Giá chợ... ế

13/08/2012 16:09 GMT+7

(TNO) Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên Online, trong những ngày qua, sức mua mặt hàng giá (đỗ) tại nhiều chợ ở TP.HCM như An Đông, Phạm Thế Hiển, Rạch Ong, Nhị Thiên Đường… giảm mạnh đến 40%.

(TNO) Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên Online, trong những ngày qua, sức mua mặt hàng giá (đỗ) tại nhiều chợ ở TP.HCM như An Đông, Phạm Thế Hiển, Rạch Ong, Nhị Thiên Đường, Xóm Cũi… giảm mạnh đến 40%.

Ông Sáu Phước, chuyên bán bún và giá ở chợ Xóm Cũi gần 20 năm qua, cho biết chưa bao giờ sức mua mặt hàng này lại giảm mạnh như những ngày gần đây.

“Kể từ khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Sản xuất giá ăn bằng hóa chất thì sức mua mặt hàng này cứ giảm từng ngày. Rất nhiều người tiêu dùng hỏi mua loại giá không chứa hóa chất, nhưng chúng tôi chưa có số lượng nhiều để cung cấp”, ông Sáu Phước nói.

Tuy vậy, giá hiện vẫn được bán ở mức 9.000 đồng/kg.

Từ đó, thay vì dùng giá, nhiều gia đình chuyển sang dùng rau muống và bắp cải thay thế. Những ngày qua, sức mua của các mặt hàng này cũng tăng.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng cũng nên hết sức cẩn thận khi dùng các loại rau, củ, quả khác thay thế, nhưng tốt nhất vẫn là nên dùng các loại rau, củ, quả được sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.


Sự khác biệt rõ rệt giữa giá được làm bằng hóa chất (phải) và
không hóa chất (trái) - Ảnh: Thanh Thùy

Theo ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp HCACS, mặc dù rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán đắt hơn rau thường từ 10-15% (do chỉ dùng phân vi sinh hữu cơ, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; nếu gần đến ngày thu hoạch mà bị sâu là bỏ chứ không phun thuốc trừ sâu vào để bán…); nhưng bù lại loại rau này đã được sơ chế nên người dùng không phải bỏ nhiều khi ăn, sự hao hụt là rất ít.

Cũng theo ông Hòa, chẳng hạn một bó rau muống nặng 0,5 kg đạt chuẩn VietGAP sẽ có giá đắt hơn rau thường ngoài chợ từ 2.000 đồng - 3.000 đồng nhưng dùng gần hết cả bó rau, chỉ cắt bỏ chút xíu ở gốc, cân đầy đủ, bao bì kỹ lưỡng nên bảo quản được lâu, trong khi đó rau ngoài chợ mua về phải bỏ đi từ 1/4 - 1/3 vì chưa qua sơ chế.

Theo văn bản kèm theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN của Bộ NN-PTNT về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn, VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảm đảm an toàn. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Theo Bộ NN-PTNT, VietGAP cho rau, quả dựa trên cơ sở ASEANGAP, EuREFGAP/GLOBALGAL và FRESHCARE nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau, quả Việt Nam tham gia thị trường khu vực ASEAN và thế giới, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. 

VietGAP áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam.

 

 

 

Cẩm Nhi

>> Sản xuất giá ăn bằng hóa chất - Kỳ 4: Hóa chất chưa được phép sử dụng
>> Sản xuất giá ăn bằng hóa chất - Kỳ 3: Ăn vào ảnh hưởng gan, thận, thần kinh...
>> Sản xuất giá ăn bằng hóa chất - Kỳ 2: Bất chấp sức khỏe người dùng
>> Sản xuất giá ăn bằng hóa chất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.