|
Linh đẹp vì cơ mặt, vì ánh mắt, vì cách đưa tay, và vì dáng người chẳng thể nào vừa nhảy vừa hát được. Sâu hơn chút, Linh đẹp vì cái sự say mê. Vậy cũng ổn, nhỉ! Cái sự say mê không thể phai tàn theo thời gian như nhan sắc trên gương mặt người thiếu nữ. Cùng với những thăng trầm của cuộc sống, cái sự say mê ấy chỉ có thể nồng nàn hơn hoặc lắng đọng lại. Nhưng hôm nay TNTS trò chuyện với Uyên Linh không phải về âm nhạc mà về một lĩnh vực cũng cần phải say mê không kém.
Luôn tự nhận mình đam mê ca hát, sẵn sàng gác qua một bên ngành ngoại giao đã dày công học suốt bốn năm trời để chuyên tâm theo con đường âm nhạc, thế sao ngay từ đầu Uyên Linh không thi vào một trường thanh nhạc nào đó?
Đam mê ca hát và quyết định thi vào trường nhạc thường là khó thực hiện. Với đất nước đang phát triển như VN thì việc học văn hóa vẫn phải đặt lên hàng đầu. Lúc còn nhỏ, cho dù mình có thích môn gì đi nữa nhưng nếu chưa được học chuyên nghiệp về nó, tạm gọi là vào trường "năng khiếu" thì mình cũng sẽ giữ nó như một niềm vui. Ba mẹ của chúng ta thì luôn hướng cho con cái thi vào đại học. Và có lẽ, may mắn ngày hôm nay của tôi có một phần không nhỏ từ những năm tháng đại học.
Thu nhập một số lượng kiến thức như vậy mà ít có cơ hội sử dụng, bạn không cảm thấy tiếc à?
Đại học ở VN dạy cho mình phương pháp luận là chính. Theo tôi, lý thuyết chỉ dừng ở mức độ chạm ngưỡng hiểu biết. Còn thực hành, lúc bạn ra trường đi làm mọi thứ lại trở nên khác hẳn. Tôi nghĩ, quan trọng là sau khi học hành xong xuôi, mình được làm cái nghề mà mình yêu thích. Với Học viện Ngoại giao, tôi có yêu thích thì mới học. Ra trường rồi, tôi làm một công việc hoàn toàn chẳng liên quan nhưng đó cũng là thứ tôi yêu thích không kém. Tôi hiện đang rất hạnh phúc và thoải mái với công việc của mình. Những kiến thức thời đại học giúp tôi khá nhiều trong công việc.
Bạn có nghĩ đại học VN dạy cho sinh viên phương pháp luận, nhưng hiếm khi tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát với thực tế nên kiến thức cuối cùng cũng chỉ đóng khung trong lý thuyết?
Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó, dù rằng tôi thấy một thực tế, rất nhiều bạn đăng ký thi vào một ngành, ra trường lại làm một ngành. Chẳng biết trường khác thế nào, nhưng những phương pháp luận, những kiến thức đại cương được dạy trong trường của tôi đều vô cùng có ích. Ví dụ, bạn phải học các vấn đề về môi trường, chiến tranh,... đồng ý không còn mới nữa, chúng ta đang học về lịch sử. Tuy nhiên, có lịch sử thì mới có hiện tại, và hiện tại hôm nay lại sẽ trở thành lịch sử của ngày mai. Có điều, cách áp dụng kiến thức học được vào cuộc sống ra sao còn tùy vào khả năng của mỗi người.
Thực tế là, phần đông các bạn trẻ bây giờ thường lơ là với lịch sử, văn hóa... Họ yêu chuộng những thứ thuộc về công nghệ, máy móc hơn...
Đó là lựa chọn của mỗi người, tôi không phán xét. Ở thời đại mà khoa học công nghệ đang quá phát triển, chúng ta là một đất nước thừa kế những thành tựu tiên tiến. Nhu cầu nào cũng sẽ phải tăng. Mà nhu cầu tăng thì thay vì chỉ biết kế thừa, chúng ta phải tìm đường phát huy, rồi đến phát minh. Vì vậy, phải công nhận rằng học giỏi toán - lý - hóa - sinh rất hợp với đà phát triển xã hội. Song nếu văn học, nghệ thuật, lịch sử... không được định hướng phát triển đúng cách thì thật là một điều đáng tiếc.
Trách thế nào đây khi mà rõ ràng những ngành học về văn học nghệ thuật... lại khó kiếm việc làm? Nghĩ đến chuyện sau khi ra trường là học sinh vội vàng ồ ạt đăng ký thi các khối A, B rồi!
Đặt trường hợp ngược lại nhé! Bạn nghĩ rằng “Ừ, đây là cái nghề ra sẽ dễ kiếm được việc làm nên mình sẽ đăng ký học”, nhưng nếu bạn không yêu thích nó thì khi bước vào thực tế, bạn khó mà giỏi được. Không giỏi đồng nghĩa với việc không được trọng dụng.
Như vậy dù sao cũng tốt hơn theo đuổi một thứ mình yêu thích mà không sống được với nó chứ?
