|
Đã qua rồi thời “vàng son” của các cửa hàng thời trang, chỉ cần treo biển giảm giá 5-10% khách hàng kéo đến ầm ầm. Thời bão giá, các phố chuyên bán đồ thời trang như: Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tây Sơn, Cầu Giấy, Bạch Mai... nơi nào cũng treo biển giảm giá mà vẫn đìu hiu. Anh Ngô Đức Tuấn, chủ cửa hàng trên phố Chùa Bộc than thở: “Những cụm “câu khách” giảm giá “sốc”, khuyến mãi “khủng”, xả hàng tồn kho… người tiêu dùng thấy nhàm, chẳng bận tâm. Những người kinh doanh chúng tôi không chỉ đau đầu làm thế nào giải quyết hàng tồn, mà còn phải nghĩ ra các chiêu trò để câu khách”.
Ăn theo phong trào giảm giá “sốc” ở sạp quần áo vỉa hè, gần đây các shop thời trang cũng bắt đầu áp dụng chiêu niêm yết giá trên băng rôn. Thậm chí các cửa hàng đua nhau cạnh tranh lập “kỷ lục” bán giá rẻ nhất. Đầu phố Chùa Bộc cửa hàng thời trang công sở Megg giảm giá đặc biệt: đầm, quần, sơ mi, chân váy có giá từ 40.000 đồng - 50.000 đồng - 75.000 đồng... Ngay giữa phố, cửa hàng
Canifa cũng không kém cạnh, giảm đồng loạt với các mức giá: 29.000 đồng - 59.000 đồng - 79.000 đồng - 99.000. Cửa hàng chuyên bán đồ Made in Việt Nam cũng nhanh xả hàng với mức giá từ 20.000 đồng/áo phông, 30.000 đồng/quần soọc. Đắt nhất là áo sơ mi xuất khẩu cũng chỉ có giá từ 80.000 - 95.000 đồng/chiếc. Chiêu thức trên cũng được nhiều cửa hàng đường Cầu Giấy áp dụng. Thay vì khách hàng phải căng mắt tìm giá trên nhãn mác, để gây sự chú ý với người đi đường, những tấm biển giá to tướng treo lủng lẳng theo từng dãy: váy thời trang 50.000 đồng, áo phông 20.000 đồng, áo sát nách: 10.000... Chị Thanh Nga, một nhân viên bán quần áo tiết lộ: “Sở dĩ thời điểm này tung hàng giá rẻ ra bán vì sắp giao mùa, cửa hàng cần thanh lý hàng tồn kho, thu hồi vốn. Nhìn vào trông có vẻ lộn xộn, nhưng rõ ràng hiệu quả hơn hẳn”.
Giảm giá, khuyến mãi là cách người bán hàng giải quyết hàng tồn kho nên muốn tìm hàng tốt, giá rẻ không nhiều. Không ít cửa hàng còn “treo đầu dê, bán thịt chó”, những quần áo thanh lý chỉ lèo tèo, xếp riêng một góc, còn lại giá vẫn cao ngất ngưởng. Theo lý giải của một người bán hàng, chỉ cần “khách ghé vào xem coi như đã thành công”. Ngân Anh, sinh viên Học viện Ngân hàng, ấm ức: “Mình mua chiếc áo phông giảm giá 50.000 đồng tại một cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch. Mặc 2 lần áo rão xuống đầu gối, phai màu loang lổ. Tưởng rẻ hóa lại đắt, vì mua mà không mặc được bỏ đi càng uổng phí”.
Kinh nghiệm được chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Khách hàng cũng nên hỏi kỹ, bởi nhiều cửa hàng giá rẻ luôn kèm theo điều kiện, không được thử và mua rồi không được đổi. Do đó khi mua nên lựa thật kỹ đường kim mũi chỉ, xem hàng có bị lỗi hay không”.
Hải Bình
Bình luận (0)