả nước đều giảm hoặc giảm mạnh, các NH đang ứ vốn... Với điều kiện này, lãi suất chắc chắn sẽ giảm chứ không thể "ổn định" ở mức cao như Thống đốc tuyên bố. Đó là chưa kể, với sức khỏe của DN hiện nay, mức lãi vay 12 - 13% vẫn là quá cao, quá nặng, quá sức của họ. So với các nước trong khu vực và thế giới, mức lãi vay này đã triệt tiêu năng lực cạnh tranh của họ. Vì vậy, mục tiêu trước mắt và lâu dài là phải hạ lãi suất để DN có cơ hội "bình phục", từ từ tạo sức cạnh tranh trở lại chứ không nên, không thể có tư tưởng giữ "ổn định" ở mức tới 15% trong một thời gian dài.

Việc giữ lãi vay ở mức 15% cũng tạo cửa kiếm lợi nhuận lớn cho các NH. Trước đó, chính NHNN đã tính toán, chênh lệch đầu ra - đầu vào 2,5 - 3% là các NH có lãi. Nhưng thay vì kéo mức chênh lệch này về đúng với tính toán trên, áp dụng cho tất cả cộng đồng DN thì với đầu ra 15% này, mức chênh lệch đã lên tới 6% (lãi suất huy động 9%), dư địa kiếm lợi của NH được duy trì và mở rộng. Cuối cùng thì cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Ngân hàng Nhà nước và DN, người hưởng lợi vẫn là các NH.

Kinh tế tiếp tục đà suy giảm, DN tiếp tục phá sản, tồn kho chất như núi... Đến lúc này, tất cả những DN còn sống, còn cầm cự đều có quyền được cứu, được hỗ trợ chứ không nên khu biệt một số lĩnh vực ưu đãi như cách mà chúng ta đang làm hiện nay. Chính cách này đã khiến các DN còn lại bị "luộc" lãi vay một cách tối đa trong khi đối tượng được ưu đãi trên thực tế, cũng khó tiếp cận lãi suất thấp. Quan trọng hơn, tiếp tục hạ lãi vay theo đúng mục tiêu của Chính phủ, theo đúng điều kiện thị trường. Còn nếu chính sách vẫn cố tình đi sau, vẫn bảo vệ lợi ích của các NH, phải quy trách nhiệm cho những người đứng đầu cũng như phải làm rõ động cơ khiến lợi ích của cả cộng đồng DN, cả nền kinh tế lại bị xếp sau lợi ích ngành như thế.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.