Chuẩn bị lao động đón làn sóng doanh nghiệp Nhật

04/08/2012 10:30 GMT+7

Trước nhu cầu lớn của thị trường, nhiều công ty xuất khẩu lao động đã liên kết với các đối tác Nhật đào tạo lao động trong nước theo tiêu chuẩn và nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật cung ứng cho thị trường.

Chuẩn bị lao động đón làn sóng doanh nghiệp Nhật
Giám đốc một doanh nghiệp Nhật tham quan và khảo sát học sinh thực hành tại Trường trung cấp nghề Suleco - Ảnh: H.Văn

Mới đây, Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (Jitco) công bố kết quả khảo sát cho thấy đã và đang có một làn sóng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng cho sản xuất và kinh doanh là rất lớn.

Nhiều đơn đặt hàng

 

Cần hiểu rõ văn hóa người Nhật khi hợp tác

Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - cho biết: “Xưa nay người Nhật nổi tiếng với nguyên tắc giữ gìn văn hóa truyền thống và tính trung thành khi làm việc cho họ. Nguyên tắc này còn được đặt trên cả chuyên môn và năng lực nghề nghiệp. Vì vậy, khi đào tạo và cung ứng lao động cho các công ty Nhật cần phải đưa những nguyên tắc này lên hàng đầu trong chương trình đào tạo. Có như vậy mới tạo được sự bền vững trong việc hợp tác với người Nhật”.

Ngày 27-7, tại Trường cao đẳng Nghề Đồng Nai, Công ty xuất khẩu lao động Esuhai cùng với Trường đào tạo nghề Kazen (một đối tác của Esuhai) đã khai giảng lớp đào tạo kỹ năng lao động, tác phong làm việc, tiếng Nhật... cho hàng chục lao động. Đây là chương trình đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu mà các doanh nghiệp Nhật tại Bình Dương, Đồng Nai đặt hàng cho Esuhai.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - phó giám đốc Esuhai, những doanh nghiệp Nhật này từng được Esuhai cung ứng nguồn nhân lực đi xuất khẩu lao động từ Nhật trở về. Tuy nhiên cung không đủ cầu nên doanh nghiệp Nhật ký hợp đồng thỏa thuận, yêu cầu Esuhai tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động trong nước để cung ứng thêm cho họ.

“Trong thỏa thuận, các lao động phải được đào tạo với chương trình giống như chương trình đào tạo lao động để xuất khẩu qua Nhật. Vì vậy, ngoài giáo viên người Việt còn có giáo viên người Nhật đứng lớp” - ông Nghĩa cho biết. Ngoài ra, Esuhai cũng đang xây dựng Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nhật (dự án do Jica - Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ) tại Tân Bình (TP.HCM) nhằm phục vụ việc nâng cao tay nghề và năng lực quản lý cho đội ngũ lao động trở về từ Nhật, đào tạo nguồn lao động tại chỗ để cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật theo nhu cầu.

Còn Công ty Loy & Hongo Việt Nam mới đây đã ký hợp đồng tuyển dụng và đào tạo 500 lao động phổ thông cho Hãng sản xuất máy ảnh kỹ thuật số Olympus tại Đồng Nai. Để đáp ứng đơn hàng này, Loy & Hongo đã liên kết với các trung tâm giới thiệu việc làm khu vực phía Nam tìm kiếm lao động đào tạo. Các lao động sẽ được đào tạo tay nghề miễn phí, việc ăn ở đi lại cũng do Loy & Hongo lo liệu. Ông Tống Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Châu Hưng (đối tác của Loy & Hongo), cho biết công ty đang xây dựng ngân hàng dữ liệu nguồn lao động đang làm việc ở Nhật do công ty đưa đi, để khi họ trở về sẽ giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam thông qua Loy & Hongo.

Theo ông Trần Văn Thạnh - phó giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Suleco, trong tháng 8-2012 sẽ có một số kỹ sư và lao động lành nghề trở về từ Nhật do hết hợp đồng. Các lao động này sẽ được Suleco giới thiệu cho các công ty Nhật đang đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An theo một thỏa thuận mà Suleco đã ký với ban quản lý khu công nghiệp từ đầu năm. Trước đó, Suleco cũng đã giới thiệu hơn 20 lao động từ Nhật trở về cho các công ty Nhật tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. “Suleco đang thực hiện việc đào tạo nguồn lao động lành nghề cung cấp cho các công ty Nhật tại Trường trung cấp nghề Suleco ở quận 9, TP.HCM. Mỗi năm chúng tôi đào tạo khoảng 600 lao động, trong đó 30-40% lao động được cung ứng cho các công ty Nhật trong nước, số còn lại phục vụ cho việc xuất khẩu lao động qua Nhật” - ông Thạnh nói.

Mức lương hấp dẫn

Theo Công ty Suleco, các lao động mà họ giới thiệu cho những công ty Nhật tại Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Long Hậu có mức lương dao động từ 600-800 USD/người/tháng. Hầu hết lao động này đều giữ các vị trí như trưởng ca, trưởng kíp và vị trí cao trong các bộ phận kỹ thuật.

Còn ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết nguồn lao động trở về từ Nhật được các công ty Nhật săn đón với mức lương dao động từ 300-500 USD/người/tháng, có những vị trí hưởng lương tới 1.000 USD/tháng. Nguồn lao động được đào tạo trong nước với các vị trí quản lý cấp cao sẽ có mức lương 500-2.000 USD/tháng, lao động phổ thông lành nghề sẽ được trả từ 4,5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng/tháng khi ký hợp đồng. Riêng đơn đặt hàng 500 lao động phổ thông của Hãng máy ảnh Olympus với Công ty Loy & Hongo hứa hẹn tổng thu nhập của người lao động khi ký hợp đồng từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, chưa kể các phúc lợi khác.

Ông Trần Văn Thạnh cho biết Sở LĐ-TB&XH TP.HCM từng khảo sát khoảng 2.000 lao động trở về từ Nhật. Kết quả cho thấy chỉ có khoảng 20% trong số lao động này biết tận dụng kỹ năng và tiền tích lũy khi làm việc ở Nhật, tiếp tục vào làm cho các công ty Nhật tại Việt Nam hay mở công ty kinh doanh; 80% còn lại thất nghiệp. Vì vậy, khi các công ty xuất khẩu lao động biết tận dụng nguồn nhân lực này cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật trong nước, không chỉ giải quyết đầu ra cho nguồn nhân lực mà còn giảm được vấn nạn người lao động trốn lại Nhật khi hết hợp đồng.

Theo Hồ Văn / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.