Khuôn viên của trường rộng hơn 10.000 m2, có 3 tòa nhà làm phòng học, thư viện, phòng tin học, một hội trường lớn cũng là nơi ăn trưa của học sinh (HS) bán trú, sân bóng chuyền, bóng rổ.
Trường có lớp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS. Là trường tư thục nên nguồn thu chính là học phí để trả lương các thầy cô giáo. Những chi phí khác chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Hội Việt kiều và tài trợ của một số doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Phần lớn giáo viên của trường là nữ, trong đó 2 cô giáo được Bộ GD-ĐT cử sang làm chuyên gia, cùng 13 cô giáo là Việt kiều dạy môn tiếng Việt.
Hiện nay, HS học xong bậc THCS của trường thường được gia đình gửi về Việt Nam học tiếp THPT. Theo kế hoạch, từ năm học 2013 - 2014 trường sẽ có bậc THPT để thuận tiện hơn cho các em chuẩn bị thi vào ĐH ở Việt Nam.
Theo kết quả năm học 2011 - 2012, có khoảng 20% HS nghe nói đọc viết tiếng Việt tốt (thường là Việt kiều thế hệ thứ 2); khoảng 60% HS Việt kiều thế hệ thứ 3, 4 sử dụng tiếng Việt trung bình, 20% HS Lào biết ít tiếng Việt. Vì vậy nhà trường tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt miễn phí cho HS trung bình và yếu, kể cả HS Lào. Trong những sinh hoạt khác, nhà trường cũng khuyến khích các em sử dụng tiếng Việt.
Vào thăm một lớp mẫu giáo, các cháu đứng dậy khoanh tay và thưa gửi lễ phép: “Chúng con chào các bác các cô chú ạ”. Tôi hỏi các cháu: “Cha mẹ là người Việt hay người Lào, cháu mấy tuổi, có thích đi học không?…”, các cháu đều trả lời được, tiếng Việt non nớt ngọng nghịu. Ở các lớp lớn, các em nói tiếng Việt rành hơn, nhất là những bé gái còn líu lo kể chuyện cho nhau nghe, thậm chí có em nói “đặc giọng” Nghệ Tĩnh, hỏi ra bố mẹ các em là người Nghệ Tĩnh.
Hầu hết các gia đình Việt kiều tại Vientiane hay ở khắp đất nước Lào đều rất chú trọng việc dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ sau. Không chỉ học ở trường do Hội Việt kiều thành lập, tiếng mẹ đẻ còn được truyền dạy bằng hình thức thi văn nghệ, qua việc các bà, các mẹ thi nấu và thuyết minh về món ăn Việt… Các cô giáo khi lên lớp giờ tiếng Việt đều mặc áo dài. Vào những ngày lễ, nhà trường còn đưa HS đến viếng Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam.
Các cô giáo có cách riêng để tiếng Việt phát triển. Cô giáo và mẹ thường xuyên nói tiếng Việt với các bé gái vì các bé này tiếp thu tiếng Việt nhanh hơn bé trai. Ngôn ngữ là phương thức di truyền văn hóa quan trọng nhất. Cho dù ở phương trời nào và trải qua bao nhiêu thời gian, nếu còn những phụ nữ Việt nói tiếng mẹ đẻ với con cháu thì nơi ấy sẽ còn “người Việt”, còn văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Thị Hậu
>> Cô gái Thái muốn dạy tiếng Việt
>> Thí điểm dạy tiếng Việt cho kiều bào tại 6 nước
>> Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng sâu
>> Dạy tiếng Việt trong trường Mỹ
>> Đại học Cần Thơ: Dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều
Bình luận (0)