Năm học mới, giải quyết vấn đề cũ

13/08/2012 03:05 GMT+7

Từ ngày 13.8, học sinh (HS) nhiều tỉnh thành chính thức tựu trường. Năm học này, ngành GD-ĐT tập trung giải quyết những bức xúc dai dẳng từ nhiều năm nay, đó là dạy thêm học thêm tràn lan và nạn lạm thu tiền trường.

Bịt nhiều kẽ hở tiêu cực

Nếu địa phương nào không thực hiện được, Bộ sẽ kiên quyết hạ thi đua !

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VINH HIỂN

Năm học này, thông tư về quản lý dạy thêm học thêm mà Bộ mới ban hành thay thế thông tư cũ đang được xem là “chiếc gậy” để các địa phương xử lý nạn dạy thêm, học thêm tràn lan gây nhiều tiêu cực, bức xúc. Nói về thông tư này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Quy định mới nêu rõ không được dùng bất cứ hình thức nào nhằm ép buộc HS học thêm để thu tiền”. Quy định mới yêu cầu các trường không tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khóa, HS trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau.

Quy định mới nêu rõ không được phép dạy thêm các môn văn hóa với HS bậc tiểu học mà chỉ được dạy thêm các môn năng khiếu (nghệ thuật, thể dục) và kỹ năng sống. Ngoài ra, cũng không cho phép dạy thêm đối với HS được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý giáo viên đó…

Cấm “mượn tay” phụ huynh để thu tiền

Năm nay, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thay thế điều lệ cũ ban hành năm 2008, cũng có nhiều thay đổi quan trọng.

Bộ cho rằng thay đổi như vậy sẽ chấn chỉnh được nạn lạm thu tràn lan như hiện nay. Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết điểm mới nổi bật của điều lệ là không cho phép Ban đại diện thu góp tiền để chi cho nhà trường.

Năm học mới, giải quyết vấn đề cũ
Học sinh lớp 2 Trường Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2012-2013 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đặc biệt, thay đổi lớn nhất trong điều lệ này là Bộ đưa ra điều khoản quy định những việc mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép làm. Chẳng hạn, không được quyên góp của người học hoặc gia đình HS các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Ban đại diện không được dùng kinh phí hoạt động của mình để chi vào các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Không thực hiện được, hạ thi đua !

Xem ra, dù vấn đề cũ nhưng Bộ đã chỉnh sửa chặt chẽ hơn với mong muốn giảm hẳn những tiêu cực diễn ra dai dẳng nhiều năm qua. Thế nhưng, theo lãnh đạo Bộ, việc thực hiện ra sao lại phụ thuộc rất lớn vào mỗi địa phương. Vì vậy, năm học này Bộ yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ đã chính thức yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT của 5 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng - những địa phương thường xảy ra tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan - phải có buổi làm việc, trao đổi nghiêm túc với nhau để chia sẻ kinh nghiệm và tìm giải pháp khắc phục trong năm học này. Nếu địa phương nào không thực hiện được, Bộ sẽ kiên quyết hạ thi đua!”.

Những mục tiêu trọng tâm

Tiếp tục rà soát, đánh giá thường xuyên chương trình, sách giáo khoa, đảm bảo nội dung dạy học đạt yêu cầu cơ bản.

Tiếp tục thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia, dạy học tiếng Anh lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học, triển khai thí điểm dạy tiếng Anh lớp 5, lớp 6 tại các trường có đủ điều kiện.

Tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, triển khai các chương trình, đề án về đổi mới phương pháp dạy học như: mô hình trường tiểu học mới, phương pháp “bàn tay nặn bột”; hướng dẫn và thu hút nhiều học sinh THPT nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ, tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ của học sinh, mở rộng diện học sinh được học 2 buổi/ngày, nhất là ở tiểu học và THCS.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.