Không có những xung đột đầy kịch tính, cũng không nhiều ngôi sao trẻ đẹp, những người mẫu... nhưng Những công dân tập thể vẫn đủ hấp dẫn để khán giả phải ngồi lại trước màn hình VTV1 mỗi tối thứ năm, thứ sáu hằng tuần.
Bi hài cuộc sống tập thể
Sức cuốn hút của bộ phim đến từ những câu chuyện giản dị mà gần gũi, thân thuộc đến độ như đang diễn ra ngay bên cạnh mỗi người. Biên kịch Phạm Ngọc Tiến, Đặng Diệu Hương đã khéo đưa lên màn ảnh những mảnh ghép nhỏ trong cuộc sống của cư dân một khu tập thể tồn tại từ thập niên 1970. Ở đó, có cuộc sống đầy tâm trạng của Dương (Kiều Anh), một cô giáo bên người chồng gia trưởng (Công Dũng đóng), cán bộ tổ chức một trường ĐH. Cô có đứa con trai kháu khỉnh, thông minh, một cậu em đầy cá tính, luôn yêu thương chị hết lòng, một người mẹ hết lòng vì con cháu… Nhưng bên trong hình ảnh đáng được ngưỡng mộ ấy là cuộc sống hoàn toàn khác của Dương. Cô sống trầm lặng và mệt mỏi trước một người chồng thô vụng, luôn mặc cảm, thiếu tự tin với suy nghĩ sống nhờ nhà vợ. Cuộc sống của cô hoàn toàn đảo lộn và gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ khi Kỉnh có bồ và mọi chuyện vỡ lở khi một ngày Dương gặp Kỉnh cùng cô bồ tại khách sạn…
Ở khu tập thể này, còn có những nhân vật mang số phận, hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là vợ chồng bà Lạng (NSƯT Minh Hằng) - ông Cân (NSND Quốc Trị) người bán chân gà nướng, người bán cháo lòng sẵn sàng khẩu chiến vì xích mích nhỏ, sẵn sàng đổ cho vợ có “phi công trẻ” và ly hôn giả hòng được chia thêm căn hộ nữa khi khu tập thể cũ bị phá đi, thay vào đó là một chung cư mới. Cái chao chát của người vợ đanh đá trước ông chồng keo bẩn trong cuộc chiến giành chỗ bán hàng, vốn là sân khu tập thể, quá đặc trưng cho cuộc sống của những khu tập thể Hà Nội. Khán giả không thể không cười khi xem cuộc khẩu chiến giữa vợ chồng Cân – Lạng, hay thú vị khi chứng kiến tình yêu của một cặp đôi xế chiều khác, đó là bác sĩ Nha (NSND Lan Hương) và ông nhà văn Ngô (NSƯT Trung Anh). Vào vai ông Ngô, nghệ sĩ Trung Anh hoàn toàn lột xác, rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh đáng thương của người đàn ông chịu nhiều bi kịch mà anh “chuyên trị” đảm nhận. Chăm sóc cho vai Ngô bằng mái tóc túm lại đằng sau, thậm chí để làm mới nhân vật này, Trung Anh còn nhờ đồng nghiệp trẻ là Trung Hiếu lồng tiếng, cho dù chính anh luôn đi lồng tiếng cho những nhân vật khác. Không chỉ phản ánh đời sống của tầng lớp trung niên, cao niên, Những công dân tập thể còn đi sâu khai thác tâm lý của những thanh niên thế hệ 8X, 9X như Hoàng, Uyên với những suy nghĩ rất báo bạo, thực tế.
Nhận vai không vì cát sê
Biên kịch Đặng Diệu Hương cho biết chị đã lớn lên từ bé trong một khu tập thể cũ cùng người cô nên rất hiểu, rất thấm cuộc sống tập thể. Ngay khi nhà văn – biên kịch Phạm Ngọc Tiến lên đề cương, chị bắt tay vào việc xây dựng kịch bản chi tiết. “Kịch bản chỉ 2 tháng là hoàn thành” - Diệu Hương cho biết. Biên kịch này cũng chia sẻ thêm: “Những khu nhà tập thể đã gắn với người dân Hà Nội, vì vậy nên khi phong trào đập nhà tập thể cũ để xây chung cư mới, chúng tôi quyết định làm phim này. Cảm giác như là tiếc một góc đời sống của người Hà Nội. Nó không đơn giản là chuyển đến một căn hộ mới mà là xóa bỏ một nét văn hóa đặc biệt đã có từ những năm 70 của thế kỷ trước”.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng rất hào hứng khi làm một bộ phim chính luận nhưng cách khai thác lại rất đời thường. Anh cho biết bị hấp dẫn bởi những chi tiết nhỏ nhặt của bộ phim, hấp dẫn bởi những số phận, những tính cách tưởng A lại hóa ra B và muốn đi tìm lời giải, với một xã hội như thế, người ta sẽ gìn giữ hạnh phúc như thế nào? Cùng đi tìm lời giải với Vũ Trường Khoa là dàn diễn gạo cội như NSND Như Quỳnh, NSƯT Trọng Trinh, NSƯT Quốc Trị, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Hiền, Kiều Anh, Bình Trọng, Ngọc Bích...
Có thể nói chính dàn diễn viên này đã góp phần làm nên sự cuốn hút của phim. Tám năm quay trở lại màn ảnh với vai trò diễn viên, Kiều Anh e dè không biết chị có thể hiện tốt vai Dương hay không nhưng cuối cùng vẫn lột tả chất lạnh lùng của người vợ hoàn hảo. NSƯT Minh Hằng yêu nhân vật Lạng của mình tới mức tự làm cho mình một cái độn mông để nhân vật của mình đặc biệt hẳn lên. Tất cả diễn viên đều yêu vai, đều tự đầu tư cho nhân vật của mình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. “Họ không nhận vai để lấy cát sê mà vì quá yêu nhân vật” - biên kịch Đặng Diệu Hương nói trong thích thú.
Theo Hoàng Lan Anh / Người Lao Động
Bình luận (0)