>> Chế biến thịt thối bằng hóa chất
>> Tìm cách gỡ khó cho tiểu thương bán lẻ thịt
>> Không được dùng hóa chất để bảo quản thịt tươi sống
Thông tư quy định: “Thịt để trong tủ lạnh dưới 5 độ C phải được sử dụng trước 72 giờ, phụ phẩm thì trước 24 giờ. Không được dùng hóa chất bảo quản. Còn thịt tươi chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ từ khi giết mổ. Thịt bán phải có dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh và giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y…”. Nghe xong vừa sướng tai, vừa sướng miệng. Ai dám bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam quá kém? Còn người dân nghe xong là không nhịn cười được nhưng mà sau đó thì muốn khóc và bảo: “Đó là Những Người Thích Đùa hoặc là NGƯỜI CÕI TRÊN”.
Các nước tiên tiến đều có những quy định nghiêm nghặt mà cụ thể với chức năng và trách nhiệm rõ ràng. Điều quan trọng nhất của nhà nước, cũng là điều quan tâm nhất của người dân là vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Còn ở ta, nhà làm luật hoặc ra nghị định, thông tư cứ như là ngẫu hứng. Nếu Bộ NN - PTNT bỏ hết công việc, chỉ thực hiện Thông tư 33 cũng không tài nào làm xuể. Thật lạ, việc đơn giản không làm, cứ thích vẽ chuyện không tưởng. Cái gốc của vấn đề là quản lý nhà nước từ đầu vào chứ không phải cấm bán thịt mấy giờ. Tôi nhớ, khi báo chí phanh phui nhiều chuyện kinh hoàng của vệ sinh thực phẩm, có quan chức ở Hà Nội đã lạnh lùng đẩy trách nhiệm về phía người tiêu dùng, trong khi đáng lẽ phải kỷ luật cơ quan chức năng. Người dân đã nộp thuế để trả lương cho họ kiểm tra, giám sát. Họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Không chừng sẽ có quy định phạt mấy người bị cướp giật vì nếu không có đồ đạc, tài sản, tư trang thì sẽ không có bọn cướp. Mới đây, báo chí lại phanh phui chuyện ủ giá đậu bằng hóa chất độc hại. Rất ít vụ do cơ quan quản lý phát hiện. Toàn là nhờ báo chí và nạn nhân. Không khéo sắp có Thông tư 34 “Cấm ăn giá đậu và các thực phẩm có hóa chất độc hại”.
Ngẫm ra, ở Việt Nam, ngành nào cũng có Người Cõi Trên, chỉ tội dân đen khốn khổ. Nếu có thời gian, liệt kê mấy ngày chưa xuể. Luật, nghị định, thông tư nào cũng hay, cũng chí lý khi soạn thảo trong phòng lạnh. Nhưng khi ban hành là bất cập vì thiếu biện pháp cụ thể và bước đi thích hợp. Làm gì cũng phải có thời gian chuẩn bị tích cực, thực hiện đầy đủ, xử phạt nghiêm túc. Chứ không thể cảm tính, đùng một cái là có thông tư, chỉ thị mà chẳng ai làm vì có muốn cũng không làm được. Từ giao thông đến y tế, từ giáo dục đến du lịch, từ văn hóa đến kinh tế… Đáng lo hơn, “kiểu thông tư 33” đang có chiều hướng “sinh sản vô tính” trong các bộ, ngành khác. Mong các nhà làm luật ở cõi trên hãy bước xuống trần, hòa với cuộc sống của những người dân bình thường để luật mang hơi thở của cuộc sống và góp phần cho cuộc sống ngày mỗi tốt đẹp hơn.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)