Lần đầu tiên đạo diễn cảnh “đạn bắn trúng vào người”
Khi quay Vết thù trên lưng ngựa hoang, đoàn phim ra Vũng Tàu để thực hiện phân cảnh kỹ thuật đoạn Hoàng Guitar (Trần Quang đóng) bị trùm buôn lậu (Xuân Phát đóng) đứng trên triền núi bắn xuống hết cả băng đạn M16. Hoàng Guitar gục chết trong tư thế với tay ra chạm tới chiếc chìa khóa của căn phòng mà vợ Hoàng (Thanh Nga đóng) đang nằm ngủ bên trong.
Ông viết trong bút ký: “Vào thời điểm đó (đầu năm 1971) chưa phim Việt Nam nào có cảnh đạn bắn trúng vào người, nên tôi muốn cho báo chí xem kỹ thuật và xảo thuật của những người làm phim Việt Nam trong hoàn cảnh thiếu thốn trầm trọng kỹ thuật và máy móc dụng cụ”. Ông kể:
- Tôi phải dùng một tấm kẽm mỏng có cài sẵn 7 kíp nổ rồi áp sát vào phía sau lưng của Trần Quang nịt chặt lại. Kíp nổ nối với 7 sợi dây điện luồn phía trong quần, chạy xuống tới dưới chân của Trần Quang, người ngoài nhìn vào sẽ không thấy tấm kẽm lẫn các sợi dây điện vì đã được che lại khéo léo bằng một chiếc áo khoác rộng phủ bên ngoài. Tôi lại dùng 7 sợi dây điện khác thật dài để nối từ camera tới 7 sợi dây điện nằm dưới chân Quang, tất cả đều được phủ lên một lớp cát mỏng...
|
Ra trường quay, sau tràng tiểu liên nổ giòn giã, Hoàng Guitar gục xuống với “những viên đạn cày xới trên lưng cùng khói bụi”. Những người mục kích cảnh quay phim đó, gồm cả các nhà báo, đã vỗ tay: “Hay quá! Hay quá!”. Tổng giám đốc Liên Ảnh Công ty là ông Quốc Phong đến bắt tay Lê Hoàng Hoa, song mắt vẫn nhìn về phía Trần Quang lo lắng vì lúc ấy anh vẫn đang nằm im trên bãi cát. Một người sốt ruột hỏi: “Anh Quang có sao không?” và được trấn an ngay khi nghe Trần Quang nói to “không sao hết”. Quang nằm như thế vì trước đó đạo diễn dặn đi dặn lại: “không được đứng lên nếu chưa gỡ dây điện ra”. Lê Hoàng Hoa ghi nhận Trần Quang lúc bấy giờ nổi danh trong vai James Dean Hùng (tức Hùng đầu bò đã theo dõi sát sao đoàn phim) trong Điệu ru nước mắt song anh vẫn khiêm tốn và cùng với Thanh Nga là “hai diễn viên làm việc rất nghiêm túc, luôn đến đúng giờ, đọc bản phân cảnh trước và thuộc làu đối thoại”. Hôm quay cảnh Trần Quang cùng tướng cướp áo đen (Huyền Anh đóng) đánh nhau dữ dội, Huyền Anh “vì quá nhập vai” nên khi đập vỡ chai bia để đâm đối thủ không may đâm trúng cánh tay của anh làm “máu phun vào cả người tôi (Lê Hoàng Hoa) và cameraman Để”. Lê Hoàng Hoa cho ngừng để băng bó Trần Quang, định hôm sau sẽ tiếp tục, nhưng Trần Quang không chịu bảo cứ để như vậy quay luôn nhằm: “đỡ cho hóa trang, khỏi phải cho si rô vào (máu giả thường làm bằng si rô)”, ông kết luận: “Trần Quang đúng là một diễn viên yêu nghề”. Chính ở vai Hoàng Guitar trong Vết thù trên lưng ngựa hoang, Trần Quang đoạt giải “nam diễn viên xuất sắc và được ưa chuộng nhất” - anh tốt nghiệp thủ khoa Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khóa đầu tiên vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Sau cảnh “Hoàng Guitar gục ngã” quay ở bãi Ô Quắn, ông Quốc Phong vui vẻ mời tất cả lên quán Tre dự một bữa tiệc ngoài trời và công bố tin mới nhất:
- Các anh chị à, có 3 cuốn phim gồm Chân trời tím do Lê Hoàng Hoa đạo diễn, Người tình không chân dung do Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn và Nàng do Lê Mộng Hoàng đạo diễn, sẽ được gửi đi tham dự Đại hội Điện ảnh Á châu lần thứ 17 tổ chức tại Đài Bắc vào tháng tới nhằm tháng 6.1971 này...
