Nông sản oằn lưng cõng phí - Kỳ 3: Heo, gà đang bị phí đè

26/07/2012 03:05 GMT+7

Giá đầu ra giảm trong khi giá đầu vào vẫn cao, đặc biệt là gánh nặng phí khiến nhiều người chăn nuôi đứng trước cảnh phải “treo chuồng”.

>> Kỳ 2: Một gánh rau mất đứt 2 - 3 kg

Việc nộp phí là cần thiết, nhưng tại sao từ bán con giống đến khi giết mổ lại nhiều loại phí thế? Có nhiều loại phí hữu hình có thể nhận diện được, nhưng cũng có cả loại phí vô hình khó nói

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Phí bao vây đàn heo

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) là nơi được xem là “vương quốc nuôi heo” với số lượng khoảng 200.000 con, lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, người chăn nuôi ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó việc phải nộp quá nhiều loại phí.

Bà Ngô Thị Lạch (H.Thống Nhất) nuôi hơn 4.000 con heo thịt than vãn: Trước đây, mỗi năm gia đình bà xuất chuồng 2 đợt, sau khi trang trải tiền cám, thuốc men, phí, thuế... bà còn có lãi chút đỉnh. Hiện nay giá heo hơi chỉ từ 38.000 - 39.000 đồng/kg, nhưng phải nộp rất nhiều loại phí như tiêm phòng, chống dịch, tiêm phòng vắc xin tai xanh,  phí kiểm tra lâm sàng, phí kiểm soát giết mổ, phí vệ sinh tiêu độc... nên chi phí rất cao, càng nuôi, càng lỗ. "Bình quân một con heo từ khi còn con giống khoảng 3 - 5 kg đến khi xuất chuồng, các loại phí chiếm tới 1/4 chi phí nuôi. Đây cũng là lý do mà nhiều người chăn nuôi giết mổ trái phép để "né" 3 loại phí kiểm dịch, vệ sinh và vận chuyển", bà Lạch nói.

Theo báo cáo về phí và lệ phí của Chi cục Thú y Đồng Nai, từ khi còn con giống cho đến khi xuất bán ra thị trường, người chăn nuôi phải chịu phí kiểm dịch 1.000 đồng/con; phí kiểm soát giết mổ từ 6.500 - 7.000 đồng/con; phí tiêu độc, sát trùng phương tiện là 40.000 đồng/phương tiện (phương tiện vận chuyển 40 con trở lên); lệ phí mẫu cho heo xuất tỉnh là 30.000 đồng/chuyến (trường hợp vận chuyển nội tỉnh thì 5.000 đồng/chuyến); phí thuốc sát trùng 2.000 đồng/chuyến; phí chì niêm phong 1.500 đồng/chuyến. Trong trường hợp giết mổ tập trung, phí gia công giết mổ 44.000 đồng/con. 

Anh Phạm Anh Duy (xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) nuôi khoảng 20.000 con heo thịt ngao ngán cho biết, phí thì nhiều nhưng giá bán tại trại chỉ khoảng 37.000 - 38.000 đồng/kg là lý do nhiều người chăn nuôi hiện nay đang nghĩ tới hướng giảm đàn để cầm cự.

Nông sản oằn lưng cõng phí
Cơ sở chăn nuôi heo của anh Phạm Anh Duy (tại xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất). Ảnh: K.C - L.L

Nuôi gà cũng khổ

Không chỉ người nuôi heo, những người chăn nuôi gia cầm tại 2 huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng bức xúc trước tình trạng phí chồng phí.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp (H.Thống Nhất) cho biết, bình quân mỗi con gà, vịt từ khi đang trong trứng, cho tới lúc hình thành con giống và xuất bán, phải chịu nhiều loại phí chồng chất. Cụ thể, khi còn là trứng để gầy giống phải đóng phí kiểm dịch trứng; ấp nở thành con thì chịu phí kiểm dịch con giống, phí tiêm ngừa vắc xin, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Khi con giống lớn, để bán còn phải chịu phí xét nghiệm huyết thanh, phí vận chuyển, phí giết mổ...

Bà Ngô Thị Lý (H.Vĩnh Cửu) bức xúc: Giá bán gà tại trại bình quân khoảng 34.000 đồng/kg nhưng các loại phí chiếm tới 6.000 - 7.000 đồng/con. Nếu trừ hết chi phí đầu tư, trong bối cảnh các loại thức ăn, điện nước, tiền thuê đất, thuế... cao như hiện nay, người chăn nuôi huề vốn được là giỏi, còn không thì lỗ nặng.

Về mức thu phí đối với gia cầm, ông Thân Văn Cẩn, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y Đồng Nai) cho biết, đối với người nuôi gà tại Đồng Nai, khi còn con giống chịu phí kiểm dịch 100 đồng/con; phí vận chuyển 100 đồng/con; phí giết mổ 200 đồng/con; phí tiêu độc khử trùng 40.000 đồng/phương tiện; phí kẹp chì 1.500 đồng/chuyến; phí thuốc sát trùng 2.000 đồng/chuyến; lệ phí mẫu xuất ngoại tỉnh là 30.000 đồng/ chuyến. 

Không chỉ bị bao vây bởi các loại phí chính thức nói trên, cũng như các loại nông sản khác, heo - gà còn bị hành bởi các loại phí “vô hình” khác. Một thương lái chuyên thu gom heo từ Đồng Nai về TP.HCM cho biết: "Đối với các xe kiểm dịch, khi xuất tỉnh, dù có đủ điều kiện thì cũng phải có chi phí lót tay. Nếu không, thương lái bị gây khó dễ đủ điều. Các loại phí này tuy vô hình nhưng không có thì rất khó". Chủ một trại gà (xin được giấu tên) cho biết: "Những trại nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi nếu không nộp các loại phí vô hình thì rất khó được cấp giấy tờ hợp pháp để xuất bán. Nếu bị làm khó ở các khâu chuồng trại, vệ sinh, tiêm phòng... thì hàng phải nằm lại, dẫn đến lỗ nặng. Nên không thể nào không đóng".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, vài ngày nữa hiệp hội sẽ có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị rà soát lại các loại phí trong chăn nuôi. “Việc nộp phí là cần thiết, nhưng tại sao từ bán con giống đến khi giết mổ lại nhiều loại phí thế? Do đó lần này chúng tôi kiến nghị Bộ cần rà soát, xem xét các bất cập về phí, rút gọn lại cho người chăn nuôi bớt khó khăn”, ông Công nói.

Mỗi quả trứng phải đóng phí 5,56 đồng

Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai vừa có văn bản gửi Cơ quan thú y Vùng 6, báo cáo việc thu phí kiểm dịch trứng gia cầm thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Đồng Nai thực hiện 4 loại phí kiểm dịch gia cầm gồm: phí tiêu độc 40.000 đồng/xe; lệ phí mẫu trứng xuất ngoại tỉnh 30.000 đồng/xe (nội tỉnh là 5.000 đồng/xe); phí thuốc sát trùng 2.000 đồng/xe; phí niêm phong 1.500 đồng/xe. Chi cục thú y cho rằng, mỗi quả trứng gia cầm thương phẩm qua kiểm dịch phải đóng phí 5,56 đồng.

Kim Cương

>> Nông sản oằn lưng cõng phí - Kỳ 2: Một gánh rau mất đứt 2 - 3 kg
>> Nông sản oằn lưng cõng phí

Kim Cương - Lê Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.