Nhận hồ sơ xét tuyển sớm
ĐH Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội là trường đầu tiên có thông báo chính thức về thời gian, điều kiện xét tuyển. Ngày 19.7, ngay khi công bố điểm thi, trường cũng đồng thời công khai xét tuyển. Theo đó, cả 6 ngành đào tạo ĐH của trường đều xét tuyển với mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển cũng được bắt đầu từ rất sớm, từ ngày 10.8 và kết thúc đến 17 giờ ngày 30.8. Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết trường sẽ phải xét tuyển 1.000 chỉ tiêu. Để tránh thí sinh ảo, trường chỉ nhận bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi.
Ngày 24.7, trên website Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh cũng thông báo việc xét tuyển đối với 9 ngành đào tạo ĐH và 12 ngành CĐ. Mặc dù trường tổ chức thi nhưng chỉ có hơn 50 thí sinh đạt điểm từ 13 điểm trở lên, trong khi trường có 800 chỉ tiêu ĐH và 650 chỉ tiêu CĐ. Thời gian nhận hồ sơ của trường cũng được nới rộng đến hạn cuối cùng là ngày 30.11.
|
Trường ngoài công lập lo lắng
Ở các trường ngoài công lập, không khí “chạy đua xét tuyển” còn nóng hơn vì dự báo đây là năm mà các trường trong hệ thống này tiếp tục khó khăn về nguồn tuyển. Vì thế, một số trường đã chủ động tổ chức thi nhưng vẫn không tuyển được thí sinh. Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội tổ chức thi năm đầu tiên với 1.000 chỉ tiêu cả 2 bậc học. Trường có 1.309 đăng ký thí sinh dự thi nhưng đến thi chỉ có là 825. Số thí sinh dự kiến có điểm bằng điểm sàn chỉ đạt được 1/3 chỉ tiêu. Do đó, trường đã công bố dự kiến xét tuyển khoảng 500 chỉ tiêu bậc ĐH và 250 CĐ.
Trường ĐH Chu Văn An đã tổ chức thi năm thứ 3 nhưng vẫn khó khăn trong nguồn tuyển. Trường có 1.750 chỉ tiêu tất cả các bậc học. Năm nay trường có 1.353 thí sinh dự thi, nhưng chỉ có 98 thí sinh đăng ký vào trường, còn lại là thi nhờ. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Khảo thí của trường cho biết, điểm thi của thí sinh thấp hơn năm trước. Dự kiến điểm chuẩn vào trường sẽ bằng điểm sàn và trường sẽ phải xét tuyển rất nhiều.
Hầu hết các trường ngoài công lập phải phụ thuộc vào nguồn tuyển bổ sung. Tuy nhiên, khả năng tuyển sẽ khó khăn do tình trạng “thừa trường, thiếu sinh viên”. Lãnh đạo một trường ngoài công lập lo lắng: “Năm nay có nhiều trường ĐH công lập là những trường CĐ mới nâng cấp, tuyển nhiều chỉ tiêu với mức điểm bằng điểm sàn. Vì vậy trường ngoài công lập sẽ khó lòng lấy đủ chỉ tiêu do thí sinh thích vào trường công hơn”.
Từ cuối tháng 6, Trường ĐH Võ Trường Toản (Cần Thơ) thông báo sẽ nhận hồ sơ của thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên cho 1.350 chỉ tiêu bậc ĐH và 800 bậc CĐ. Trường ĐH Thái Bình Dương (Nha Trang), Trường ĐH Phan Thiết cũng thông báo xét tuyển với mức điểm bằng điểm sàn và chia thành nhiều đợt...
Trường tốt cũng phải cạnh tranh
Không chỉ những trường ít thí sinh dự thi mới chạy đua xét tuyển, một số trường ĐH có đông thí sinh dự thi cũng vẫn dành chỉ tiêu xét tuyển số thí sinh có mức điểm cao hơn để đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo ông Trịnh Đình Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trường có 3.100 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên, nhưng trường vẫn sẽ xét tuyển bổ sung để bảo đảm chất lượng đầu vào. Dự kiến trường sẽ dành từ 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bổ sung trong tổng số 2.500 chỉ tiêu để tuyển thí sinh có mức điểm cao hơn.
Trường ĐH Mỏ Địa chất cũng dành hàng trăm chỉ tiêu xét tuyển. Lý giải về quyết định này, PGS-TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Nhà trường phải cân nhắc rất kỹ trong việc đưa ra điểm chuẩn. Không thể cố hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu vì chương trình học kỹ thuật nặng, sức học thí sinh chưa đủ rất khó theo hết bậc ĐH”. Để nhanh chóng kết thúc việc xét tuyển, ông Thắng cũng cho biết sẽ chỉ nhận bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi và đẩy sớm thời gian xét tuyển bổ sung.
“Ngay sau khi công bố điểm chuẩn, trường sẽ thông báo đến các thí sinh có điểm thi cao nhưng không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký những cơ hội xét tuyển vào các ngành khác cùng khối thi, điểm chuẩn thấp hơn và còn chỉ tiêu. Chắc chắn năm nay trường sẽ không xét tuyển bổ sung các ngành: Việt Nam học, khối năng khiếu mà chỉ xét cho ngành: khoa học thư viện, bảo tàng học, văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam và văn hóa học”, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, thông tin.
Xét tuyển 1 đợt PGS - tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: “Dự kiến trường sẽ xét tuyển bổ sung khoảng 1.500 chỉ tiêu, chủ yếu là nhóm ngành cơ khí và nhóm ngành lâm nghiệp. Mức điểm xét tuyển dự kiến bằng điểm sàn của Bộ. Trường chỉ xét tuyển 1 đợt, thời gian nhận hồ sơ từ khi công bố xét tuyển đến hết ngày 15.9”. Cũng theo tiến sĩ Hùng: “Trường chỉ chấp nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, không nhận bản sao nhằm tránh bớt “ảo” và rối trong khâu xét tuyển. Thí sinh cũng được quyền rút và nộp hồ sơ không giới hạn số lần trước khi kết thúc đợt xét tuyển 3 ngày”. Tương tự, thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Trường dự kiến chỉ xét tuyển thêm 1 đợt, thời gian nhận hồ sơ tối đa là ngày 10.9. Đặc biệt, trường chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu đỏ, không nhận bản sao, và vẫn cho phép thí sinh được rút hồ sơ sau khi đã nộp, nhưng sẽ hạn chế số lần rút với quy định thời gian cụ thể”. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dự kiến: “Trường cũng chỉ xét tuyển 1 đợt trong khoảng thời gian từ 25.8 - 10.9. Trường sẽ chấp nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản sao và kiểm chứng khi thí sinh nhập học. Tuy nhiên, trường sẽ không cho phép thí sinh rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển”. |
Vũ Thơ - Hà Ánh
Bình luận (0)