Cây bồ đề được lấy gốc từ cội bồ đề gốc Ấn Độ được trồng ở sân chùa Từ Đàm. Trên bia đá khắc ghi nguồn gốc cội bồ đề ở chùa Từ Đàm, Huế cho biết: Vào khoảng thế kỷ thứ III, trước công nguyên, thời vua Asoka, một vị vua có công chấn hưng Phật giáo, thái tử Mahihdi đã lấy giống từ gốc cây bồ đề đạo tràng, nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo đem về trồng ở Srilanka (Tích Lan). Năm 1939, đại đức Karada, người Tích Lan đã cùng với bà Karpelet trong đoàn Phật giáo Campuchia sang thăm Hội Phật giáo Trung phần đã lấy giống cây bồ đề từ Tích Lan sang tặng và được trồng ở chùa Từ Đàm từ đó đến nay cây đã tròn tuổi 75, với thân hình đồ sộ, đường kính thân đạt 2,8 m, đường kính tán trên 25 m và chiều cao cây ngót 20 m.
|
Từ xuất xứ này, cây bồ đề ở chùa Từ Đàm- Huế có thể được gọi tên bằng cách phiên âm từ tên tiếng Pháp (Arbres de la bodhi) hoặc tên tiếng Anh (Bodhi tree) của cây bồ đề Ấn Độ, được trồng ở đền Mahabodhi trong làng Bodh Gaya, quận Gaya, Ấn Độ từ năm 288 trước Công nguyên. Huế là nơi có nền Phật giáo phát triển rất sớm và rộng rãi, trong lúc đó truyền thuyết đắc đạo của Đức Phật Thích Ca lại gắn liền với cây bồ đề Ấn Độ vừa nêu, nên sự có mặt của cây bồ đề Ấn Độ tại Huế đã trở thành cây thiêng của Phật giáo. Sau khi có mặt tại chùa Từ Đàm, cây bồ đề Ấn Độ cũng đã được lấy giống để trồng thêm ở một số chùa khác ở Huế. Hiện tại cây bồ đề thiêng này đang có mặt tại các chùa Thiền Lâm (khu vực Quảng Tế, phường Thủy Xuân) và trong khuôn viên của Cung An Định…
Phân biệt bồ đề với cây lâm vồ
Từ lâu trong dân gian đã có một sự nhầm lẫn giữa cây bồ đề thiêng Ấn Độ và một loại cây khác được cư dân Huế đánh đồng thành một với tên gọi "bồ đề". Đó là cây lâm vồ. Cả 2 loài cây được dân gian Huế đánh đồng là bồ đề này đều thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), cùng chi Sung (Ficus) có những điểm khác biệt rất rõ.
Cây bồ đề Ấn Độ, gọi gọn là bồ đề, là loài cây gắn liền với truyền thuyết Đức Phật Thích Ca chứng thành đạo quả vô thượng giác, nhiều tài liệu trong nước gọi là đề hay đa đề, tên tiếng Trung là 菩提树 (bồ đề thụ), tên tiếng Anh là Bo tree, Bodhi tree, pipal tree, tên khoa học Ficus religiosa. Người công bố tên khoa học đã dùng tính ngữ "religiosa" để nhấn mạnh sự liên quan của cây với truyền thuyết Đức Phật, vì religiosa có nghĩa là thuộc về tôn giáo.
Còn cây lâm vồ được trồng rất phổ biến ngoài đường phố, công viên, khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện, bến bãi, đường làng, đền đài miếu mạo, cả ở nhiều khuôn viên chùa Phật giáo... là một loài tương cận với loài bồ đề, có ngoại hình tương tự bồ đề, nhiều tài liệu trong nước gọi là lâm vồ hay đề lâm vồ, tên tiếng Trung là 心叶榕 (tâm diệp dong), tên tiếng Anh là Rumpf's Fig Tree hay Mock Bodhi tree (có nghĩa là cây giả bồ đề), tên khoa học là Ficus rumphii, là loài cây xuất hiện ở Huế trước cây bồ đề hơn cả thế kỉ.
Cây lâm vồ phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á. Đây là loài cây có phổ thích nghi rất rộng, chỉ cần một điểm tựa, với một ít chất mùn hay bột bụi cộng với chút ẩm độ thì một hạt bám vào cũng mọc thành cây, cho dù điểm tựa đó là một vết nứt vỏ của cành cây, một đám rêu phong trên bờ tường, nóc nhà, mái ngói…
Do cùng chi thực vật nên mới nhìn qua người ta thấy 2 cây hao hao giống nhau. Bởi vậy, khi không quan sát và phân tích kĩ càng, ngộ nhận là lẽ thường tình. Nếu nhìn kĩ sẽ thấy nhiều đặc điểm khác biệt, cây bồ đề có chồi ngọn ngắn, cuống lá dài, đáy lá nhọn hoặc gần tròn, mép phiến lá gợn sóng, đỉnh lá có chuôi nhọn kéo dài thành chuôi, trong lúc cây lâm vồ có chồi ngọn dài hơn, cuống lá lại ngắn, đáy lá hình tim, mép không gợn sóng, và đỉnh lá chỉ có mũi nhọn không có chuôi kéo dài.
Như vậy rõ ràng đã có sự nhầm lẫn.
Và đến nhầm lẫn tràng hạt bồ đề
Nhiều người mới nghe nói đến "Tràng hạt bồ đề" đã vội qui nạp ngay rằng, tràng hạt này được làm từ những quả bồ đề kèm thêm lời giải thích mối quan hệ giữa cây bồ đề với truyền thuyết Phật giáo. Thực ra, quả của cây bồ đề thuộc dạng quả giả, do trục hoa tự phì đại, uốn cong tạo ra một quả giả hình cầu, giấu kín toàn bộ hoa, quả bên trong. Khi hoa tàn, nhị rửa, quả chín dần cũng là lúc quả giả này thối rửa ra để phóng thích quả hạt ra ngoài, giúp cho quá trình phát triển cá thể được tiến hành bình thường.
Với tính chất của hạt bồ đề như vậy làm sao có thể lấy loại quả giả này làm chuỗi hạt bồ đề được. Nếu thu quả chưa chín phơi khô để làm tràng hạt thì sẽ có những hạt móp méo, nhăn nheo vô cùng xấu và cũng không thể giữ được lâu. Thực ra, từ "bồ đề" trong tràng hạt bồ đề chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Đạo Phật xem việc niệm Phật là pháp môn tu hành nhiếp tâm và nhằm trưởng dưỡng tâm bồ đề (nuôi dưỡng Phật tâm). Vì vậy, những tràng hạt để niệm Phật cũng được gọi là tràng hạt bồ đề. Còn những hạt trong tràng hạt đó có thể được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau (quả, hạt, gỗ, nhựa...).
Mặc dù có sự nhầm lẫn giữa bồ đề và lâm vồ, nhưng cả hai loại cây này từ lâu đã trở thành cây biểu tượng của Phật giáo. Vì vậy, việc minh định có chăng là để biết nhằm hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ mà thôi.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu có điều kiện, các chùa nên thay thế chúng bằng cây bồ đề Ấn Độ thì sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.
Đỗ Xuân Cẩm - Bùi Ngọc Long
>> Lạ lùng cây xanh xứ Huế
>> Lạ lùng cây xanh xứ Huế: Những cây chà là Canary quý hiếm
Bình luận (0)