>> Xem toàn cảnh buổi trực tuyến
Các chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm:
- Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM
- PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM
- Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen
- Hồ Viễn Phương - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng
- Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà - Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
- Cô Đào Thị Như Mai - quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Bách Việt
Ngoài các thầy cô, chương trình còn có sự tham dự của các em học sinh trường PTTH Nguyễn Trãi, TP.HCM.
Để đáp ứng nhu cầu của thí sinh về thông tin chỉ tiêu cũng như điều kiện xét tuyển từ các trường ĐH, CĐ, Báo Thanh Niên sẽ thực hiện các buổi tư vấn trực tuyến (bằng hình thức truyền hình online) về xét tuyển. Chương trình diễn ra từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 với thời gian cụ thể và nội dung như sau: - Ngày 15.8: Cơ hội cho thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn - Ngày 17.8: Lời khuyên cho thí sinh có điểm thi cao mà chưa trúng tuyển - Ngày 21.8: Bí quyết tăng cơ hội trúng tuyển |
Đúng 14 giờ 30, chương trình tư vấn trực tuyến chính thức bắt đầu.
Theo nhà báo Thùy Ngân, chỉ có khoảng 200.000 trong hơn một triệu lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ trúng tuyển NV1. Hầu hết các trường ĐH đều có nhu cầu xét tuyển thêm với điều kiện xét tuyển, chỉ tiêu và điểm xét tuyển khác nhau. Vì vậy, tìm hiểu kỹ thông tin để ra quyết định đúng là một trong những yếu tố giúp thí sinh có nhiều khả năng trúng tuyển.
Đây là lần đầu tiên Thanh Niên Online tổ chức trực tuyến tư vấn tuyển sinh dưới hình thức truyền hình trực tuyến, cũng như trả lời câu hỏi của độc giả thông qua số điện thoại của chương trình. Do vậy, các TS, các bạn độc giả từ mọi miền đều có thể tham gia buổi tư vấn trực tuyến này.
Trước khi các thầy cô thông báo tình hình xét tuyển NV2 của mỗi trường, anh Võ Ba - Trưởng Ban Thanh niên Giáo dục, Báo Thanh Niên đã gửi đến các thầy cô những bó hoa tươi thắm.
|
Phần lớn câu hỏi của bạn đọc gửi đến chương trình xoay quanh băn khoăn điểm thi bằng điểm sàn (kể cả điểm ưu tiên), TS có bao nhiêu phần trăm thành công khi nộp hồ sơ vào các trường?
Lần lượt các thầy, cô đại diện cho các trường đã trả lời vắn tắt thắc mắc đó của bạn đọc.
Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cho biết trường nhận hồ sơ sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) từ ngày 10.8 -30.11. TS có thể nộp phiếu điểm photo có công chứng để dự tuyển.
Đồng thời, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM sẽ có 8 đợt công bố kết quả trúng tuyển (mỗi tuần 1 đợt). Kết quả xét tuyển NVBS đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 25.8.
Đồng thời, ông Tâm cho biết, trường xét tuyển bằng điểm sàn đối với cả ĐH, CĐ nên cơ hội trúng tuyển của các TS rất cao.
Ông Hồ Viễn Phương - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết NV1 ĐH Lạc Hồng chỉ tuyển 50% chỉ tiêu. Như vậy, còn đến 50% chỉ tiêu trường lấy NV2 và có điểm xét tuyển bằng điểm sàn.
|
Thời gian, xét tuyển đến 30.8 và 5.9 có giấy báo nhập học.
Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết trường tuyển NVBS 15 ngành ĐH và 11 ngành CĐ với 1.600 chỉ tiêu NVBS. Đa phần lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn. Theo kinh nghiệm các năm thì điểm xét tuyển cao hơn điểm của trường 1-2 điểm là trúng 100%.
Trong đó, năm nay, nhiều ngành mới của Trường ĐH Hoa Sen không lấy NV1 nên tất cả các chỉ tiêu đều lấy NVBS. TS có thể tham khảo trên website của trường.
Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cho biết sau khi có kết quả NV1 thì trường còn 1.100 chỉ tiêu NVBS.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là trường đa ngành, mang tính quốc tế, đào tạo nhiều ngành theo tiêu chuẩn quốc tế. Trường chúng tôi cũng căn cứ điểm sàn làm tiêu chuẩn cơ bản để tuyển SV. NV1 của trường đã tuyển 400 SV rồi, phần còn lại khoảng 60% cho NV2, 10% cho NV3.
