Tôi có con ngoài giá thú với một người đàn ông đã có gia đình, cháu năm nay 8 tuổi. Vì muốn giữ hạnh phúc gia đình và sự nghiệp cho anh ấy, nên khi lập khai sinh cho con tôi chỉ khai họ tên mẹ bỏ trống phần khai về cha. Nay anh ấy đã qua đời, tôi có thể làm thủ tục “truy nhận” cha để khai sinh con tôi có tên cha và hưởng thừa kế di sản của anh ấy được không? Người đã chết không thể giám định ADN thì có cách nào khác không? (huyen_mt…)
Điều 65 luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.
Theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc con nhận cha trong trường hợp cha đã chết chỉ thực hiện được nếu việc nhận cha là tự nguyện và không có tranh chấp.
Theo đó, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nói trên, thì chị có quyền làm thủ tục đăng ký việc nhận cha cho con tại UBND cấp xã nơi người con cư trú. Về thủ tục, hồ sơ bao gồm: Tờ khai (theo mẫu); giấy khai sinh của con và các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).
Trường hợp có tranh chấp thì chị phải làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án xác định cha cho con. Trường hợp nếu không có chứng cứ để xác định quan hệ cha con, thì tòa án sẽ tiến hành trưng cầu giám định ADN, nếu cha chết thì có thể giám định qua họ hàng như: ông-cháu, bà-cháu; anh-em, chị-em…
Sau khi có quyết định của UBND hoặc bản án của tòa về xác định cha cho con, chị sẽ bổ sung, điều chỉnh giấy khai sinh để con được hưởng thừa kế di sản của cha theo luật định.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
>> Lấy lại tài sản thừa kế
>> Thừa kế của con riêng
>> Thừa kế thế vị
>> “Thai nhi” có được hưởng thừa kế?
>> Vợ chồng “rổ, rá”, có hưởng thừa kế?
>> Thừa kế theo di chúc
>> Con chồng sau có được hưởng thừa kế?
>> Cha biệt tích, làm sao hưởng thừa kế?
>> Thừa kế phần vốn góp của chồng
Bình luận (0)