Theo tờ Foreign Policy hôm 25.7, các thượng nghị sĩ John Kerry (Dân chủ), Richard Lugar (Cộng hòa), John McCain (Cộng hòa), Jim Webb (Dân chủ), James Inhofe (Cộng hòa) và Joe Lieberman (Độc lập), đã giới thiệu một nghị quyết về tranh chấp biển Đông trong tuần này.
Dự thảo nghị quyết thúc giục các bên trung thành với các cam kết theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp trong lúc chờ đợi thông qua COC.
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi các bên kiềm chế thực hiện những hành động tại các quần đảo, các bãi đá ngầm, bãi cạn và giải quyết những khác biệt theo một cách thức mang tính xây dựng.
|
Theo tờ Foreign Policy, chính quyền Mỹ đã âm thầm thúc giục các nước ASEAN giải quyết những bất đồng nội bộ và đưa ra một lập trường chung về cách thức hoàn thành COC nhằm giải quyết tranh chấp trên biển.
Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Campuchia vào ngày 12.7, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói: “Chúng tôi thấy một số ví dụ đáng lo ngại về sự dọa dẫm kinh tế và việc sử dụng khó hiểu các tàu công vụ và quân sự trong các tranh chấp giữa ngư dân. Thế nên, chúng tôi trông đợi ASEAN và Trung Quốc đạt được những tiến triển có ý nghĩa nhằm hướng đến việc hoàn tất COC cho biển Đông dựa theo luật pháp và các thỏa thuận quốc tế”.
Dự thảo nghị quyết của các thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ tiến trình này song cũng tái xác nhận cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ các nước ASEAN duy trì sự mạnh mẽ và độc lập, đồng thời cam kết tăng cường quan hệ đối tác của Mỹ với các nước ASEAN.
Dự thảo nghị quyết cũng ủng hộ đẩy mạnh “hoạt động của các lực lượng vũ trang Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông, bao gồm quan hệ đối tác với lực lượng vũ trang các nước trong khu vực, nhằm hỗ trợ tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế…”.
Trong thông báo gửi đến tờ Foreign Policy, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry nói thất bại của ASEAN trong việc đưa ra một tuyên bố chung về COC tại hội nghị ở Campuchia làm tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và nước láng giềng. Ông Kerry cũng thuyết phục các thượng nghị sĩ khác rằng đã đến lúc lên tiếng.
“Các tranh chấp là có thật và chúng đang diễn biến nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ điều tối thiểu mà Thượng viện có thể làm là ra nghị quyết một cách rõ ràng và dứt khoát nhằm ủng hộ những nỗ lực phát triển COC của ASEAN”, ông Kerry nói.
Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế
Cũng trong hôm 25.7, Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã nói rằng các hành động gần đây của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền ở biển Đông có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Webb, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ hãy làm rõ tình hình với Trung Quốc và báo cáo Quốc hội ngay tức khắc.
“Với sự trỗi dậy của một phe cánh nhất định có liên hệ với quân đội Trung Quốc, Trung Quốc ngày càng hung hăng. Vào ngày 21.6, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái mà họ gọi là thành phố cấp địa khu Tam Sa. Đây đúng là việc thành lập đơn phương, vô căn cứ một cơ quan chính quyền tại khu vực cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền”, ông Webb phát biểu.
Ông Webb cũng chỉ trích việc Trung Quốc từ chối giải quyết tại các tranh chấp tại diễn đàn đa phương.
“Họ khẳng định những vấn đề đó chỉ được giải quyết song phương, một đối một. Tại sao? Vì họ có thể chi phối bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể cho là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Nó trái với các tuyên bố của Trung Quốc về thiện chí hợp tác với ASEAN để phát triển COC”.
Trước đó, vào hôm 24.7, Thượng nghị sĩ John McCain, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã lên án các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc là “khiêu khích không cần thiết”.
“Quyết định của Quân ủy Trung ương Trung Quốc về việc triển khai quân tại các quần đảo ở biển Đông, vốn được Việt Nam tuyên bố chủ quyền, là khiêu khích không cần thiết”, hãng AFP trích tuyên bố của ông McCain.
Ông McCain nói hành động của Trung Quốc gần đây chỉ “củng cố lý do tại sao nhiều nước châu Á ngày càng lo ngại về những tuyên bố lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc, vốn không có cơ sở theo luật quốc tế và khả năng Trung Quốc sẽ âm mưu áp đặt các tuyên bố chủ quyền thông qua việc hăm dọa và áp bức”.
Sơn Duân
>> Mỹ lo ngại việc Trung Quốc lập “TP.Tam Sa”
>> Cảnh báo nguy cơ xung đột tại biển Đông
>> Trung Quốc “ngụy trang lợi ích quân sự ở biển Đông”
>> John McCain: "Trung Quốc khiêu khích không cần thiết
>> Phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc
>> “Cha đẻ” học thuyết Quyền lực mềm - GS Joseph Nye: Trung Quốc tự làm tổn hại mình
>> Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”
>> Nhật cảnh báo về hoạt động của Hải quân Trung Quốc
>> Trung Quốc ngang nhiên bầu thị trưởng "thành phố Tam Sa
Bình luận (0)