Tùy vào quan điểm của mỗi người. Đương nhiên, chúng ta ai cũng cần tiền sống. Riêng tôi, tôi nghĩ có nhiều cách để sống và để làm cuộc sống trở nên phong phú hơn. Tôi thấy học sinh thời nay có điều kiện tiếp xúc sớm với phương tiện hiện đại, cùng những thứ xa hoa mỹ miều trên phim ảnh, điều này dễ làm cho một bộ phận các bạn nhỏ bị mơ mộng và có xu hướng hưởng thụ sớm. Nhưng làm cách nào bây giờ? Mình tiếp tục ngồi đây lên tiếng, phê phán cũng chẳng cải thiện được gì cả. Mỗi thời đại mỗi khác.
Nói về điều kiện ăn học của giới trẻ, chẳng phải những phương tiện hiện đại đã góp phần phát triển nhận thức cho học sinh, sinh viên đấy sao?
Cái gì cũng có hai mặt lợi - hại. Chẳng hạn, internet rất hữu ích cho học tập, nhưng vấn đề ở đây là, các bạn có lên internet để tìm hiểu về văn hóa, khoa học, xã hội... không? Hay là lên internet để chơi và theo dõi đời sống cá nhân của người khác.
Thời tôi đi học ít được điều kiện như các em bây giờ, không phải lúc nào cũng kè kè cái laptop, muốn tìm gì là Google... Mình cần biết gì là mình phải tìm sách đọc. Cảm giác cầm cuốn sách trên tay đọc đi đọc lại khác lắm. Vậy mới nói, khi mọi thứ dễ dàng rồi thì chắc chắn phải bớt say mê.
Đời, ai mà lại muốn khó khăn đến với mình bao giờ. Có khi khó khăn quá mới chính là nguyên nhân làm “bớt say mê” đấy?
Tôi không rõ. Tôi chỉ biết mẹ mình thường dạy rằng: Có đôi tay, có cái đầu thì chả lo bị chết đói. Còn khó khăn ư? Cuộc sống nào cũng phải gặp khó khăn. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh muốn con mình vào đại học đôi khi chẳng vì để được tiếng này kia với thiên hạ, mà để cho con cái biết, bằng khối óc và sức lao động, con người ta có thể tồn tại.
Vậy, được công nhận là một ca sĩ chuyên nghiệp rồi, Uyên Linh có dự định sẽ học chuyên sâu về thanh nhạc không?
Tôi vẫn đang học đây.
Một NSND phát biểu trên báo rằng: “Uyên Linh đang nhạt dần vì không có căn bản”. Bạn nghĩ thế nào?
Tôi có nghe. Bản thân tôi và ê kíp của mình vẫn đang có những hoạt động khá đều đặn. Tôi không phải người có gì cũng lên Facebook thông báo hay làm gì cũng lên mặt báo khoe. Đương nhiên, người lớn họ có cái đúng của họ, mình thấy cái gì hợp lý thì mình rút kinh nghiệm thôi.
Có thể họ quan sát sản phẩm âm nhạc của mình mà đưa ra nhận định thì sao? Album đầu tay của Uyên Linh hình như không được thành công cho lắm!
Đó cũng là một quan điểm cá nhân. Tôi đã từng chia sẻ, tôi hạnh phúc với những gì tôi đang làm.
Không biết Uyên Linh đã nghe qua chuyện nhiều ca sĩ, diễn viên, hoa hậu... bị lộ bảng điểm học tập với kết quả rất tệ, mà không ít người trong số họ từng đạt thủ khoa này kia. Bạn nghĩ nguyên nhân của việc sa sút học tập ấy là từ đâu?
Tôi không rõ chuyện này, và may mắn cho tôi là đã hoàn thiện chương trình học văn hóa rồi mới làm ca sĩ. Bạn đang muốn nói đến những người đang đi học mà tham gia showbiz phải không? Theo tôi, vấn đề chính là thời gian.
Giả sử Uyên Linh không đoạt danh hiệu Vietnam Idol sau khi ra trường mà đang còn là sinh viên năm nhất, bạn nghĩ mình sẽ cân bằng được chứ?
Với thực tế mà tôi đang gặp phải thì tôi xin trả lời thẳng thắn. Nếu tôi được Vietnam Idol và bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp khi còn đang đi học văn hóa, có lẽ tôi cũng sẽ học kém đi chăng?
Đi hát mất rất nhiều thời gian: thu âm, biểu diễn, truyền thông báo chí, tập luyện và vô vàn những việc không tên... Tóm lại khi bạn làm việc gì đó mà bạn không dành hết thời gian cho nó thì bạn khó mà thành công được. Việc học với việc đi hát cũng vậy. Phải nói là một nỗ lực đáng ngưỡng mộ nếu ai vừa đi làm vừa học tốt.
Một câu hỏi vui nhé! Nếu Uyên Linh có con, bài học đầu tiên Linh sẽ dạy cho con mình là gì?
Là xin lỗi. Tôi sẽ dạy cho con mình biết cách xin lỗi khi phạm sai lầm.
Nguyễn Khắc Ngân Vi (thực hiện)
Bình luận (0)