Con tôi năm nay được 18 tháng, vừa rồi cháu có đi khám bác sĩ và bác sĩ hẹn tháng sau đến chủng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella, xin bác sĩ cho tôi biết thêm 3 bệnh này có nguy hiểm không và cách chủng ngừa để phòng 3 bệnh này?
Trả lời: Ths-BS Đinh Thạc - Chuyên viên tư vấn nhi khoa, BV Nhi đồng 1 TP.HCM
Sởi - quai bị và rubella hiện nay vẫn là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng và nhiều tác động bất lợi trên sức khỏe, đặc biệt những biến chứng để lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh sởi được xem là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ em. Quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới; còn rubella có thể gây dị tật cho thai nhi hoặc sẩy thai đến 90% các trường hợp nếu người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Để phòng ngừa chủ động và hiệu quả bệnh sởi - quai bị và rubella, hiện nay đã có loại vắc xin phối hợp “3 trong 1” rất hiệu quả và an toàn. Vắc xin phối hợp này được Hiệp hội Bác sĩ gia đình Mỹ, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDD) và Ủy ban Tham vấn thực hành tiêm chủng Mỹ (ACIP) khuyến cáo nên sử dụng 2 liều để đạt khả năng bảo vệ tối ưu cho trẻ em trong việc phòng bệnh (tới 99,7%)1.
Thời điểm thích hợp tiêm ngừa vắc xin này được quy định dành cho trẻ em từ 12 - 15 tháng tuổi và người lớn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 18 - 35 tuổi được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin sởi - quai bị và rubella trước khi có thai ít nhất là 3 tháng.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin này là rất cao, chỉ sau khi tiêm vắc xin liều đầu tiên khả năng bảo vệ trẻ phòng tránh các loại bệnh này có thể đạt từ 90 - 95%1. Theo Hiệp hội Tham vấn thực hành tiêm chủng Mỹ nên cho trẻ tiêm liều vắc xin “3 trong 1” đầu tiên khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi, và liều vắc xin thứ 2 nên tiêm cho trẻ khi trẻ được 4 - 6 tuổi1.
Những đối tượng sau đây không nên tiêm phòng vắc xin phòng rubella.
Những phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
Những người dị ứng với thuốc Neomycine, dị ứng với trứng.
Những người có phản ứng với những lần tiêm ngừa rubella trước.
Người bị suy giảm miễn dịch, hoặc đang sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch.
Bệnh nhân đang bị bệnh ác tính về máu.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính như viêm phổi, viêm phế quản, viêm da hóa mủ, viêm amygdale cấp tính...
(1) http://www.edc.gov/nip/publica tions/VIS/vis-mmr.pdfupdate21/04/2012
Ths-BS Đinh Thạc
Chuyên viên tư vấn nhi khoa, BV Nhi đồng 1 TP.HCM
>> Nhiều bé trai đối mặt với viêm tinh hoàn quai bị
>> Khan hiếm vắc-xin phòng sởi - quai bị - rubella
>> Những bài thuốc chữa quai bị
>> Bệnh quai bị có nguy hiểm không?
>> Sự cố" tiêm vắc-xin ngừa sởi, quai bị và rubella dẫn đến tử vong: Bộ Y tế yêu cầu ngưng ngay việc tiêm vắc-xin Priorix
>> Bệnh quai bị không làm "nó" không lớn được
Bình luận (0)