Nghĩa là còn một tháng nữa đoàn đại diện điện ảnh Sài Gòn sẽ lên đường, trong đó dự kiến có nữ tài tử Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Đoàn Châu Mậu, ông Tôn Thất Cảnh - Giám đốc Trung tâm điện ảnh, ông Thái Thúc Nha - Giám đốc hãng phim Alpha, bà Lý Miên Nguyệt - Giám đốc hãng Sống Film, đạo diễn Bùi Sơn Duân... Riêng đoàn của Liên Ảnh Công ty đông nhất với ông Quốc Phong, Mỹ Vân, Lê Hoàng Hoa, Kim Vui và Ánh Nga. Mọi người khá vui khi nghe thông báo trên, mà riêng Lê Hoàng Hoa lại ngồi yên trầm ngâm. Người bên cạnh lên tiếng: “Anh Hoa, đang nghĩ gì vậy?”. Đúng là ông đang mơ màng đến câu chuyện của 3 năm về trước...
Lần đầu tiên đến Đài Bắc
Thời đang làm Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam THVN-9 vào năm 1968, Lê Hoàng Hoa được Đài truyền hình Đài Bắc mời sang giao lưu nghiệp vụ điện ảnh. Họ đưa ông đi thăm phim trường đang quay loạt phim Teenager Trail do nữ diễn viên đang lên ở Đài Loan lúc bấy giờ là Hà Tú Anh đóng vai chính và ông bị thu hút ngay từ đầu bởi cô diễn viên 19 tuổi này với “một vẻ đẹp mà tôi thường bị ám ảnh khi đọc tiểu thuyết Quỳnh Dao”. Rồi trong bữa cơm trưa do ông Giám đốc Đài truyền hình Đài Bắc chiêu đãi, ông ngồi kế bên Hà Tú Anh hỏi chuyện, biết cô bước vào làng điện ảnh năm 17 tuổi và đang được công chúng ái mộ sau vai chính của 5 cuốn phim và là “con duy nhất trong một gia đình trung lưu, bố là giáo sư đại học, mẹ là dược sĩ”. Hai bên trao đổi rất lâu về hoạt động điện ảnh của Sài Gòn và Đài Bắc cũng như đời thực của nhau. Trước giờ ra về, Hà Tú Anh đưa ông một tấm danh thiếp khá đặc biệt, vì ngoài họ tên, số nhà, số điện thoại, còn có dòng viết tay bằng tiếng Anh với nét chữ khá đẹp: “Give me a ring if you have time (after 6 pm)” (tạm dịch: Nếu có thời gian (sau 6 giờ tối) thì gọi cho em). Đọc dòng trên, ông “bật dậy như cái lò xo, nhấc điện thoại lên, nhưng rồi tôi lại đặt điện thoại xuống, vì kim đồng hồ trên tay tôi lúc ấy chỉ mới 5 giờ 27 phút, tức là còn hơn nửa tiếng nữa Tú Anh mới có ở nhà - chưa bao giờ tôi thấy 33 phút đồng hồ lại trôi qua một cách chậm chạp như vậy”. Chỉ ngang đó, chúng ta cũng biết phần nào trái tim đa cảm của Lê Hoàng Hoa - đạo diễn Sài Gòn một thuở... (Còn tiếp)
Giao Hưởng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 7: Đạo diễn đào hoa
Bình luận (0)