(TNO) Năm website nhạc số lớn tại Việt Nam là Zing, Nhaccuatui, Nhacvui, Socbay, Nghenhac đã ký biên bản ghi nhớ đồng loạt thu phí tải nhạc của người dùng, dự kiến bắt đầu từ 1.11.2012.
5/150 website ký ghi nhớ
Hội thảo “Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức sáng 15.8 với đại diện của các đơn vị nhạc số, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Cục Bản quyền và các đơn vị truyền thông.
Vấn đề thu phí bản quyền nhạc số đã được đặt ra từ nhiều năm nay trong điều kiện người dùng đang dần chuyển từ băng đĩa sang nghe, tải từ các trang nhạc trực tuyến (miễn phí). Các nhà phát hành băng đĩa “than” vì đã không còn thu được tiền từ việc bán đĩa.
|
Theo ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch RIAV, trong vòng 5 năm qua, sản lượng băng đĩa đã giảm đến 80%. Ông Thắng cho rằng, việc thu phí tải nhạc của người sử dụng để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất là hoàn toàn hợp lý và cần thiết trong lộ trình thực thi các công ước bản quyền trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề thu phí đối với người sử dụng nhạc trên mạng hiện gặp nhiều thách thức với tình trạng quản lý lỏng lẻo tại Việt Nam.
Theo thống kê của RIAV, hiện có tới 150 trang web kinh doanh nhạc số, nhưng trong biên bản ghi nhớ chỉ có 5 đơn vị “có tóc” thực thi thu phí. Còn những đơn vị “trọc đầu”, kinh doanh nhưng không trả tiền bản quyền, những diễn đàn âm nhạc, những trang web chia sẻ dữ liệu mà cơ quan chức năng đã “bó tay” không thể xử phạt vi phạm bản quyền từ nhiều năm nay thì “nín thinh”.
Khả thi?
Thông tư liên tịch số 07 do liên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT), Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH - TT - DL) ban hành vào ngày 6.8 vừa qua quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ bản quyền trên mạng đã có hiệu lực.
Theo đó, khi có yêu cầu của thanh tra Bộ VH - TT - DL hoặc thanh tra Bộ TT - TT, các đơn vị trung gian (nhà cung cấp mạng, cung cấp nội dung số…) phải “cắt và ngừng đường truyền” dịch vụ, cung cấp thông tin người dùng…
Nhiều đại diện của các đơn vị kinh doanh nhạc số “có tóc” cho rằng, Thông tư 07 tuy có vẻ rất quyết liệt, nhưng phạm vi điều chỉnh lại không vươn đến được những website có server đặt tại nước ngoài.
Thói quen “xài chùa” của người sử dụng hiện tại cũng là một thách thức cho việc thu phí.
|
Theo một khảo sát của Zing Mp3 - một trong những website âm nhạc chiếm thị phần lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực nhạc số, chỉ có khoảng 30% người sử dụng sẽ “cân nhắc trả tiền với một mức giá hợp lý”.
Thực tế, tình trạng mua một đĩa nhạc lậu với hàng trăm bài hát chỉ từ 3.000 đến 7.000 đồng diễn ra phổ biến. Ngoài ra, với chất lượng file nhạc hiện tại trên các website (nhiều file lỗi, chất lượng thấp, sai thông tin, không đầy đủ nội dung…), khó trách “thượng đế” chần chừ khi phải bỏ ra 1.000 đồng phí để tải một bản nhạc.
Thêm vào đó, sự minh bạch trong việc phân chia số tiền thu được (dù hiện tại chưa nhiều) cũng gây thiệt thòi cho các chủ sở hữu thực sự của tác phẩm.
Đại diện nhiều đơn vị kinh doanh nhạc số cũng cho rằng, vẫn với kịch bản thu phí qua Telcos (thu qua thẻ cào, tin nhắn, trừ tài khoản), khả năng đi vào “vết xe đổ” của việc kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ là rất có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, những nhập nhằng, bưng bít thông tin trong việc đối soát, gian lận sản lượng kinh doanh và việc phải trả một tỉ lệ quá cao cho các nhà mạng (hốt bạc chỉ nhờ thế độc quyền) từ nhiều năm qua vẫn không hề được cải thiện.
Chỉ tội cho những chủ sở hữu tác phẩm chỉ biết thông tin thông qua các CP (Content Provider - nhà cung cấp nội dung số) mà họ đã ủy quyền kinh doanh ca khúc nhưng không nắm được con số chính xác thực tế là bao nhiêu.
Thu phí nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu, thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan là điều tốt. Nhưng làm thế nào để minh bạch, để nhận được sự đồng thuận và hiệu quả lại là cả một câu chuyện dài…
Đại Kim
>> Tiện ích miễn phí trình diễn nhạc số nhiều tính năng
>> Khó thu tác quyền âm nhạc từ quán cà phê, vũ trường
>> Tiếp diễn “cuộc đấu” tác quyền âm nhạc
>> Vẫn đề nghị tăng giá tác quyền âm nhạc
>> Tác quyền âm nhạc vẫn bị phớt lờ
>> Đài tiếng nói Việt Nam trả tác quyền âm nhạc
Bình luận (0)