Lực lượng Nhật đủ sức đấu với Trung Quốc

23/08/2012 15:36 GMT+7

(TNO) Một chuyên gia quân sự Mỹ viết rằng sẽ rất khó dự đoán kết quả nếu các lực lượng Trung Quốc và Nhật đụng độ trong cuộc chiến ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.

(TNO) Một chuyên gia quân sự Mỹ viết rằng sẽ rất khó dự đoán kết quả nếu các lực lượng Trung Quốc và Nhật đụng độ trong cuộc chiến ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.

Phó giáo sư James Holmes thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ viết trên tạp chí Foreign Policy trong tuần này: “Một cuộc giao tranh như thế khó xảy ra trước năm 2010, khi Lực lượng Tuần duyên Nhật bắt các ngư dân Trung Quốc đâm vào tàu của họ ở quần đảo tranh chấp, song nó có vẻ nhiều khả năng xảy ra hơn vào lúc này”.

Ông Holmes viết rằng các lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng “đang nghĩ về điều không thể nghĩ tới”. Tuy nhiên, Nhật không phải là một đối thủ “dễ xơi”.

Ông nói Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật (JMSDF) đã tích lũy được nhiều sở trường quan trọng, như tác chiến dưới biển và lính thủy của họ nổi tiếng với tính chuyên nghiệp.

“Nếu các chỉ huy quản lý được các lợi thế nhân lực, vật lực và địa lý một cách khéo léo, Tokyo có thể biến một cuộc hải chiến với Trung Quốc trở nên ngang cơ, và thậm chí có thể chiếm ưu thế”, ông Holmes viết.

Ông này cho biết một cuộc chiến tay đôi giữa Trung Quốc và Nhật không chắc chắn xảy ra trừ phi Bắc Kinh có thể xoay xở cô lập Tokyo về ngoại giao hoặc Tokyo tự cô lập mình. Ngoại trừ điều này, một cuộc xung đột nếu xảy ra sẽ kéo theo sự tham gia của Mỹ ở phe Nhật.

Lực lượng Nhật đủ sức đấu ngang cơ với Trung Quốc
 Các con tàu khu trục của Nhật - Ảnh: Reuters

Xét về các thông số đơn thuần, Nhật có vẻ lép vế trước Trung Quốc. Nhật có 48 tàu chiến trên mặt biển, bao gồm tàu sân bay cỡ nhỏ, tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ và 16 tàu ngầm chạy bằng điện và diesel.

Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) khoe khoang rằng họ có 73 tàu chiến trên mặt biển, 84 tàu tuần tra tên lửa và 63 tàu ngầm.

“Hải quân Trung Quốc vượt trội về khối lượng của thép”, ông Holmes viết. Tuy nhiên, PLAN chưa được “thử lửa” và năng lực chưa được đảm bảo.

Sự ưu tú của JMSDF và năng lực con người của họ có thể “bù đắp một phần hoặc toàn bộ các lợi thế về quân số của PLAN”.

“Các đội tàu của JMSDF miệt mài tập luyện trên các vùng biển châu Á, hoạt động đơn độc hoặc kết hợp với hải quân các nước. Trái lại, PLAN thì trì trệ”, ông Holmes viết.

Nhìn chung, các đội tàu của Trung Quốc chỉ xuất hiện trong các chuyến hải hành hoặc tập trận chóng vánh, khiến thủy thủ đoàn ít có thời gian hoạt động nhịp nhàng hoặc trau dồi kỹ năng.

Bởi Trung Quốc và Nhật nằm gần nhau nên cần phải tính đến yếu tố hỏa lực trên bộ của cả hai nước. Các tên lửa đạn đạo quy ước của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể tấn công các địa điểm trên bộ ở khắp châu Á, đe dọa các vũ khí, khí tài của Nhật trước khi chúng rời cảng hoặc cất cánh.

Lực lượng Pháo binh số 2 của Trung Quốc được cho là có các tên lửa đạn đạo chống hạm có thể tấn công các tàu bè di chuyển trên biển từ đất liền.

Tuy nhiên, nếu Nhật triển khai trước các tên lửa hành trình chống hạm di động Type 88 cùng các đơn vị tên lửa đến những hòn đảo lân cận tại quần đảo Ryukyu, lực lượng trên bộ có thể tạo ra các vùng hỏa lực chồng chéo, biến “vùng biển gần đó trở thành vùng cấm lưu thông với tàu bè Trung Quốc”.

Ông Holmes kết luật bất kỳ ai có thể phối hợp tốt nhất các lực lượng hải lục không quân đều có cơ hội chiến thắng cuộc xung đột.

“Đó sẽ là Nhật nếu các lãnh đạo chính trị và quân sự của họ suy nghĩ sáng tạo, mua sắm đúng loại vũ khí, khí tài và bố trí chúng để đạt hiệu quả tối đa”, ông Holmes viết.

Ông Holmes nói Nhật không cần phải đánh bại quân đội Trung Quốc để giành chiến thắng cuối cùng trên biển vì họ đã có lợi thế về địa lý “không thể tranh đoạt”.

“Nếu vùng biển Đông Bắc Á trở thành nơi không người song các lực lượng Nhật vẫn bám trụ thì chiến thắng chính trị sẽ thuộc về Tokyo”, theo ông Holmes.

Cuối cùng, ông Holmes nói nếu Trung Quốc mất phần lớn hạm đội trong cuộc đụng độ Trung - Nhật, thậm chí với kết quả chiến thắng, Bắc Kinh có thể chứng kiến lực đẩy hướng tới vị thế cường quốc thế giới của họ “bị đảo nghịch trong một buổi chiều”.

Sơn Duân

>> Nhật - Trung căng thẳng về Senkaku/Điếu Ngư
>> 150 người Nhật ra đảo Senkaku/Điếu Ngư để... câu cá?
>> Nhật bắt 5 người Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
>> Tàu Hồng Kông hoãn chuyến ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật thông qua kế hoạch bảo vệ quần đảo Senkaku
>> Mỹ triển khai máy bay do thám tối tân ở Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ sẽ "chống lưng" Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?
>> Nhật tăng cường tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.