Loay hoay tuyển sinh

17/08/2012 03:45 GMT+7

Tình trạng tuyển sinh, xét tuyển của các trường ĐH hiện nay giống như cảnh phải chạy ăn từng bữa, thiếu trước, hụt sau, giật gấu vá vai. Có lẽ, mối bận tâm lớn nhất đối với các trường ĐH ở nước ta hiện nay là làm sao để có đủ người học.

Việc tranh nhau từng thí sinh khiến nhiều trường tìm mọi cách gây chú ý, thu hút thí sinh (TS) bất chấp vi phạm quy chế. Không chỉ các trường nhỏ, yếu tìm cách gom TS mà những trường lớn, uy tín cũng cố lấy cho đủ bằng nhiều cách khác nhau.

Theo nguyên tắc “3 chung” (chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả) áp dụng hơn 10 năm qua, khi muốn xét tuyển thêm chỉ tiêu, các trường phải công bố công khai điều kiện để cho tất cả những TS cùng khối thi, điểm còn cao, trong vùng xét tuyển tham gia nộp hồ sơ. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều trường ĐH lớn đã lách quy định này bằng cách đề ra những nguyện vọng mang tên 1B, 1C, bổ sung… để lấy cho hết những TS thi vào trường mình mà điểm thi còn cao.

Lãnh đạo các trường lý luận rằng quy định này là tự nguyện, không ép buộc và nhằm tạo thêm cơ hội cho TS. Đây chỉ mới nêu một mặt của vấn đề. Đành rằng không bắt buộc TS phải học nếu không muốn nhưng trong tình thế mọi thứ đã được sắp đặt, đã có một chỗ học thì chắc không nhiều TS từ chối để cầm hồ sơ xét tuyển nộp vào một trường khác. Như vậy, những trường còn lại mất cơ hội nhận được nguồn tuyển chất lượng cao. Về phía TS, việc xét tuyển nội bộ này của các trường đã là tiếng nói chính thức ngăn chặn những TS điểm thi còn cao ở các trường khác có cơ hội sửa sai. Khi thực hiện việc xét tuyển này, chính các trường lớn mặc nhiên đạp đổ nguyên tắc “3 chung” vì trên thực tế trường chỉ thừa nhận kết quả của TS thi vào trường mình.

Đối lại, các trường nhỏ và ngoài công lập tìm cách ngọ ngoạy bằng mọi chiêu thức để có được TS từ việc tặng học bổng, tặng điểm, công bố trúng tuyển ngay khi mới nhận hồ sơ xét tuyển, nhận dưới điểm sàn để đào tạo các chương trình không chính quy (mà TS không biết)…

Công tác tuyển sinh hiện nay ở các trường ĐH, CĐ cũng còn nhiều điều không ổn nên cứ mỗi mùa tuyển sinh là phụ huynh và TS lại nhấp nhổm. Sự việc diễn ra ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM lặp lại trong những năm gần đây là một trường hợp tiêu biểu. Vấn đề băn khoăn là trong khi rất nhiều TS điểm thi cao không trúng tuyển mà trường lại dành chỉ tiêu để đào tạo cho những nguồn khác như ngoài ngân sách, hợp đồng đào tạo…

Nhiều địa phương thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cao nên việc phải ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo nguốn lực tại chỗ là vấn đề cấp thiết. Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng như những trường đầu ngành khác trên cả nước phải nhận trách nhiệm này. Thế nhưng, cách làm như hiện nay nếu tính lâu dài thì không ổn. Chẳng hạn với khối ngành y dược, ở các khu vực đều có những trường ĐH chuyên ngành thế nhưng tại sao sức ép đào tạo nhân lực cho địa phương lại dồn về Trường ĐH Y Dược TP.HCM? Nếu không chuyển giao, không đầu tư cho các trường ở ĐH vùng thì mãi mãi những trường này sẽ không thể phát triển. Vấn đề đặt ra là tính bền vững và sự dài lâu chứ nếu chấp vá, manh mún như hiện nay sẽ luôn gây ra tình trạng bất ổn.

Suốt cả năm, cứ loay hoay mãi với công tác tuyển sinh, với mục tiêu hàng đầu - lấy đủ người học, thì không thể nào hy vọng giáo dục ĐH Việt Nam có sức bật vượt ra khỏi mặt bằng chất lượng thấp, nói gì đến những đột phá.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.