Khi thấy hăm kẽ ở khe mông, kẽ hậu môn hay bộ phận sinh dục, nhất là ở các cháu gái, nguyên nhân đầu tiên phải nghĩ đến là thiếu sót trong giữ vệ sinh. Thông thường là do thiếu sót trong việc rửa ráy cho các cháu sau khi tiêu, tiểu xong, có người dùng giẻ bẩn hoặc giấy cứng lau chùi qua loa. Đối với trẻ em bị đi tướt, chúng ta lại càng nên chú ý đến vệ sinh, rửa ráy sạch sẽ, sau đó dùng vải mềm chấm khô và rắc bột vào các kẽ da.
Có khi trẻ bị viêm đỏ cả một vùng quanh hậu môn kèm theo nhiều vết gãi vì thấy ngứa, khó chịu, nhất là khi đi ngủ. Cần coi chừng có thể giun kim cũng là nguyên nhân của hăm kẽ. Trường hợp này cần trị giun kim mới mong lành bệnh hăm kẽ.
Việc đề phòng hăm kẽ do đó cũng rất đơn giản, chủ yếu là vệ sinh da tốt, luôn chú ý giữ kẽ da cho thoáng hơi. Mùa hè nóng bức, cần mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, tắm rửa thường xuyên cho các cháu và chú ý đặc biệt đến các kẽ. Khi đã bị hăm kẽ, điều quan trọng là không nên cọ xát nhiều hay dùng xà phòng nhiều hoặc loại chất lượng xấu vì sự kỳ cọ và chất xà phòng sẽ kích thích da, làm cho các kẽ bị viêm tấy hơn và chứng hăm nặng hơn.
Đông y có một số bài thuốc chữa hăm kẽ bằng thảo dược rất đơn giản. Lấy lá ổi non (hoặc búp) 100 g, hay lá chè xanh 50 g, lá táo chua (táo ta) 50 g, lá xương sông 50 g (loại lá bánh tẻ, không già không non), lá trầu không 50 g, hoa kinh giới (kinh giới tuệ) khô 50 g, kim ngân hoa 30 g, hoa lài khô 30 g rửa sạch, vò nát. Sau đó, cho vào 1 lít nước đun sôi 15 phút, để nguội rồi đem rửa chỗ hăm, lau khô da bằng khăn bông.
Dưới tác dụng của chất kháng sinh thực vật, các hoạt chất sinh học và tannin có trong dược thảo sẽ diệt vi khuẩn và làm săn da, hết hăm kẽ.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung \ Người Lao Động
Bình luận (0)