Trường chúng tôi có nhiều cơ hội cho các em. Nhà trường cũng tăng cường cơ sở vật chất, máy móc. Riêng ngành y, chúng tôi tiến tới xây dựng nhà xác để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập.
Cô Đào Thị Như Mai, quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Bách Việt cho biết trường dành gần 500 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung, trường xác định xét tuyển NV2 với điểm xét tuyển bằng điểm sàn trở lên. Thí sinh nên chọn những ngành kỹ thuật như: tin học ứng dụng, truyền thông, máy tính, thiết kế thời trang thì cơ hội trúng tuyển cao nhất. Trường sẽ báo kết quả trúng tuyển sớm để giảm áp lực chờ đợi cho thí sinh.
|
Một bạn đọc ở Bình Thạnh hỏi: Tôi có cháu thi đại học tại Trường Tài chính Marketing, kết quả khối thi D1 tổng điểm ba môn là 13,5 điểm. Cháu tôi có thể nộp hồ sơ tại trường hay không, cụ thể là hai ngành Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng. Xin trường Kỹ thuật Công nghệ cho biết số điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2 của hai ngành trên trong năm 2011.
Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Số điểm 13,5 điểm của bạn bằng với điểm sàn. Hiện trường chúng tôi có ngành Quản trị kinh doanh bao gồm các chuyên ngành Quản trị ngoại thương, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị dự án, Marketing, Tài chính ngân hàng, Kế toán. Tất cả điều tuyển sinh khối D1.
Cả ngành ngôn ngữ Anh cũng có nhiều cơ hội.
Năm nay trường chúng tôi có chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung đến 90%. Số lượng tuyển bổ sung là 3.500 với bậc ĐH và 2.100 với bậc CĐ.
Trường chúng tôi sẽ bắt đầu nhận hồ sơ vào ngày 10.8 và sẽ công bố kết quả một tuần sau đó. Nên các thí sinh nộp hồ sơ sớm sẽ có nhiều cơ hội.
Về điểm chuẩn năm 2011 của hai ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng thì năm ngoái trường chúng tôi tuyển bằng điểm sàn năm ngoái là 13 điểm.
Câu hỏi của một thí sinh ở Cà Mau: Em thi khối A được 13,5 (kể cả điểm ưu tiên), nguyện vọng là ngành Điện, điện tử. Vậy với số điểm đó, cơ hội của em với khối trường ngoài công lập như thế nào?
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Trường ĐH Lạc Hồng có ngành này, do vậy, bạn có thể liên hệ với trường để biết thêm chi tiết. Ngoài ra, trường xét tuyển khối A và A1 với số điểm bằng điểm sàn nên cơ hội của bạn là khá cao.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, ngành điện tử của trường đòi hỏi tính thực tế rất cao, các sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận với các công ty. Với số điểm 13,5 của bạn, chắc chắn bạn sẽ được vào ĐH Hồng Bàng.
|
Thêm một câu hỏi của thí sinh ở Q.Tân Phú, TP.HCM gửi đến chương trình: "Em thi khối D1 trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại được 16 điểm. Vậy em muốn xét tuyển vào hệ cao đẳng hoặc trường cao đẳng có ngành đào tạo liên quan đến khối D1 được không?".
Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, trả lời: Rất tiếc là trong các năm qua trường chúng tôi không xét tuyển cao đẳng từ TS thi đề riêng của kỳ thi cao đẳng, mà chỉ xét tuyển cho TS thi đề thi chung NV1, NV2.
Tham gia trả lời cho câu hỏi này, cô Đào Thị Như Mai - quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Bách Việt cho biết: TS này có thể lấy điểm cao đẳng đến trường để xét tuyển vào 1 trong những ngành như thiết kế, kế toán, quản trị kinh doanh, thư ký văn phòng, truyền thông và mạng máy tính...
Trường chúng tôi cũng chấp nhận xét tuyển NVBS khối D1, nếu TS đăng ký sớm sẽ báo kết quả sớm.
Một bạn đọc gửi câu hỏi đến chương trình cho biết thi khối A đạt 15 điểm và khối D1 đạt 16 điểm và rất muốn học những ngành liên quan điện tử truyền thông thiết kế ở khối A và ngành kinh doanh tài hcính ở khối D1.
