Từng một thời "làm mưa làm gió", trở thành thương hiệu giữ chân khán giả nhưng rồi kịch truyền hình dần suy giảm về chất lượng. Nhiều vở có nội dung nhạt nhòa, diễn xuất hời hợt xuất hiện làm khán giả chán thể loại này. Tuy nhiên, bằng sự góp sức của những tên tuổi: NSƯT Đoàn Bá, NSƯT Trần Minh Ngọc, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, Nguyễn Hồng Dung..., một hy vọng mới cho kịch truyền hình lại mở ra.
Sẽ lấy lại phong độ
Theo nhiều người trong giới, nguyên nhân sự "nguội lạnh" của kịch truyền hình thời gian qua không chỉ do chất lượng kịch bản kém mà vì lực lượng diễn viên của kịch truyền hình bị phim truyện truyền hình "nuốt gọn".
|
Nếu có theo dõi những buổi báo cáo kịch truyền hình, dễ nhận thấy hiếm khi vở diễn quy tụ đủ diễn viên. Phim truyền hình nở rộ đã thâu tóm một lượng diễn viên đáng kể, sàn quay kịch phải theo lịch "chạy sô" của họ. Một số đạo diễn giỏi nghề ra đi sau thời gian "chiến đấu" với tình trạng thiếu trầm trọng lực lượng diễn xuất. Một số khác cố gắng điều tiết và quyết định chuyển hướng sang diễn viên trẻ. Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nói: "Tôi chủ động lên kế hoạch tập dượt, nếu diễn viên nào bị động khiến vở diễn bị ảnh hưởng thì sẽ thay ngay, nhất định không để kịch truyền hình vì thế mà giảm chất lượng".
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung vừa dàn dựng cho HTV vở kịch Những kẻ độc thân (kịch bản của cha chị - NSND Năm Châu). Chị chọn nhiều diễn viên trẻ tham gia và chỉ tăng cường 2 diễn viên tên tuổi là NSƯT Mỹ Uyên và nghệ sĩ Quốc Thuận. "Những vở kịch truyền hình do HTV dàn dựng đôi lúc thiếu sự chăm chút bởi làm theo thời vụ. Nhiều diễn viên vừa đóng phim vừa đóng kịch nên bị động lịch diễn, chất lượng tập dượt không cao. Nếu vở kịch có 2/3 là diễn viên trẻ, các em có nhiều điều kiện để tập dượt, khi quay hình, tính cách nhân vật được thể hiện đầy đặn hơn. Sự khởi sắc của kịch truyền hình không ở hiện tại mà là ở tương lai, tôi nghĩ thể loại này sẽ lấy lại phong độ như ngày trước" - nữ đạo diễn này chia sẻ.
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh cho biết vở Hôn lễ đảo chìm của ông dàn dựng có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ. Ông quyết định trở lại trường quay cũng là vì các học trò. Diễn viên trẻ ra trường hiện nay ít có cơ hội về với các sân khấu nên mảng kịch truyền hình cần tạo điều kiện để các em "có đất dụng võ". Tuy nhiên, vở diễn vẫn phải kèm theo các diễn viên có tên tuổi để họ dìu dắt, nâng đỡ các bạn trẻ.
Tín hiệu vui từ "người cũ"
Từ ngày 23 đến 25-8, vở kịch Nụ hôn thiên thần của tác giả - đạo diễn NSƯT Đoàn Bá bấm máy tại phim trường HTV. Các nghệ sĩ: Công Ninh, Đàm Loan, Mỹ Uyên, Văn Thênh, Đoàn Bình, Hữu Tín… háo hức tham gia các vở diễn nói trên và mong đây sẽ là bước đột phá mới cho kịch truyền hình.
NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: "Sự trở lại phim trường kịch truyền hình của NSƯT Đoàn Bá là một tín hiệu vui, chúng tôi rất mừng. Thế hệ trẻ sẽ có cơ hội được học tập kinh nghiệm quý báu từ thầy".
NSƯT Công Ninh cho rằng anh được khán giả biết đến nhờ những vở kịch trên truyền hình. Vì vậy, anh tự thấy có một phần trách nhiệm góp phần đưa thể loại này trở về thời hoàng kim của nó. Hiện nay, khác với lúc trước, khâu cảnh trí và kỹ xảo của kịch trên màn ảnh nhỏ đã có sự điều chỉnh. Chất lượng từ khâu kịch bản cho đến dàn dựng, cảnh trí và âm nhạc hiện đại sẽ góp phần giúp kịch truyền hình sống động hơn trước.
Riêng với NSƯT Đoàn Bá, ông trở lại trường quay lần này là để có dịp trao đổi với các đạo diễn trẻ, giúp họ có được những cơ hội vận dụng kinh nghiệm từ người đi trước.
Sự trở lại của nhiều "người cũ" từ đạo diễn đến diễn viên mang đến nhiều hy vọng tạo đột phá cho kịch truyền hình. Bởi hơn ai hết, những đạo diễn, diễn viên này đều có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ truyền dạy và uốn nắn những diễn viên trẻ. Khi có lực lượng kế thừa tốt, kịch bản hay, đạo diễn giỏi thì không khó để có được sản phẩm chất lượng.
Luôn chào đón người trẻ Nhạc sĩ Kiều Tấn – Trưởng Ban Văn nghệ HTV - nhấn mạnh: "Mảng kịch truyền hình lâu nay vẫn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của nhiều đạo diễn sân khấu lão luyện. Chính uy tín của họ góp phần quan trọng trong việc quy tụ diễn viên cũng như ngăn chặn việc bị động lịch quay, lịch diễn. HTV luôn tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ được cống hiến cho nghề, nhất là tạo cơ hội để các đạo diễn trẻ có dịp cọ xát với sàn diễn phim trường. Họ có thể phát huy ưu điểm trong dàn dựng cũng như được học hỏi kinh nghiệm từ các bậc thầy đi trước". |
Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động
Bình luận (0)