|
Tấp nập
Đồng hồ chỉ 1 giờ 30 phút sáng một đêm đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại chợ cua trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3. Khi đường phố bắt đầu vắng bóng người qua lại, dưới ánh đèn đường xuất hiện nhiều xe chở hàng của tiểu thương chờ sẵn. 2 giờ sáng, chuyến xe chở cua từ miền Tây đầu tiên tấp vào.
Một đội ngũ phân loại cua xắn tay vào việc. Từng bao cua lần lượt được đổ ra khay lớn bằng nhôm để phân loại cua sống và cua chết. Lúc này, mùi cua đồng bắt đầu lan khắp cả con đường. Người phân loại chỉ cần hai xẻng xúc một lượt những con cua chạy vòng vòng ở hai bên khay cho vào túi lưới. Cua chết bỏ riêng rồi làm sạch ngay tại chỗ, có thể đem xay nhuyễn để cung ứng cho các đầu mối ở chợ. Ngoài cua ra, khu chợ này còn mua bán hến, ốc. Cua ở đây chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây lên thành phố, nhiều nhất là từ An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau.
Chợ mỗi lúc một đông, hàng trăm tiểu thương đến phân loại và mua cua rồi hối hả chở về các chợ nhỏ. Những cuộc trao đổi mua bán, những lời hỏi thăm rôm rả, tiếng cua lạo xạo bò ngang dọc tạo nên những âm thanh sống động trong đêm khuya. Anh Phú (quê Nhơn Trạch, Đồng Nai), một trong những tiểu thương đầu tiên có mặt, cho biết đã gần 10 năm nay, đêm nào cũng vậy anh đều thức dậy lúc nửa đêm, lặn lội từ Nhơn Trạch lên để lấy cua về bán tại chợ và bỏ mối cho các quán. Chị Liên (nhà Thủ Đức, TP.HCM) hối hả chất những bao cua nặng trĩu lên xe. Lau những giọt mồ hôi trên má, chị bảo: “Giờ này phải tranh thủ chạy về sớm để mờ sáng còn bán cho khách, không họ chờ tội nghiệp”. Thân gầy gò, mái tóc lấm tấm muối tiêu, hai mắt sâu hõm vì thức đêm, chị vội vã phóng xe đi vun vút.
|
Trời càng về sáng, chợ cua ngày càng tấp nập và ồn ào hơn. Đến 5 giờ sáng, những tiểu thương cuối cùng lên xe tỏa về khắp các chợ cho kịp ngày mới. Chợ cua cũng đã được dọn dẹp sạch sẽ, không để lại dấu vết, nhường chỗ cho những dòng xe cộ tấp nập.
Sài Gòn không chỉ có một chợ "âm phủ". 0 giờ khuya, tại chợ trái cây trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, Trang Tử và bên hông Chợ Lớn (P.14, Q.5) tấp nập và sôi động bởi những chuyến xe vận chuyển trái cây từ các nơi đổ về. Tiếng í ới gọi nhau của các tiểu thương, tiếng hô tránh đường của bốc vác, tiếng xe đẩy... tạo nên hơi thở nhộn nhịp trong đêm khuya. Anh Tiến cười: “Ở đây làm gì có giấc ngủ đêm. Ai cũng ngủ ngày làm đêm nên quen rồi”. Càng về sáng hoạt động của chợ trở nên gấp gáp hơn, ai cũng vội vàng mua bán và nhanh chóng chạy cho kịp buổi họp chợ đầu tiên. Trời sáng cũng là lúc chợ bắt đầu thưa thớt người, cả con đường được dọn dẹp sạch sẽ để nhường chỗ lại cho các hoạt động khác.