Với câu hỏi này, đại diện các trường Hoa Sen, Kỹ thuật công nghệ, Lạc Hồng, Kinh tế tài chính có các ngành phù hợp với nguyện vọng của thí sinh cùng khẳng định: Với điểm số trên thì cơ hội trúng xét tuyển của thi sinh là rất lớn. Và điều quan trọng là thí sinh cần chọn trường nào phù hợp với nguyện vọng và trường nào có cơ hội việc làm lớn khi tốt nghiệp.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: Em thi khối D1, thuộc khu vực 3 được 16 điểm. Hiện em chưa trúng tuyển, vậy em muốn hỏi nhà trường xem có ngành gì liên quan đến môn tiếng Anh để khi ra trường có thể làm lương cao và đúng ngành?
Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà - Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Trường Quốc tế Sài Gòn hiện có chương trình giảng dạy tiếng Anh. Với số điểm của em thì cơ hội trúng tuyển rất cao.
|
Với ngành này, có thể học hai năm tại trường và hai năm sau học chuyển tiếp tại đại học ở Hoa Kỳ. Hoặc có thể chọn học bốn năm tại trường Quốc tế Sài Gòn.
Với ngành tiếng Anh, ngoài điểm sàn thì còn có yêu cầu điểm TOEFL 500 IELTS 5.5 trở lên.
Bạn Mỹ Trâm (Trường Nguyễn Trãi) đặt câu hỏi tại hội trường: Em thi ĐH khối B được 12 điểm, muốn xét tuyển vào trường CĐ Bách Việt, có được không?
Cô Đào Thị Như Mai - quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Bách Việt cho biết, với ngành điều dưỡng, trường có dành chỉ tiêu xét tuyển cho ngành này. Ngoài ra, trường cũng có liên kết với trường khác để liên thông ngành này. Do vậy, em cần nộp hồ sơ xét tuyển sớm để có thêm nhiều cơ hội.
Tiếp theo là phần tư vấn của thầy cô dành cho TS có kết quả thi ĐH-CĐ dưới điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nếu TS có kết quả thi ĐH dưới điểm sàn ĐH nhưng trên điểm sàn CĐ thì có thể đăng ký xét tuyển vào hệ CĐ của trường.
Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM xét tuyển bậc CĐ cho tất cả các ngành với mức điểm bằng điểm sàn.
Đồng thời, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM còn xét tuyển bậc trung học chuyên nghiệp hệ chính quy, có nhiều đợt trong năm (gần nhất là ngày 30.8 có một đợt). Với hệ trung cấp trường chỉ xét tuyển TS tốt nghiệp THPT chứ không cần kết quả thi ĐH-CĐ. Đây là cơ hội cho TS có kết quả thi dưới cả điểm sàn CĐ.
|
Trả lời thêm về thắc mắc có chương trình đào tạo nào cho TS thi dưới điểm sàn hay không, Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen giải đáp: Trường vẫn có tuyển NVBS vào hệ cao đẳng, cụ thể trong khối C trường có tuyển ngành quản trị văn phòng.
Ngoài ra, trường có tuyển ngành kỹ thuật viên cao cấp, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ nhận bằng hợp tác của Hoa Sen và đại diện đối tác của Pháp. Chương trình này được Bộ GD-ĐT công nhận tương đương với hệ trung cấp.
Thư ký y khoa cũng là ngành rất dễ tìm việc làm. Đây là ngành SV làm việc trong phòng khám, công tác hành chính về y vụ, cơ hội nghề nghiệp tất cả các năm đều đạt 100%.
Ngoài ra, nếu có khả năng tiếng Anh thì các em có thể tham gia các chương trình của trường Hoa Sen liên kết với Manchester của Anh Quốc, liên quan đến ngành kinh doanh tài chính, kế toán, marketing, đồ họa...
Để tham gia vào các chương trình này, TS cần phải có trình độ tiếng Anh tốt, nếu chưa có thì luyện thi ở trường.
Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cho biết, với thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn ĐH nhưng cao hơn điểm sàn CĐ thì có thể tuyển nguyện vọng bổ sung vào các ngành CĐ như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, mạng máy tính... Khi tốt nghiệp CĐ, các thí sinh có thể liên thông lên đại học.
|
Ngoài ra, trường còn có chương trình đào tạo liên kết với Mỹ đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông đạt yêu cầu về tiếng Anh.
Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà - Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Hiện nay Trường Quốc tế Sài Gòn có xét tuyển chương trình cao đẳng, các thí sinh dưới điểm sàn có thể nộp đơn xét tuyển hệ cao đẳng. Ngoài ra, trường còn có chương trình chuyển tiếp du học, thí sinh không cần phải có điểm thi đại học, chỉ cần nộp học bạ và bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.
Yêu cầu là học sinh phải có điểm TOEFL 500 IELTS 5.5 trở lên. Nếu thí sinh chưa có các điểm này thì có thể tham dự kỳ thi tại trường hoặc nếu chưa đủ khả năng thì có thể tham dự lớp học tại trường.
Bạn Hoàng Phi tại hội trường đặt câu hỏi: Thi khối A được 13 điểm, đang phân vân xét tuyển vào khối ngành kinh tế (Quản trị kinh doanh) hay kỹ thuật (Điện, điện tử) để có nhiều cơ hội trúng tuyển.
Nhà báo Thùy Ngân giải thích thêm, nãy giờ các thầy cô đều cho biết nếu em thi khối A với số điểm đó thì có rất nhiều cơ hội để trúng tuyển. Em nên cân nhắc kỹ hoặc để đại diện các trường tại đây tư vấn thêm cho em.
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng nói thêm, để chọn ngành em nên căn cứ vào ba yếu tố: sở thích, sở trường và sở làm. Do vậy, em có thể cân nhắc lại, sau đó chọn được ngành rồi hãy chọn trường để nộp đơn xét tuyển. Nếu khối ngành kinh tế thì xét tuyển cả ba khối thi là: A, A1 và D1 trong khi khối kỹ thuật chỉ xét tuyển A, A1.
Nhắc lại câu hỏi của nhà báo Thùy Ngân khi nãy, nếu các bạn có điểm dưới điểm sàn vẫn có thể tham gia xét tuyển vào hệ CĐ. Tại trường Lạc Hồng, trong 1.200 chỉ tiêu xét tuyển, 800 chỉ tiêu cho ĐH và 400 cho CĐ. Trong hệ CĐ này, các trường đều có hệ cao đẳng thực hành. Trường Lạc Hồng có 7 ngành đào tạo hệ này, thời gian đào tạo là 2,5 năm. Sau khi học xong, các bạn có thể học liên thông để có bằng ĐH chính quy.
Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đề nghị bạn Phi đến Ban tư vấn của Trường ĐH Kinh tế tài chính làm bài test để xem em có khả năng và thiên hướng vào ngành nào để từ đó đưa ra quyết định.
Tham gia chương trình, nhiều TS đặt câu hỏi liên quan đến cơ hội xét tuyển khối B. Cụ thể, một TS thắc mắc: Thi ĐH khối B, đạt 14 điểm thì có cơ hội xét tuyển NV2 vào những trường, ngành nào?
Một TS lo lắng: "Em đang chờ NV2 ở một số trường và rất muốn học ngành công nghệ thực phẩm. Em thi ĐH khối B được 15 điểm. Vậy em có thể học trường nào?".
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tư vấn cho TS có thể vào ngành Khoa học môi trường của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Trong đó có phân ngành công nghệ thực phẩm (như TS mong muốn), ngành điều dưỡng, môi trường, công nghệ spa. Đặc biệt, theo ông Hùng, học ngành điều dưỡng của trường, học viên có nhiều cơ hội đi học liên kết ở nước ngoài và ra trường có mức lương không thấp.
|
Liên quan đến khối B, Cô Đào Thị Như Mai - quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Bách Việt cho biết trường xét tuyển 2 ngành là công nghệ thực phẩm và ngành y (gồm điều dưỡng và dược sĩ).
Với ngành công nghệ thực phẩm, trường có dành một ít chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho TS có phiếu điểm bằng điểm sàn trở lên, không nhân hệ số.
Ngành này đào tạo kỹ thuật sản xuất chế biến thực phẩm, cơ hội làm việc luôn cao.
Ngành thứ hai là ngành y, gồm điều dưỡng và dược sĩ. Hiện tại có nhiều bệnh viện mà trường hợp tác. Nhà trường hằng năm cũng thường xuyên đưa sinh viên đi thực hành, phía nhà trường cũng đầu tư lớn chi phí đào tạo cho hai ngành này, sinh viên học ngành này được ưu tiên cao.
