|
Tuần cuối của tháng 7 vừa qua, tại Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM), các chuyên gia về bệnh tim trong và ngoài nước chia sẻ về bệnh tim bẩm sinh và tứ chứng Fallot. Tim bẩm sinh là dị tật rất thường gặp ở trẻ em, có thể dị tật tại vách tim hay van tim và các mạch máu lớn, bệnh thường được phát hiện sau sinh. Đây là dị tật xảy ra trong thời kỳ bào thai, trước khi trẻ được sinh ra.
Tim của trẻ hình thành, phát triển và hoàn chỉnh vào khoảng tuần thứ tám của thai kỳ; và dị tật tim thường xảy ra trong thời gian 8 tuần đầu tiên. Phần lớn các trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không tìm ra nguyên nhân. Một số trường hợp được ghi nhận trẻ mắc phải khi người mẹ bị nhiễm một số bệnh như rubella, do dùng thuốc (3 tháng đầu thai kỳ); một số có tính di truyền... Các trường hợp mắc bệnh từ nhẹ đến nặng.
Theo các bác sĩ, với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần phát hiện và điều trị sớm, để theo dõi chăm sóc, điều trị nội khoa trước và sau khi phẫu thuật sửa chữa các dị tật ở tim. Một số trường hợp bệnh nặng cần phải can thiệp phẫu thuật ngay thì trẻ mới có thể sống. Với những tiến bộ trong phẫu thuật chữa trị bệnh tim, nhiều kỹ thuật được áp dụng, nên việc điều trị bệnh hiện đã dễ hơn nhiều so với trước đây.
Tứ chứng Fallot
Theo các chuyên gia, tứ chứng Fallot cũng là một bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất, mà bệnh nhân có thể sống được đến tuổi trưởng thành. Tứ chứng Fallot chiếm khoảng 3/4 các trường hợp bệnh tim bẩm sinh có tím ở trẻ em trên 1 tuổi.
Gọi là tứ chứng vì có 4 dị tật ở tim gồm: thông liên thất, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất, dày thất phải. Các dị tật đó sẽ làm giảm lượng máu đưa đến phổi và máu bị thiếu ô xy, nên trẻ thường bị tình trạng mệt và bị tím da niêm (một số trường hợp nhẹ có thể không thấy triệu chứng tím).
Biểu hiện thường gặp ở trẻ mắc tứ chứng Fallot là: da, môi, đầu ngón tay, ngón chân bị tím; các đầu ngón tay, ngón chân của trẻ thường to và bè ra; khi chạy nhảy, gắng sức thường bị mệt, khó thở và tím nhiều hơn. Trẻ bị tứ chứng Fallot có thể gặp các biến chứng như: thiếu máu kéo dài, chậm phát triển thể chất, dễ xuất huyết răng lợi, da, tiêu hóa... Những trường hợp nặng, trẻ có thể bị thiếu hụt oxy (thở mạnh và nhanh, bứt rứt), có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Một số trường hợp mắc tứ chứng Fallot, trẻ sống đến 1 tuổi nếu không được phẫu thuật điều trị; số khác có thể sống đến 3 tuổi; một số sống được đến 10 tuổi. Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong phẫu thuật tim, các trường hợp tứ chứng Fallot có thể phẫu thuật chữa trị sớm nhất, khi trẻ còn nhỏ, và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn nhiều so với trước.
Thanh Tùng
Bình luận (0)