Đi tìm ánh sáng - Kỳ 4: Người thầy đặc biệt

14/08/2012 09:14 GMT+7

Bị mù từ lúc lên mười nhưng Nguyễn Phước Thiện (sinh năm 1973) lại nói: “Tôi là người may mắn”. Điều gì ẩn phía sau tâm sự của một trong những người khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp khoa tiếng Anh ĐH Sư phạm TP.HCM...

Lớp học trực tuyến

Căn phòng nhỏ ở tầng hai chung cư Nguyễn Thiện Thuật (P.1, Q.3, TP.HCM) được trang bị hệt như phòng thu âm. Người thầy khiếm thị ngồi góc trong cùng luôn tay gõ phím để chuyển tải bài giảng lên màn hình máy tính. Trước mặt anh là hai chiếc điện thoại đang trong trạng thái hoạt động, được mở loa ngoài để mọi người trong phòng cùng nghe. Thỉnh thoảng thầy giáo lại nhìn thẳng vào hai webcam trước mặt để giảng giải cho những học viên đang theo dõi qua Internet. “Ngoài những người có mặt tại đây, lớp học còn có nhiều học viên trực tuyến là người VN đang tu học ở tận Ấn Độ, Nepal (học qua webcam) và hai nông dân quê ở miền Tây Nam bộ (học qua điện thoại)” - thầy Nguyễn Phước Thiện cho biết.

Thật ra, Nguyễn Phước Thiện đã trở thành một trong những người khiếm thị đầu tiên dạy tiếng Anh cho người sáng mắt cách đây hơn 25 năm khi anh mới 16 tuổi. Dạo đó Thiện đang là học sinh lớp 11. Ngoài giờ đi học ở trường phổ thông, anh tranh thủ đến trung tâm ngoại ngữ luyện thi lấy bằng C tiếng Anh. Thấy người bạn mù lòa nhưng trình độ tiếng Anh vượt trội, các bạn cùng lớp thường nhờ anh chỉ bài. Hỏi gì Thiện cũng biết, mà cách giảng giải của anh cũng rất tận tình, dễ hiểu nên có người đề nghị: “Hay là Thiện mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà đi, tụi mình qua đó học cho tiện”. Thế là anh học trò mù Nguyễn Phước Thiện trở thành thầy giáo tiếng Anh từ đó.

Người thầy đặc biệt
Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện (thứ ba từ trái) dạy tiếng Anh cho người sáng mắt - Ảnh: Tấn Đức 

Rồi người nọ giới thiệu người kia, số học viên tới lớp học của thầy Thiện ngày càng nhiều. Dạo đó tài liệu học tiếng Anh dành cho người khiếm thị rất hiếm. Để tự trang bị khả năng nghe, nói cho mình cũng như các kiến thức cần thiết phục vụ soạn giáo trình giảng dạy cho người sáng mắt, Thiện phải dành gần như cả ngày đêm “rà” hơn 700 kênh của hàng chục đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước có dạy tiếng Anh để nắm lịch phát sóng, nghe và ghi âm lại các bài giảng, các bản tin bằng tiếng Anh. Khi số học viên càng đông, nhu cầu học ngày một nâng cao thì trình độ tiếng Anh của Thiện cũng tiến bộ vượt bậc. Bởi như anh tâm sự: “Dạy thật ra cũng là học. Để có bài giảng hay, đáp ứng yêu cầu của nhiều thành phần, nhiều trình độ học viên, tôi phải tranh thủ tìm tài liệu mọi lúc mọi nơi để nâng trình độ ngoại ngữ của mình lên”.

 

"Từ một đứa trẻ không may bị mù lòa, Thiện đã nỗ lực rất nhiều để sống vui, sống đẹp, làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Kiến thức mà Thiện tiếp thu được từ nhà trường và xã hội, đặc biệt là trình độ tiếng Anh, là đôi mắt thứ hai giúp Thiện có được những thành công đó"

Bà Nguyễn Thị Dần
(hàng xóm lâu năm và cũng là tổ trưởng tổ 17, khu phố 2, P.1, Q.3, TP.HCM nơi anh Thiện cư ngụ, nhận xét)

Sau khi tốt nghiệp THPT (năm 1989), Thiện đã mạnh dạn thi và đỗ vào khoa tiếng Anh ĐH Sư phạm TP.HCM. Bốn năm sau anh trở thành một trong những sinh viên khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc tại trường đại học này. Đây cũng là thời điểm công nghệ thông tin bắt đầu bùng nổ tại VN. Với lợi thế thông thạo tiếng Anh, Thiện đã nhanh chóng làm quen với bàn phím máy tính và các chương trình hỗ trợ đọc màn hình dành cho người khiếm thị. Tiếng Anh, sóng phát thanh và Internet là ba “bửu bối” mở toang cánh cửa giao tiếp của anh với thế giới bên ngoài. Từ đây, anh có những người bạn không giới hạn bởi khoảng cách, trong đó có người được anh xem như thầy, có người sau này trở thành những học trò của các lớp học trực tuyến của anh.