Số điểm từ điểm sàn cao đẳng trở lên có cơ hội tốt vào ngành này.
Liên hệ trực tiếp trường hoặc website của trường CĐ Bách Việt để tìm hiểu.
* Đại diện trường Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết với khối B, trường có các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kỹ thuật môi trường. Điểm trúng tuyển với khối này năm 2011 là bằng điểm sàn nên năm nay nếu thí sinh từ điểm sàn trở lên thì nhiều cơ hội trúng xét tuyển.
Từ ngày 10.8, trường đã nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nên với 14 điểm đạt được như bạn đọc hỏi thì nên nhanh chóng nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điển để có cơ hội trúng tuyển vào trường.
* Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen: Trường Hoa Sen có tuyển khối B ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường. Chuyên ngành của ngành này là Quản lý Công nghệ Môi trường, trang bị kiến thức ở hai mảng công nghệ, khoa học môi trường và quản lý.
|
Ngành Công nghệ Môi trường có thể làm được rất nhiều việc. Người tốt nghiệp có thể tham gia các dự án đánh giá tác động môi trường, tại các khu công nghiệp, hoạt động trong các dự án ở cả lĩnh vực tư nhân và nhà nước.
Năm nay trường tuyển 60 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Với điểm xét tuyển là 14 điểm, bằng điểm sàn.
Trong hai năm qua, các thí sinh có điểm bằng điểm sàn đều có khả năng trúng tuyển.
* Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng cho biết, trường có 4 ngành để xét tuyển khối B trong đó đa số là các ngành Hóa, chỉ tiêu mỗi ngành là 40, do vậy vẫn còn cơ hội cho các bạn.
Với bạn 14 điểm thì nên sớm sớm nộp hồ sơ để có hy vọng. Còn bạn đạt 15,5 thì có thể thông thả chọn ngành, chọn trường rồi hãy nộp hồ sơ.
Một bạn đọc ở Vũng Tàu đặt hỏi: Em thi vào ĐH Kinh tế TP.HCM, đạt 15,5 điểm (không trúng tuyển NV1). Vậy với mức điểm trên, em có thể trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM được không? Và có học bổng không?
Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, trả lời bạn đọc: Em có thể nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM và với mức điểm trên thì khả năng trúng tuyển của em rất cao. Tuy nhiên, rất tiếc là với mức điểm của em thì không đủ để có học bổng.
* Một bạn đọc ở Long Thành (Đồng Nai) đặt câu hỏi cho đại diện trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Điểm nhân đôi hệ số 2 của em là 19,75 điểm, nếu vào học chuyên ngành tiếng Anh của trường thì điều kiện nộp hồ sơ như thế nào cho dễ trúng tuyển và cơ hội học bổng ra sao?
Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà - Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn giải đáp: Điểm của bạn có cơ hội trúng tuyển vào trường rất cao. Về học bổng thì trường có nhiều suất học bổng nếu nộp hồ sơ xét tuyển sớm, cụ thể là vào 20.8 thì giảm 10%, vào ngày 10.10 thì giảm 5%;
Ngoài ra, còn có học bổng 40 triệu cho TS có chứng chỉ IELTS 6.0, hoặc điểm thi ĐH 26 điểm trở lên hay TS có thành tích cao trong ngành văn hóa, thể thao, nghệ thuật...
* Một bạn đọc từ Sóc Trăng cho biết, đã thi khối D1 đạt 17,5 điểm và trúng tuyển NV1 Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, tuy nhiên muốn chuyển xét tuyển NV2 của trường khác, vậy có được hay không?
Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết, theo quy chế thì trường đã gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh và thí sinh không có giấy xét tuyển nên sẽ không có cơ hội xét tuyển trường khác. Tuy nhiên, trường có thể xét cho thí sinh chuyển ngành nghề của trường của khối D1.
* Bạn đọc ở TP.Đà Lạt: Em muốn xét tuyển nguyện vọng hai ngành điện dân dụng, nhưng chỉ thấy mã ngành điện - điện tử mà không có điện dân dụng.
Hồ Viễn Phương - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Theo công bố danh mục mã ngành của Bộ Giáo dục thì chỉ có mã ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - điện tử mà không có ngành điện dân dụng.
Trong ngành Điện - điện tử thì ở phần điện sinh viên được đào tạo các phần kiến thức cơ bản và nâng cao như là động cơ, máy phát điện, truyền dẫn điện, chiếu sáng...
