|
Tây nguyên được ví là “vùng đất vàng” nhưng thực tế, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhiều thanh niên trên vùng đất bazan này đã vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú, tỉ phú trẻ, trong đó có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số. Hơn thế, họ còn đem kinh nghiệm vượt khó làm giàu của mình giúp nhiều người trẻ khác. Đây cũng là một hấp lực trong phong trào đoàn kết tập hợp thanh niên phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây nguyên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư T.Ư Đoàn - nhận định: “Công tác Đoàn và phong trào thanh niên của các tỉnh trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn và đứng trước nhiều thử thách đòi hỏi phải tập trung giải quyết. Đó là vấn đề công tác đoàn kết tập hợp thanh niên; nghề nghiệp việc làm của thanh niên; vấn đề thanh thiếu niên phạm pháp, thiếu giác ngộ, thiếu tổ chức, bị lôi kéo, kích động, gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự trên địa bàn... Những vấn đề trên đòi hỏi tổ chức Đoàn cần nghiên cứu tình hình thực tế thanh niên, xác định các biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng hoạt động, tăng tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên và khơi dậy tinh thần tự giác của thanh niên tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội...”.
Tại hội thảo, vấn đề phát triển kinh tế, tập hợp thanh niên được đem ra mổ xẻ để nâng cao hiệu quả của các cấp Đoàn, Hội. Nhiều ý kiến có giá trị tại hội thảo tập trung đến phương cách tập hợp thanh niên người dân tộc thiểu số, như tạo điều kiện cho họ được tín chấp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất; tập hợp qua việc phát triển phong vị văn hóa bản địa đặc sắc của Tây nguyên như cồng chiêng…
Ông Phạm Đình Thu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, nói: “Đây không chỉ là cao nguyên giàu đẹp mà còn là địa bàn hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tây nguyên có hơn 4,6 triệu dân, trong đó đồng bào thiểu số có 1,5 triệu người. Đoàn, Hội LHTN phải vào cuộc cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thanh niên với những chương trình, hành động cụ thể. Đoàn, Hội phải là chỗ dựa khi họ khó khăn”.
Cùng tham dự hội thảo, bà H’ngăm Niê Kdăm, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây nguyên, nhấn mạnh việc đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số ở Tây nguyên hiện nay là một yêu cầu cấp bách và phải làm cho được, cho tốt để giúp khu vực này ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc và ổn định.
Những tham luận của đại biểu 5 tỉnh Tây nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai đã đưa ra những kinh nghiệm, vấn đề trong tập hợp thanh niên thiểu số, thanh niên có đạo ở khu vực này. Hầu hết nhấn mạnh đến sự hỗ trợ kịp thời, cần kíp của Đoàn, Hội và chính quyền, cấp ủy cùng với nỗ lực tự thân của thanh niên. Không những cố gắng để thành công về phát triển kinh tế hộ gia đình, thanh niên dân tộc thiểu số cũng cần phải nỗ lực trong học tập, tiếp cận với các thành tựu về khoa học kỹ thuật.
Anh Nguyễn Phước Lộc - Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam - đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường, củng cố mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề hoạt động hội thế nào cho hiệu quả, lôi cuốn được thanh niên.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng lưu ý việc tập hợp thanh niên người thiểu số, thanh niên tín đồ công giáo cần phải chú trọng tính hiệu quả. Đại hội Đoàn các cấp phải đưa vấn đề này vào mục tiêu phấn đấu cụ thể. Nếu thực hiện tốt vấn đề này, Đoàn, Hội mới thực sự là nơi để thanh niên gửi gắm niềm tin, là nơi thanh niên cần khi khó khăn…
Dịp này, T.Ư Đoàn tặng bằng khen cho 10 thanh niên tiêu biểu của 5 tỉnh Tây nguyên có nhiều đóng góp cho công tác đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo; tặng 30 suất học bổng Vừ A Dính tổng trị giá 15 triệu đồng cho học sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi tỉnh Gia Lai. |
Trần Hiếu
Bình luận (0)