Lúc 2 giờ sáng, đông đảo tiểu thương các nơi cũng tập trung về chợ thủy sản bên hông phà Bình Khánh (H.Nhà Bè). Sau mỗi lần phà cập bến, những thùng cá, tôm, cua từ Cần Giờ được vận chuyển ngay vào chợ. Tiếng ghe máy nổ, tiếng trả giá của các tiểu thương phá tan màn đêm lạnh lẽo. Cảnh mua, bán, chọn lựa, ngã giá làm không khí luôn sôi động. Những thùng cá tôm, mực, cua nhanh chóng được cho lên xe, vội vã chuyển về khắp các chợ.
Ám ảnh trong đêm mưu sinh
0 giờ 30 phút, chúng tôi tấp vào quán nước trên đường Cách Mạng Tháng 8 để chờ chợ cua đêm họp. Một chị bán nước lâu năm nói nhỏ: “Mấy đứa bay đi đâu giờ này mà ba lô, túi xách nhiều vậy? Cẩn thận không bị giật đó”. Chị cho biết đường Cách Mạng Tháng 8 nằm giáp ranh giữa Q.10 với Q.3 nên khá phức tạp. Mấy tên giựt dọc, cướp của hay hoạt động trên tuyến đường này vào nửa đêm về sáng. Nạn nhân thường là các đôi nam nữ đi chơi khuya, các tiểu thương buôn bán lúc nửa đêm về sáng. Đang nói chuyện rôm rả, thấy hai thanh niên đi trên xe độ, không mũ bảo hiểm bước vào mua cà phê, chị nháy mắt: “Bọn nó đấy”.
Với gần 10 năm đi lại từ Nhơn Trạch lên TP.HCM và ngược lại lúc nửa đêm về sáng, anh Phú lắc đầu: “Phức tạp lắm em ơi! Đàn ông khỏe như anh mà bọn nó cũng hỏi thăm xin vài ba trăm nghìn để hút thuốc, nói chi phụ nữ đi trong đêm khuya”. Rít hơi dài thuốc lá, anh kể: “Có lần đang chở cua từ Sài Gòn về, đi ngang qua Lương Định Của, Q.2 bỗng đâu có mấy thằng đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ tấp đầu xe chặn anh lại. Hai thằng xuống xe, gí dao vào cổ và bảo anh lấy hết tiền đưa cho bọn nó. May lúc đó vừa trả tiền hàng xong, chỉ còn mấy chục nghìn, anh bảo hết tiền rồi. Bọn nó không tin, giật lấy ví kiểm tra, lấy hết tiền trong đó rồi vứt xuống đất. Lấy xong bọn nó đi mất hút, anh cặm cụi tìm lại cái ví và chạy thẳng. Về đến nhà mà tim còn đập thình thịch”.
Với nhiều năm đi lại lúc nửa đêm về sáng, anh Phú kinh nghiệm: “Ra đường vào giờ đó, càng gọn nhẹ càng tốt. Tiền bạc nên đem ít, cái gì giá trị thì nên bỏ nhà để không tạo sự chú ý. Nếu tiền hàng thì nay có thể chuyển khoản, hay ban ngày lên thanh toán rồi về chứ không nên đem đi trong đêm vì rất nguy hiểm”.
Còn với anh Tiến những câu chuyện trấn lột giữa đêm khuya luôn là nỗi ám ảnh. Anh tâm sự: “Đêm nào cũng chở trái cây từ Đồng Nai lên Q.5 để bán, nửa đêm đi trên xa lộ Hà Nội, xe bị cán đinh đã là quá khổ. Những lúc như vậy, một mình hì hục đẩy xe trái cây tìm và năn nỉ mấy tiệm sửa xe thức dậy vá giúp. Khổ vậy nhưng vẫn không sợ bằng gặp phải dân lưu manh. Bọn nó gặp xin tiền, không có tiền thì cướp trái cây trên xe. Những lúc đó thật tôi không biết làm sao, bọn nó đi cả 5, 6 thằng, thôi nín lặng là giải pháp an toàn nhất”.
Công Nguyên - Thy Na
>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 1: Mua chỗ ngủ đêm
>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 2: Thân phận dưới gầm cầu
Bình luận (0)