Ở phần điện tử, sinh viên được học các kiến thức về điện tử như cách thức vận hành của máy tính, linh kiện điện tử...
Như vậy, thí sinh có thể có tay nghề cao, cơ hội tìm việc cao hơn, có tầm cao hơn, có thể làm việc cho nhiều công ty nước ngoài.
Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết ngành điện dân dụng thì lâu nay tại trường đã không còn đào tạo. Tuy nhiên, trong giáo trình đào tạo các ngành điện, điện tử đều có đào tạo qua về điện dân dụng.
Theo thầy Tâm thì rõ ràng, cơ hội việc làm của các ngành điện công nghiệp hay điện tử thì cao hơn điện dân dụng, cho nên các em có thể cân nhắc, xem xét.
Một bạn đọc đặt câu hỏi qua điện thoại với nội dung: Con tôi thi được 12,5 điểm khối A, đến Trường ĐH Hoa Sen đăng ký xét tuyển NV2. Tuy nhiên, trường nói nói qua Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM. Qua Văn phòng Bộ GD-ĐT thì nói chưa có và chỉ về trường? Vậy tôi có thể nộp đăng ký xét tuyển NV2 trực tiếp tại ĐH Hoa Sen được không?
Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết với 12,5 điểm khối A, TS rất rộng đường để vào 11 ngành nghề CĐ của ĐH Hoa Sen có xét tuyển NVBS. Khi nhận được phiếu báo điểm, TS có thể đến ĐH Hoa Sen để nộp đăng ký NVBS.
Nhà báo Thùy Ngân đề cập sang một vấn đề khác cũng được rất nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm. Đó là vấn đề học phí và bằng cấp ở các trường ngoài công lập.
Theo đó, các trường ngoài công lập thường có học phí rất cao, trong khi đó các trường công lập lại có học phí thấp hơn nhưng đem lại cảm giác an toàn hơn cho SV về vấn đề đầu ra và việc làm sau tốt nghiệp.
"Vậy các trường ngoài công lập lý giải như thế nào về câu chuyện học phí cao và các trường có hỗ trợ gì cho sinh viên? Đồng thời bằng cấp của các trường ngoài công lập liệu có đủ làm cho SV an tâm để tìm việc sau này?", nhà báo Thùy Ngân đưa ra câu hỏi cho các trường tham gia chương trình.
Mở đầu cho phần giải đáp những băn khoăn này, tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, phát biểu: Về học phí thì trường chúng tôi cũng không phải ở mức cao, mà chỉ ở mức vừa, trung bình dao động từ 6,5 triệu đến 8 triệu đồng/học kỳ tùy ngành nghề.
Riêng mức tín chỉ là 480.000 đồng/tín chỉ/ĐH, 430.000 đồng/tín chỉ/CĐ. Ngoài ra, nhà trường không thu thêm bất cứ phí phụ thu nào, mà còn được tặng đồng phục, dụng cụ thể dục thể thao, dịch vụ internet... Kể cả lễ tốt nghiệp, lễ phục đều được miễn phí cả.
Về bằng cấp, các trường ngoài công lập thì cũng thuộc hệ thống của Bộ GD-ĐT, có văn bằng của quốc gia, theo mẫu của Bộ. Trường chúng tôi đã có lứa SV ra trường đầu tiên khóa 2000. Theo khảo sát, tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường rất cao, khoảng 95% có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Năm nào trường cũng khảo sát vấn đề việc làm.
* Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Trường có nhiều ưu đãi về học phí và các chính sách hỗ trợ, nếu thí sinh xét tuyển từ 22 điểm trở lên sẽ được miễn học phí năm đầu và trong năm học đạt kết quả tốt sẽ được nhiều chế độ học bổng khác. Học phí của trường là 10 triệu một năm, là nằm ở mức trung bình so với mặt bằng ĐH tư thục khác nên sinh viên không quá khó khăn đối với vấn đề học phí.
Ngoài ra, trường có các chính sách xác nhận cho sinh viên để được vay vốn học tập, có ký túc xá cho sinh viên.
Về vấn đề bằng cấp thì trường đào tạo từ 4 đến 4 năm rưỡi, trong đó có 6 tháng trực tiếp thực tập tại các doanh nghiệp, trong đó có 4 tháng sinh viên được trả lương, nên cơ hội việc làm cho sinh viên là rất cao do được trang bị nhiều kỹ năng và kinh nghiệm việc làm.
