Ngay khi Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố điểm chuẩn dự kiến ngành bác sĩ đa khoa, nhiều thí sinh (TS) và phụ huynh đã tỏ ra bức xúc về việc công bố chỉ tiêu của trường.
Vì sao 600, 300 rồi 400?
Ngày 27.7, khi Trường ĐH Y dược TP.HCM thông tin điểm chuẩn dự kiến một số ngành, trong đó bác sĩ đa khoa là 26,5 điểm, nhiều phụ huynh và thí sinh đã tỏ ra ngỡ ngàng khi đối chiếu điểm chuẩn này với danh sách điểm thi thì chỉ có khoảng 300 TS trúng tuyển. Trong khi chỉ tiêu trường công bố ban đầu cho ngành này là 600.
PGS - tiến sĩ Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, giải thích: “Từ đầu năm 2012 trường đã gửi báo cáo đầy đủ văn bản về phân bổ chỉ tiêu các ngành cụ thể của trường tới Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế; đồng thời trường cũng đã đăng tải thông tin chỉ tiêu từng ngành lên trang thông tin điện tử của trường”. Trước đó, từ thông tin trên website của trường, Thanh Niên đăng tải chỉ tiêu tuyển sinh của trường trên số báo ngày 4.4. Theo đó, riêng ngành bác sĩ đa khoa, trường công bố tuyển 600 chỉ tiêu (300 diện hợp đồng đào tạo, 300 trong ngân sách).
“Tuy nhiên, đến nay nhằm tạo điều kiện cho TS, ngoài 200 cho Tây Nam bộ, trường thống nhất dành 400 còn lại cho diện ngân sách nhà nước. Với thay đổi này, TS dự thi vào trường sẽ có lợi hơn nhiều, bởi nếu chỉ có 300 trong ngân sách thì điểm chuẩn ngành này sẽ không phải 26,5 mà còn cao hơn nữa”, ông Xuân giải thích lý do vì sao từ 300 trong ngân sách nay thành 400.
|
Ông Xuân cho biết thêm: “Trong số 400 diện ngân sách nhà nước sẽ có khoảng 120 chỉ tiêu dành cho diện tuyển thẳng, cử tuyển, sinh viên dân tộc các trường dự bị ĐH tại Nha Trang và TP.HCM. Số còn lại, chỉ những TS đạt 26,5 điểm trở lên mới có khả năng trúng tuyển. Hiện có 286 TS đủ điều kiện này”.
Trao đổi với PV Thanh Niên về việc tại sao trong tài liệu Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 không đăng tải chi tiết về chỉ tiêu đào tạo của Trường ĐH Y dược TP.HCM, GS- TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Năm nay, để tăng quyền chủ động cho các trường, Bộ chỉ cấp tổng chỉ tiêu duy nhất để từ đó trường có quyền phân bố chỉ tiêu vào từng ngành cụ thể. Việc Bộ không đăng tải thông tin chỉ tiêu từng ngành cụ thể của các trường cũng xuất phát từ chủ trương này. Do vậy, cơ sở chính để TS tìm hiểu thông tin là trang thông tin điện tử của các trường”.
Hợp đồng đào tạo hay địa chỉ sử dụng ?
Về diện “đào tạo hợp đồng” tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ chưa nghe báo cáo của trường về nội dung và hình thức triển khai này. Tuy nhiên, có thể đây là cách gọi khác của trường về hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng mà Bộ đang triển khai. Bộ đang xây dựng văn bản về đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ và một số khu công nghiệp trọng điểm. Hiện Bộ đang chờ ý kiến của các ban chỉ đạo để đưa ra phương án cụ thể cho kịp tuyển sinh trong năm nay”. Về kinh phí cho hình thức đào tạo này, ông Ga cho biết: “Sẽ do địa phương thỏa thuận với các trường, tùy theo khả năng của từng địa phương mà mức học phí sẽ khác nhau”. Tuy nhiên, ông Ga nhấn mạnh: “Cái quan trọng ở đây là địa phương phải có hợp đồng rõ ràng với nhà trường về việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng để hình thức này được triển khai đúng và đạt hiệu quả, nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy chế để trục lợi như trước đây”.
Tiến sĩ Xuân cũng nói rõ: “Hợp đồng đào tạo là một cách gọi khác của hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng mà Bộ đang triển khai. Ngay khi gửi văn bản xin chỉ tiêu năm 2012 tới Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, trường đã nêu rõ xin 1.400 chỉ tiêu cho toàn trường cộng thêm 200 cho Tây Nam bộ theo diện hợp đồng. Sau đó, Bộ Y tế đã có công văn đồng ý chấp thuận cho trường 200 Tây Nam bộ. Bộ GD-ĐT chưa có ý kiến gì nhưng vẫn cấp đủ tổng cộng 1.600 chỉ tiêu mà trường xin”.
Vấn đề đặt ra ở đây, không như nhiều trường ĐH khác, mức độ quan tâm của TS với Trường ĐH Y dược TP.HCM hết sức đặc biệt. Vì thế, khi thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh trên website, lãnh đạo trường nên công khai rõ ràng ngay từ đầu, cụ thể số chỉ tiêu trong và ngoài ngân sách, đối tượng xét tuyển và địa phương hợp đồng đào tạo...
Có thể tuyển thêm 100 chỉ tiêu Theo PGS - tiến sĩ Lý Văn Xuân, trường đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về phương thức tuyển 200 hợp đồng đào tạo cho khu vực Tây Nam bộ, đồng thời xem xét công văn của 7 địa phương khác gửi tới xin được đào tạo theo diện hợp đồng giống như Tây Nam bộ. Nếu được Bộ Y tế đồng ý, có thể trường sẽ tuyển thêm 100 chỉ tiêu diện hợp đồng đào tạo cho 7 tỉnh thành khác. Trong tuần tới sẽ công bố cách thức tuyển sinh cho diện đào tạo hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Xuân, TS được tuyển thêm phải có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh thành Tây Nam bộ. Trường không muốn lấy điểm chuẩn quá thấp, trong trường hợp TS có hộ khẩu tại Tây Nam bộ thi vào trường điểm không cao, có thể sẽ lấy thêm TS đã dự thi không trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ nhưng điểm cao. |
Vì sao số tuyển thẳng tăng ? Giải thích việc trường dành chỉ tiêu cho diện tuyển thẳng cao, theo PGS - tiến sĩ Lý Văn Xuân là năm nay, vào ngày 13.4, Bộ đã có văn bản hướng dẫn bổ sung vào danh mục các ngành tuyển thẳng với học sinh đoạt giải môn sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT. Theo đó, TS đoạt giải nhất, nhì, ba môn sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT được tuyển thẳng vào ĐH Y (mọi năm các trường y hầu như không có). Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay tất cả các trường đều phải tiếp nhận TS tuyển thẳng của 62 huyện nghèo theo quy định của Bộ. |
Hà Ánh
>> Điểm chuẩn của ĐH Luật, ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Y dược
>> Trường ĐH Y Dược TP.HCM thay đổi cách phân bổ chỉ tiêu
>> Thủ khoa 30 điểm ở ĐH Y dược TP.HCM
>> Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH Y dược TP.HCM
>> Sau năm 2015, Tây nguyên sẽ có ĐH y dược
Bình luận (0)