|
Tại lễ đón tiếp đoàn cán bộ, học sinh dự thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) ở Estonia trở về do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều ống kính phóng viên chĩa về phía hai chàng trai ngồi cạnh nhau trong phòng VIP sân bay quốc tế Nội Bài.
Một da ngăm ngăm đen một da trắng, và đến từ hai miền quê khác nhau, nhưng đều cùng mang về thành tích cao nhất cho đội tuyển Việt Nam: huy chương vàng vật lý quốc tế.
Đó là Đinh Ngọc Hải và Ngô Phi Long. Theo thầy Nguyễn Thế Khôi, trưởng đoàn dẫn đội tuyển Vật lý Việt Nam đi thi quốc tế năm nay, nếu không tính kỳ thi năm 2008 tổ chức ở Việt Nam, đây là lần thứ hai, ta có cùng một lúc hai tấm chương vàng kể từ khi Việt Nam tham gia IPhO (năm 1981).
Đồng hành cùng Toán - Lý
Kể về hành trình đến với Vật lý của mình, cả hai khiến nhiều phóng viên ồ lên vì thú vị. Với Hải thì thoạt tiên em thích học toán. Khi còn học THCS, em được chọn vào đội tuyển toán của trường.
Tuy nhiên, bố mẹ em (một người là cán bộ ngành ngân hàng, một người là kỹ sư xây dựng) nghe tư vấn từ một người quen làm trong ngành giáo dục đã khuyên cả hai con trai theo đuổi chuyên Vật lý.
Trò chuyện với chúng tôi, Hải cũng công nhận, năm lớp 8 em chuyển sang học Lý chỉ vì nghe lời bố mẹ. “Không ngờ chỉ sau một học kỳ, em thấy môn này hay quá nên thấy rất thích, và sau đó thì mê luôn. Em chưa bao giờ nghĩ mình chọn Vật lý là sai lầm”, Hải nói.
Còn Long thì có hoàn cảnh hơi khác Hải. Bố mẹ em đều là giáo viên môn Vật lý của trường THPT chuyên Sơn La nên từ bé em đã muốn mình học giỏi môn này như các anh chị là học trò của bố mẹ.
Thậm chí, năm ngoái, khi đã là học sinh lớp 10 chuyên Toán trường THPT chuyên Sơn La, Long cứ ấp ủ giấc mơ sau này em sẽ thi vào ĐH Sư phạm khoa Vật lý để sau này làm giáo viên dạy Lý giống bố mẹ.
Chị Trần La Giang, mẹ của Long chia sẻ: “Tôi và bố cháu rất mừng là con thích môn của mình dạy và ủng hộ con theo đuổi nó. Nhưng tôi muốn con học chuyên toán tại trường để yên tâm về kiến thức của con trong môn này, còn bố mẹ sẽ dạy con môn Lý ở nhà, hoặc nếu con sẽ học thêm nó ở lớp đội tuyển nếu thi được vào”. Còn Long thì cho biết, nhờ học chuyên toán mà em gặp nhiều thuận lợi trong việc học tốt môn toán.
Tạo cảm hứng cho thế hệ tiếp nối
Olympic quốc tế chỉ là một sân chơi tài năng cho lứa tuổi học trò nhưng thành tích của Long và Hải mang lại một ý nghĩa đặc biệt đối với các thế hệ học trò tiếp nối trên quê hương của hai em.
Hà Nam, quê hương của Hải, tuy được tiếng là đất học, và trên thực tế là nơi có mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông vào diện khá so với các địa phương trong cả nước, nhưng chưa có một huy chương quốc tế nào kể từ 17 năm nay, khi Hà Nam tách khỏi tỉnh Nam Hà (Hà Nam và Nam Định).
Còn huy chương vàng của Long thì không chỉ quý giá đối với tỉnh Sơn La quê hương em mà còn có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc.
Với bước khởi đầu quá ấn tượng của Long, từ nay trở đi việc được tham gia đội tuyển đi thi quốc tế, thậm chí gặt hái mùa vàng trong các kỳ thi này không còn là ước mơ độc quyền của học sinh các địa phương có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội.
Thầy Cầm Duy Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Sơn La nhận xét: “Các huy chương bạc châu Á, huy chương vàng quốc tế của Long tạo cảm hứng cho các thế hệ học sinh Sơn La”.
Long tâm sự: “Em chưa bao giờ mặc cảm mình là người miền núi. Em nghĩ người ta dù sinh ra ở đâu cũng như nhau, khác nhau chỉ là do sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân. Có thể điều kiện học tập của các bạn miền núi không tốt bằng các bạn dưới xuôi nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn miền núi không có tố chất để trở thành người tài giỏi”.
Được biết, hồi lớp 10, cả Long và Hải đều đỗ vào trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng cả hai em và gia đình không muốn các em phải xa gia đình quá sớm, mặt khác họ đều tin vào chất lượng giáo dục của các trường chuyên gần nhà.
Theo Quý Hiên / Tiền Phong
Bình luận (0)