Người già

26/08/2012 03:05 GMT+7

1. Ngày bé khi làm thịt con gà con vịt, tôi không thấy ngại, chẳng hề run tay. Nghe nói ai đó không dám cắt tiết gà, thầm nghĩ sao nhát thế.

Rồi đến một ngày đi ngang Công viên Thống Nhất thấy người ở thôn quê đem ra những chú chim giẽ đã vặt trụi lông, buộc túm chân treo ghi đông xe rao bán. Họ rất thản nhiên vặt nốt những con còn lại. Mấy túm lông trắng ném bay cuộn xoáy trên hè phố. Con chim nhỏ bé tội nghiệp chỉ còn giãy giụa một cách bất lực. Lại nhìn thấy những cơ thể trụi lông đỏ hỏn run rẩy, tự nhiên thấy lòng chùng xuống, thương cảm lũ chim quen sống tự do. Đối với chúng, bầu trời xanh cao lồng lộng đẹp đẽ nhường nào kia sắp biến mất. Một nỗi buồn tâm thế chảy u ám trong người.

Rồi một lần ngồi nhặt cua làm bữa riêu thấy những con cua xô nhau chạy trong chậu để tránh bị bắt, hai mắt giương lên ngơ ngác. Khi bị bóc mai, chúng run lên, hai con mắt đột nhiên đờ đẫn gãy gập xuống, những chiếc càng cứng cỏi bỗng nhiên buông xuôi, các chân co rúm ró, có cái tự rụng ra khỏi thân. Đó là cơn đau đớn cuối cùng của một kiếp phù du. Ăn bát canh cua giữa ngày hè mà sao chẳng thấy ngon.

Tôi kể chuyện đó cho một người bạn. Ông bạn không bàn thêm mà chỉ chậm rãi bảo già rồi, con người ta có già mới yếu đuối thế. Tôi lờ mờ chìm theo suy ngẫm ấy, phải chăng mình đã già thật.

2. Khu phố tôi ở có một anh đương chức chủ tịch huyện. Còn khá trẻ. Bố anh ta là vị lão thành cách mạng. Thời kháng chiến ông đã từng ăn cơm tù đế quốc. Tài sản ông để lại cho con chính là uy tín của một cán bộ được dân kính trọng, nể phục. Cứ ngỡ thằng con sẽ nối nghiệp cha, ai ngờ nó hư hỏng. Có lần ngồi cùng ông già tuổi ngoài tám mươi đầy tâm sự, tự nhiên tôi cảm thấy ông giống hệt con chim giẽ đang bị vặt từng cái lông tự hào khí phách một thời mà giờ thì bất lực không làm gì được. Ngẫm ra cậu con đang kinh doanh trên thành quả của ông. Ông đau thực sự.

3. Săn bắt vô lối, khi thiên nhiên cạn kiệt những chú chim trời thì kẻ săn mồi sẽ sống bằng gì? Tham nhũng kết bầy đàn xâu xé những đồng tiền xương máu của dân thì xã hội còn gì? Phải chăng bạn tôi đã nhầm khi cho rằng biết thương xót một sinh linh bé nhỏ, hoặc cám cảnh nỗi đau của những người khác, là do ta đã già. Chẳng nhẽ lòng trắc ẩn chỉ của riêng người già?

8.2012

Đỗ Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.