Theo thống kê thì có đến 98% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc ở các doanh nghiệp thực tập, số còn lại thì chuyển công ty hoặc liên thông cao học... Như vậy với học phí trung bình cùng sự thu hút cao các doanh nghiệp đến trực tiếp tuyển người thì một trường ở tỉnh và mới thành lập 15 năm nay, Lạc Hồng thực sự là nơi đáng tin cậy cho sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
* Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cho biết, học phí của trường theo hệ thống tín chỉ với chi phí là 2,41 triệu đồng/tín chỉ. Mỗi lớp có từ 20-40 SV và có giáo viên nước ngoài đứng lớp. Có phòng quan hệ doanh nghiệp để luôn chăm lo cho sinh viên trong các kỳ kiến tập, thực tập.
Học bổng của trường có mức từ 30-360 triệu đồng cho cả bốn năm đào tạo tại trường.
* Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen: Học phí các trường ngoài công lập đều cao vì ít được sự hỗ trợ của nhà nước.
Tuy nhiên, trường có các chính sách hỗ trợ về tài chính cho những sinh viên đã chọn trường. Các trường ngoài công lập đều chú trọng nâng cao, đảm bảo chất lượng đào tạo. Bình quân học phí của trường Hoa Sen là 3,3 đến 3,8 triệu/tháng, hệ cao đẳng là 3,1 đến 3,3 triệu/tháng.
Về chất lượng đào tạo, SV càng ngày càng được thụ hưởng môi trường học tập năng động, trải nghiệm thực tế thông qua các cuộc giao lưu. Hiện trường chuẩn bị thí điểm học tập, giao lưu ở nước ngoài.
Về vấn đề việc làm, đây là một tiêu chí phản ánh chất lượng đào tạo. Tại trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm trên 90%.
Có ngành các sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhận bằng.
Theo thống kê mới nhất của trường, bình quân hiện nay 90% sinh viên tốt nghiệp có mức lương 5 triệu. Trong đó, bình quân 55% có lương 5 triệu, 20% có lương 7 triệu và 15% có lương khởi điểm là 8 triệu trở lên.
Có ngành có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ngay khi nhận bằng tốt nghiệp.
Đối với hệ cao đẳng, có 50% sinh viên có lương trên 5 triệu, và bình quân là 4 triệu trở lên. Điều này phản ánh một phần sự chấp nhận xã hội đối với chất lượng đào tạo của trường.
* Cũng cùng nội dung về học phí các trường ngoài công lập, thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà - Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn bổ sung: Học phí ĐH Quốc tế Sài Gòn từ 41,7 - 48 triệu đồng/năm cho các ngành tiếng Anh, và cao hơn ở các ngành khác. Trường có hỗ trợ tiếng Anh kỹ năng, tin học kỹ năng, đào tạo từ sơ cấp đến trình độ chứng chỉ Toefl 500, cũng như các kỹ năng văn phòng khác.
Môi trường học ở trường chúng tôi là môi trường quốc tế, lớp học phân bổ nhỏ, giúp tương tác tốt với giảng viên, được đào tạo tiếp cận nhà doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội... để thực tập thực tế.
Với những điều kiện trên, sinh viên tốt nghiệp trường chúng tôi sẽ có chuyên môn vững, kỹ năng tốt.
* Cô Đào Thị Như Mai, quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Bách Việt: Trường có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên. Với các sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập sẽ được hưởng chế độ học bổng hằng năm. Thí sinh dự thi tại trường từ 24 điểm trở lên cũng được nhiều ưu đãi. Trường cũng tạo mọi điều kiện cho sinh viên vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, trường có trên 500 mối quan hệ doanh nghiệp để huy động học bổng cho sinh viên.
Về bằng cấp, là trường ngoài công lập, trường theo sát chương trình khung của Bộ GD-ĐT như các trường công lập. Trường thực hiện đúng các quy định của Bộ và bằng cấp cũng theo phôi bằng của Bộ cấp. Sinh viên tốt nghiệp trường cũng được liên thông ĐH. Vì vậy nên phụ huynh, hoc sinh có thể yên tâm đối với bằng cấp của trường.