Hiện tại ngày nào lịch dạy của Thiện cũng dày đặc suốt bốn buổi sáng - trưa - chiều - tối. Học viên gồm đủ mọi thành phần, từ học sinh, sinh viên các trường đại học, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ công chức bồi dưỡng tiếng Anh để thi cao học, doanh nhân, cho tới các sư sãi người Việt đang tu học tại đất phật Nepal, Ấn Độ. Trong số ấy, Thiện nhắc nhiều tới hai người là nông dân ở Bạc Liêu mà anh tình cờ quen biết qua sóng phát thanh. Nghe bạn tâm sự muốn học ngoại ngữ mà không có điều kiện, Thiện đã bày cho họ cách khai thác các dịch vụ khuyến mãi dành cho người sử dụng điện thoại di động. Đến giờ học anh và học viên cùng kết nối điện thoại và thoải mái “lên sóng” dạy - học (vì đã cài chế độ tự động, cứ hết thời gian 10 phút miễn phí, cuộc gọi tự ngắt, để bắt đầu gọi lại). “Bằng cách này, bạn tôi có thể học tiếng Anh ở mọi nơi, kể cả khi đang chăn vịt, thả trâu ngoài đồng. Nhờ vậy, qua vài tháng bạn tôi đã có thể nghe nói được những câu giao tiếp thông thường” - Thiện kể.

Lạc quan để sống

Bị khiếm thị từ lúc lên mười, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Phước Thiện luôn tự tin nói anh là người may mắn. May mắn vì anh có người mẹ đã hết lòng yêu thương, san sẻ vui buồn, giúp anh vượt qua những khiếm khuyết của bản thân. Giờ đây, dù đã bước qua tuổi 40, dù đã chính thức làm thầy giáo hơn 20 năm nhưng mỗi ngày, độ 10g sáng anh vẫn ngồi ở cửa phòng canh mẹ già (đã ngoài 70 tuổi) đi chợ về để được xách giỏ cho mẹ, để nhón tay ướm thử bữa nay mẹ mua đồ nhiều hay ít và đoán trong giỏ có những món gì.

Anh bảo mình luôn lạc quan và có những suy nghĩ tích cực. Thiện tâm sự: “Trong cuộc sống hằng ngày, đừng chăm chăm tìm lỗi của ai đó mà hãy nhìn sự việc dưới nhiều góc độ”. Anh lấy câu chuyện mình đã trải qua để dẫn giải: “Trước đây, khi tôi nộp đơn thi vào khoa tiếng Anh ĐH Sư phạm TP.HCM thoạt đầu đã bị từ chối. Tôi không trách nhà trường mà nghĩ bởi lúc ấy ngành khuyết tật học ở Việt Nam chưa định hình, pháp lệnh về người tàn tật cũng chưa có (đến năm 1998 pháp lệnh này mới được ban hành - PV), cho nên người ta từ chối là có lý do của họ. Có thể họ không tin rằng mình thi được, tiếp thu được bài giảng. Họ từ chối như thế là vì trách nhiệm: không thể nhận bừa vào rồi để tự mình xoay xở, có học được hay không mặc kệ. Thế nên khi tôi chứng minh cho họ thấy khả năng tiếp thu, học tập, làm việc của mình không khác người sáng mắt thì họ đã chấp nhận. “Đừng mặc định chuyện gì đó không tốt trong đầu, mà thay vào đó hãy nghĩ bằng sự chân thành, đặt mình trong hoàn cảnh người khác mà nghĩ” - Thiện nói.

Thiện cũng luôn tìm cách tự tạo niềm vui cho mình từ những việc bình thường trong cuộc sống. Anh hay nói với bạn bè, học trò: “Khi bạn làm được một việc mà bạn cho là tốt, xin gọi điện chia sẻ với tôi”. Vậy là thi thoảng một người bạn ở xa, bỏ được thuốc lá, tăng lên vài ký gọi điện khoe với anh. Ngày nhà giáo VN 20-11, những học trò trong nhóm trẻ mưu sinh ở đồi cát (Bình Thuận) mà mấy năm trước anh đã dạy tiếng Anh giao tiếp và kỹ năng sống gọi điện báo: “Thầy ơi, em vừa nhặt được một bịch rác người ta vứt trên bãi biển mang bỏ vào thùng”. Người khác lại nhắn tin: “Em vừa đi chùa, cầu cho thầy sáng mắt”... Và đó cũng là cách giúp Thiện quên đi những khiếm khuyết của bản thân.

Theo Tấn Đức / Tuổi Trẻ

>> Đi tìm ánh sáng - Kỳ 1: Cô gái mù hiếu thảo
>> Đi tìm ánh sáng - Kỳ 2: Bốn bàn tay, một con mắt
>> Đi tìm ánh sáng - Kỳ 3: Mưu sinh giữa lòng thành phố

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.