Xứng danh làng mộc

23/07/2012 09:19 GMT+7

“Không sợ nghề phụ người, chỉ sợ người phụ nghề mà thôi”, bằng quyết tâm đó, suốt 10 năm qua, anh Lê Quang Hợp (39 tuổi, Thanh Tân, xã Quảng Hòa, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đã mở ra con đường sáng cho nghề mộc truyền thống của quê hương trước nguy cơ bị mai một.

Từ quyết tâm giữ nghề...

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc, nên từ nhỏ chàng thanh niên Lê Quang Hợp đã thành thục những kỹ năng của một người thợ lành nghề. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu làm nghề, anh đã vấp phải những khó khăn liên tiếp. “Lúc đó, sản phẩm làm ra chủ yếu làm đồ gia dụng, chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi làng xã, nên thu nhập không cao. Dần dà, người dân trong làng chẳng ai còn mặn mà với nghề. Hơn nữa, sản phẩm làm ra ngày càng khó cạnh tranh với các mặt hàng được sản xuất sẵn trên thị trường với kiểu mẫu đa dạng và đẹp hơn rất nhiều”.

Xưởng mộc mỹ nghệ
Xưởng mộc mỹ nghệ của anh còn nhận dạy nghề miễn phí cho nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn -Ảnh: T.H

Tuy nhiên, anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề. “Muốn duy trì được nghề này chỉ có một cách là phải tìm một vùng đất mới”, anh nghĩ. Và vùng đất mới mà anh chọn đó là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Thời gian đầu, công việc làm ăn tạm ổn, nhưng mọi việc không dễ dàng như anh tưởng. “Sau 4 năm mở xưởng nhưng tôi không thu lại được gì, ngược lại còn luôn bị phá phách và trộm cắp nên không thể phát triển được. Năm 2002, tôi quyết định trở về quê hương”, anh nhớ lại.

Trở về lần này, anh  không làm đồ mộc dân dụng nữa mà chuyển sang làm đồ mỹ nghệ. Chưa có kinh nghiệm nên chủ yếu anh nhận làm gia công lại cho người khác. Vốn thông minh và khéo léo, chỉ sau một thời gian, anh đã tự thiết kế và sáng tạo nên nhiều mẫu sản phẩm trang trí đẹp, được nhiều người công nhận và đánh giá cao. Đến nay, sau 10 năm phát triển, tay nghề của anh đã được nhiều người ở trong và ngoài tỉnh biết đến.

...đến lớp dạy nghề miễn phí

Thành công bước đầu khiến anh ngày càng hy vọng về một con đường sáng sủa cho nghề mộc truyền thống của quê hương. Khách đến đặt hàng ngày một đông. Biết một mình không thể kham nổi, anh mở lớp dạy nghề miễn phí cho con em trên quê hương mình. “Ngày đầu mở lớp vất vả vô cùng, vì không ai tin có thể sống được bằng nghề này. Nay nghề mộc mỹ nghệ phát triển, có thêm máy móc hiện đại hỗ trợ nên công việc nhẹ nhàng hơn, thu nhập lại cao nên các em đến xin học rất nhiều”. Đáng chú ý, trong số những người được anh nhận cưu mang về dạy nghề, phần lớn đều là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, một số mồ côi cha hoặc mẹ, cá biệt có em bị thiểu năng… Anh tâm sự: “Tôi chỉ  muốn tạo cơ hội cho các em có được một việc làm và có một cái nghề để kiếm sống. Để động viên các em, chẳng những tôi dạy miễn phí hoàn toàn mà còn bao ăn cho các em nữa. Khi làm được việc, các em sẽ trả lương, tùy theo trình độ tay nghề”.

Anh cho biết: “Để hoàn thiện được một sản phẩm mỹ nghệ bán được ra thị trường, không phải người thợ nào cũng làm được, vì đòi hỏi phải có nhiều yếu tố. Nhưng học để biết việc “kiếm cơm” thì chỉ cần khoảng 3 tháng”. Tính đến nay, anh đã “xuất xưởng” hơn 50 người thợ lành nghề. Trong số đó có người đã đứng ra làm ông chủ của một xưởng riêng với thu nhập rất cao. Hiện, xưởng mộc mỹ nghệ của anh thường xuyên có 12 người làm việc, cả thợ chính lẫn các em học việc. Bình quân thu nhập của một thợ lành nghề được anh trả 6 triệu/tháng. Với những thành tích như trên, anh trở thành tấm gương nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Dương Công Hợp -  Thanh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.