Các khách mời chia sẻ về những ngành nghề thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển nhiều nhất:
* Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Từng tham gia công tác tuyển sinh nhiều năm, tôi thấy tất cả các ngành có thi tuyển, xét tuyển ở trường đều tuyển đủ chỉ tiêu. Một số ngành kinh tế thường có đông sinh viên hơn.
Đặc biệt, năm nay Bộ cho phép xét tuyển trong thời hạn dài. Các ngành trong trường đều có cơ hội trúng tuyển cao. Thí sinh đạt được điểm sàn có thể tham khảo chi tiết về thủ tục, thời gian... trên website của trường.
Năm nay, trường tuyển nhiều nguyện vọng bổ sung. Như đã nói, bậc đại học có 3.500 chỉ tiêu và cao đẳng là 2.100 chỉ tiêu.
Trường cũng không quy định chỉ tiêu từng ngành, nghề nên nếu muốn trúng tuyển các thí sinh cứ nộp hồ sơ sớm thì cơ hội trúng tuyển càng cao.
* Thạc sĩ Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cho biết: Trường chúng tôi có gần 1.000 chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung, chia đều cho các ngành. Các em có thể cân nhắc dựa trên khả năng của mình, dựa trên sở thích của mình để chọn ngành phù hợp.
"Nếu TS nộp hồ sơ xét nguyện vọng bổ sung có điểm sàn ĐH trở lên thì gần như chắc chắn", thạc sĩ Lê Quốc Thắng khẳng định.
* Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng cho biết mùa tuyển sinh này trường còn 1.200 chỉ tiêu chia đều cho các ngành do vậy cơ hội trúng tuyển vẫn còn cho các bạn thí sinh. Thầy Phương nhắn nhủ để gia tăng cơ hội trúng tuyển thì các bạn nên nhanh chân nộp hồ sơ từ đây đến 30.8.2012.
* Thạc sĩ Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, lưu ý TS: ĐH Hoa sen có tuyển NVBS ở cả bậc ĐH và CĐ nên cơ hội trúng tuyển rất lớn. Đặc biệt, trường có các ngành mới tất cả các chỉ tiêu đều tuyển NVBS như: hệ thống thông tin quản lý; kinh doanh quốc tế; quản trị công nghệ truyền thông. Nếu TS có NV đăng ký vào ĐH Hoa Sen có thể tham dự ngày hội tư vấn tại trường vào ngày 18, 19.8 để được tư vấn cụ thể hơn.
* PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dành 3.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trường có rất nhiều ngành nghề tuyển sinh đa dạng như: quản trị kinh doanh, ngân hàng, du lịch, kiến trúc, kỹ thuật công nghiệp, công nghệ giải trí, y, xây dựng, quản lý đô thị, công nghệ spa, thể dục thể thao...
Trong đó, có một số ngành trường đầu tiên mở trong cả nước và đã gặt hái nhiều thành công với những cá nhân đạt được các thành tích nổi bật.
* Cô Đào Thị Như Mai - quyền Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường CĐ Bách Việt: Năm nay trường Cao đẳng Bách Việt có 500 chỉ tiêu xét tuyển. Thông tin về các ngành nghề đều được đăng tải trên website của trường.
Lời khuyên của tôi dành cho các em là con đường học hành của các em vẫn rất rộng mở. Tùy theo năng lực và điểm số, các em có thể xét tuyển vào hệ đại học hoặc cao đẳng.
Nếu có điểm sàn thấp hơn điểm xét tuyển cao đẳng thì có thể nộp đơn học trung cấp chuyên nghiệp. Sau hai năm có thể liên thông lên cao đẳng rồi đến đại học.
Tôi muốn mượn câu nói của một người nào đó để chia sẻ với các em là: "Chúng ta thật sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng".
* Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà - Giám đốc hệ thống chương trình Việt Nam Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chia sẻ trường có 3 chương trình giảng dạy: Anh, Việt, chuyển tiếp Hoa Kỳ với nhiều ngành nghề.
Nếu không đạt điểm sàn ĐH, CĐ thì vẫn có thể tham gia học chương trình chuyển tiếp Hoa Kỳ. Cô Hà hy vọng các em có thể sớm nhanh chóng lựa chọn và nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Đó cũng là chia sẻ cuối cùng tại buổi tư vấn trực tuyến chiều nay. Buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo (có truyền hình online) sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ 30 ngày 17.8.2012.
Thanh Niên Online
(thực hiện)
Bình luận (0)