Áp lực tiêu dùng

16/08/2012 03:05 GMT+7

Áp lực lạm phát vừa giảm chút ít, lập tức các mặt hàng độc quyền đua nhau tăng giá, đổ gánh nặng lên doanh nghiệp và người dân.

Điện tăng giá 5% từ 1.7; nước sạch tăng 25% từ 12.7; gas tăng 52.000 đồng/bình từ 1.8; viện phí tăng; học phí tăng và cả truyền hình cáp cũng tăng. Nhưng tăng nhiều lần nhất có lẽ là giá xăng.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, từ ngày 20.7 cho tới gần giữa tháng 8.2012, xăng đã 3 lần tăng, với tổng cộng 2.400 đồng/lít.

Khi vận hành theo cơ chế thị trường thì việc một mặt hàng bất kỳ có tăng, có giảm là bình thường, nhưng điều không bình thường là ở chỗ: giá chỉ giảm ở những hàng hóa, dịch vụ của người nông dân. Bao nhiêu ngành như bất động sản, xi măng, than, điện, xăng dầu, sắt thép, đường, ngân hàng... tồn kho, tồn vốn nhiều với lượng tiêu thụ giảm nhưng không chịu giảm giá, hoặc giảm không đáng kể. Những mặt hàng bắt buộc phải tiêu dùng hằng ngày thì đua nhau tăng giá.

Một tiến sĩ kinh tế bình luận, việc cho phép các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng giá đối với một số mặt hàng chủ chốt như điện, xăng dầu, gas, đường, thức ăn chăn nuôi... nhằm mục đích tạo khả năng nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn giảm phát. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện hệ lụy là DN tồn kho hàng hóa, khó khăn trong bán hàng tăng lên, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn hơn.

Đây đúng là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm trong điều hành vĩ mô, nhưng lẽ ra nên chọn hỗ trợ giảm lãi suất, hạ giá, giảm hàng tồn thì các cơ quan quản lý giá và điều hành sản xuất đã chọn cách tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu. Điều này lại tạo ra áp lực tiêu dùng cho cuộc sống người dân.

Các nước thả nổi giá xăng, dầu hoàn toàn theo giá thị trường trên nguyên tắc DN chiếm lĩnh thị trường tối đa không quá 12%, nếu có cao hơn hoặc nhà nước phải giám sát, quản lý giá để đảm bảo ổn định thị trường hoặc sẽ giải thể DN đó. Trong khi đó, ở VN hiện nay, tuy có tới hơn 10 DN đầu mối nhưng Petrolimex chiếm 63% thị phần. Như vậy đã không có cạnh tranh, nên việc giao cho DN quyền định giá đang khiến cho người tiêu dùng bị thiệt.

Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua quy định, với những sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải định giá, còn những sản phẩm có cạnh tranh thực sự thì để cho thị trường quyết định. Có lẽ Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ phải giải trình về việc để mất quyền định giá trong bối cảnh thị trường xăng, dầu chưa thực sự có cạnh tranh. Tại sao không công khai giá vốn bán hàng, chi phí, lượng và giá của các lô hàng nhập của các DN xăng dầu? Tại sao không có cây xăng nào bị rút giấy phép vì găm hàng chờ tăng giá? Tại sao không mở rộng DN đầu mối, thậm chí cho cả DN nước ngoài?… là những câu hỏi cần được cân nhắc, vì quyền lợi của người tiêu dùng.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.